Tàu tuần dương tên lửa Moskva từng tham gia vào xung đột tại Georgia, Syria và Ukraine. Ngoài ra, tàu Moskva cũng có thời gian hỗ trợ nghiên cứu khoa học với Mỹ, theo AP.
Theo TASS, Moskva được đưa vào hoạt động từ năm 1983 với tên gọi Slava (tạm dịch: Vinh quang). Năm 1996, tàu tuần dương được đổi tên như hiện tại.
Ukraine nói rằng đã bắn tên lửa chống hạm Neptune trúng con tàu, khiến soái hạm Moskva bốc cháy. Nga không xác nhận thông tin này, nói rằng vụ cháy đang được điều tra.
Các bên nói gì?
Hiện các bên đưa ra tuyên bố khác nhau về nguyên nhân khiến soái hạm Moskva chìm ở Biển Đen.
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một vụ cháy trên tàu đã kích nổ kho đạn, khiến con tàu bị hư hại nghiêm trọng. Đến chiều 14/4, bộ này nói rằng ngọn lửa trên tàu đã được dập tắt, và Nga sẽ kéo con tàu về cảng.
Dù vậy, con tàu đã chìm khi đang được kéo về cảng vì biển động, phía Nga cho biết.
“Trong khi tàu tuần dương Moskva được kéo về cảng, con tàu mất ổn định do hỏa hoạn làm hư hại thân tàu”, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga.
Vị trí soái hạm Moskva trên vệ tinh. AP cho biết con tàu cách cảng Odesa khoảng 100 km khi bốc cháy. Đồ họa. BBC. |
Nga chưa xác nhận bất cứ vụ tấn công nào, nói nguyên nhân vụ cháy trên soái hạm Moskva đang được điều tra.
Ngược lại, Ukraine cho biết họ đã bắn trúng tàu Nga bằng tên lửa chống hạm Neptune.
"Tên lửa Neptune phòng vệ ở Biển Đen đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng cho tàu Nga", Maksym Marchenko, người đứng đầu chính quyền khu vực Odessa của Ukraine, cho biết trên Telegram.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết họ xác nhận tàu Moskva bị thiệt hại nghiêm trọng, nhưng không có đủ thông tin để xác định liệu Moskva có trúng tên lửa Ukraine hay không.
Mỹ cho biết một vài tàu chiến khác của Nga đã di chuyển ra xa bờ biển Ukraine, do đó việc tàu Moskva bị trúng tên lửa là một lý do khả thi.
"Tấm khiên hạng nặng trên biển"
Con tàu được lắp ráp tại cảng Mykolaiv, Ukraine trong thời Liên Xô, đi vào hoạt động từ cuối năm 1983.
Soái hạm Moskva là tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Slava - lớp tàu lớn thứ ba trong biên chế Hải quân Nga và có hệ thống phòng thủ tiên tiến, theo chuyên gia hải quân Jonathan Bentham thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Maritime Executive cho biết tàu Moskva có thể mang theo 20 tên lửa đất đối không tầm ngắn cùng 64 tên lửa phòng không tầm xa S-300, với biến thể lắp đặt cho tàu chiến.
Ngoài ra, Moskva được trang bị hai pháo phòng không hạng nặng, và 6 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần (CIWS). Trên tàu còn có 16 bệ phóng tên lửa chống ngầm P-1000 Vulkan, ngư lôi và bãi đáp trực thăng, hỗ trợ phòng thủ trước các tàu chiến khác.
Ông Bentham cho biết việc trang bị hệ thống phòng không như vậy đáng lý ra sẽ giúp tàu Moskva có thể đánh chặn tên lửa Neptune như phía Ukraine tuyên bố.
Tàu tuần dương Moskva tại cảng Crimea ngày 7/4. Ảnh: Maxar Technologies. |
Biểu tượng của hạm đội Biển Đen
Soái hạm Moskva là “biểu tượng của Hải quân Nga ở Biển Đen”, Michael Petersen, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga, nói với BBC.
“Tàu Moskva là một trở ngại với Ukraine kể từ khi chiến sự bắt đầu”, ông nói.
Alessio Patalano, giáo sự tại King College London, nói với CNN rằng hoạt động của các tàu chiến thường không thu hút truyền thông, nhưng chúng là một phần thể hiện lãnh thổ quốc gia.
Các hoạt động của Hải quân Nga trên Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động trên bộ ở phía nam và phía đông - khu vực quân nước này đang nỗ lực để giành toàn quyền kiểm soát Mariupol.
Theo cập nhật mới nhất về diễn biến ở Mariupol, binh sĩ Nga hôm 14/4 đã tiến vào trung tâm thành phố và kiểm soát một nhà máy gang thép. Nhà máy này từng là một trong các thành lũy cuối cùng của lực lượng Ukraine phòng thủ thành phố, theo New York Times.
Động thái này là tín hiệu cho thấy Nga có thể sắp kiểm soát được Mariupol - thành phố cảng ở miền Nam Ukraine - sau 7 tuần giao tranh. Việc Mariupol thất thủ sẽ là một thắng lợi cho Moscow sau khi quân đội nước này không thể kiểm soát thủ đô Kyiv.
Những vũ khí trên soái hạm Moskva. Đồ họa: Wall Street Journal. |