Hôm 14/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Moskva, lớp Slava - soái hạm của Hạm đội Biển Đen - đã bị hư hại do vụ nổ kho đạn trên tàu.
Trong khi đó, ông Maksym Marchenko, Thống đốc tỉnh Odesa, Ukraine cho biết tuần dương hạm Moskva đã bị trúng 2 tên lửa hành trình chống hạm Neptune do nước này sản xuất.
Bộ Quốc phòng Ukraine không phản hồi yêu cầu bình luận và Reuters không thể xác minh độc lập tuyên bố của các bên. Dù vậy, đám cháy trên tuần dương hạm Moskva cùng tuyên bố của Thống đốc Marchenko cho thấy khả năng tàu chiến Nga bị trúng tên lửa chống hạm là rất cao.
Phiên bản Kh-35 của Ukraine
Theo Military Today, RK-360MC Neptune là hệ thống tên lửa chống hạm được phát triển bởi phòng thiết kế Lunch. Hệ thống sử dụng tên lửa chống hạm R-360. Đây là phiên bản tên lửa chống hạm Kh-35U của Nga được chế tạo tại Ukraine.
Tổ hợp phòng thủ bờ biển Neptune của Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Ngoại hình của R-360 và Kh-35U không khác gì nhau. Điểm khác biệt có thể nhìn thấy là thân tên lửa R-360 dài hơn do sử dụng nhiều nhiên liệu hơn cùng một số sửa đổi khác rất khó nhìn thấy bằng mắt thường.
Một số nguồn tin cho biết trước khi Liên Xô tan rã, đã có kế hoạch sản xuất tên lửa chống hạm Kh-35 tại Ukraine. Tuy vậy, sự tan rã của khối Xô Viết khiến kế hoạch bị đảo lộn. Kh-35 chỉ được sản xuất tại Nga vào giữa những năm 1990.
Nhiều khả năng Ukraine có tài liệu kỹ thuật của tên lửa Kh-35. Trước khi quan hệ hai bên xấu đi, Ukraine tham gia sản xuất động cơ và một số thành phần khác cho tên lửa Kh-35 của Nga. Kyiv đủ khả năng tạo ra một phiên bản Kh-35 của riêng họ.
Tên lửa R-360 được công bố lần đầu vào năm 2013. Sau cuộc khủng hoảng bán đảo Crimea, Ukraine đã tăng tốc phát triển tên lửa này để tăng cường sức mạnh phòng thủ biển.
Nguyên mẫu tên lửa Neptune xuất hiện trước công chúng lần đầu trong cuộc triển lãm vũ khí ở Kyiv vào năm 2015. Các thử nghiệm đầu tiên bắt đầu từ năm 2016. Ở thời điểm đó, có báo cáo nói rằng tên lửa Neptune không có hệ thống dẫn đường.
Tên lửa được bắn thử lần đầu vào tháng 1/2018. Thử nghiệm bắn đạn thật tiếp theo diễn ra vào tháng 8/2018, tên lửa đã đánh trúng mục tiêu giả định ở cự ly 100 km. Tháng 4/2019, tên lửa một lần nữa thử nghiệm thành công.
Tổng thống Ukraine khi đó là ông Petro Poroshenko cho biết tên lửa Neptune sẽ được chuyển giao cho quân đội Ukraine vào tháng 12/2019.
Thông số kỹ thuật ấn tượng
RK-360MC Neptune được chế tạo cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển. Tên lửa được đặt trên xe mang phóng USPU-360 với 4 đạn tên lửa/xe. Xe nạp tên lửa TZM-360, xe chỉ huy và điều khiển RCP-360 và xe chở hàng đặc biệt.
Tên lửa Neptune rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine. |
Tên lửa có chiều dài 4,4 m, 5,5 m với động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, đường kính 0,4 m, trọng lượng phóng 870 kg, đầu đạn nặng 150 kg. Tên lửa Neptune được thiết kế để đánh chìm tàu chiến có lượng choán nước đến 5.000 tấn.
Neptune được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar chủ động giai đoạn cuối, tầm bắn khoảng 280 km, tương đương Kh-35U của Nga. Tuy vậy, Ukraine đang gặp khó khăn trong việc phát triển radar cho tổ hợp phòng thủ bờ biển này.
Nhìn chung, tổ hợp phòng thủ bờ biển Neptune của Ukraine có tính năng tương tự tổ hợp Bal của Nga, sử dụng tên lửa Kh-35U. Tuy vậy, Neptune vẫn chưa thể hoạt động như một tổ hợp phòng thủ bờ biển hoàn chỉnh vì thiếu radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực.
Một chi tiết khá thú vị về tên lửa Neptune là một bản sao của nó đã xuất hiện ở Triều Tiên vào năm 2014 với tên gọi Kumsong 3, trước khi nó được thử nghiệm ở Ukraine. Ban đầu người ta cho rằng Ukraine đã mua tên lửa Kh-35E của Nga, nhưng sau khi xem xét kỹ, nó không phải là tên lửa của Nga và giống hệt tên lửa Neptune của Ukraine.