Nga đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu vũ khí. |
Ruslan Pukhov, thành viên Hội đồng Tư vấn thuộc Bộ Quốc phòng Nga và là một trong những người sáng lập Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST) có trụ sở tại Moscow, đã theo sát sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ông đưa ra những phân tích về thách thức quân sự chính đối với lĩnh vực này.
Theo ông, hiện Nga đã trở thành quốc gia cung cấp vũ khí lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Pukhov khẳng định Nga có rất nhiều lợi thế đáng kể trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Nga đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nước Nga hiện đại không còn là Liên Xô cũ nữa vì vậy Washington cần giảm bớt thái độ thù địch đối với Nga. Ví dụ, Moscow sở hữu một số công nghệ quân sự độc quyền và có thị trường rộng lớn khắp thế giới.
Thêm vào đó, các trang thiết bị của Nga không quá đắt đỏ như Mỹ. Các loại vũ khí của Nga có thể được sản xuất bởi những loại máy móc không quá phức tạp, chính vì thế giá thành cũng rẻ hơn.
Một lợi thế khác là các vũ khí của Nga rất “thân thiện” với người sử dụng, cho phép mọi người không cần phải có kỹ năng hay đào tạo đặc biệt mới có thể làm chủ được chúng...
"Các máy bay chiến đấu của Mỹ giống như những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ vậy nhưng các chiến đấu cơ của Nga thì giống như xe tăng. Liệu mọi người muốn chiến đấu với một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ hay một chiếc xe tăng đây?" ông Pukhov ví von.
Tóm lại, ông Pukhov khẳng định nền công nghiệp quốc phòng của Nga đã có một thâm niên lâu đời, bắt nguồn từ thế kỷ thứ 15. Ông cũng trích dẫn câu nói nổi tiếng của Otto von Bismarck, cho rằng: "Nước Nga đều sở hữu cả những điểm mạnh và điểm yếu". Hay như Tổng thống Nga Putin từng phát biểu: "Nước Nga chưa phát huy hết sức mạnh và Moscow cũng không hề yếu thế như mọi người nghĩ".
Việc hợp tác với phương Tây gián đoạn khiến Nga phải tiến hành một chương trình thay thế. Kế hoạch nhập khẩu vũ khí và trang thiết bị quân đội đã được chốt từ tháng 12/2014. Nga đang tiến hành một chương trình hiện đại hóa vũ khí trị giá 325 tỷ USD, trong đó 70% được dùng để đổi mới các loại vũ khí cho quân đội đến năm 2020.