“Trong khi tàu tuần dương Moskva được kéo về cảng, con tàu mất ổn định do hỏa hoạn làm hư hại thân tàu”, Reuters dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga. “Trong điều kiện thời tiết giông bão trên biển, con tàu bị chìm".
Trước đó, Nga cho biết hơn 500 thủy thủ đoàn đã được sơ tán sau khi kho đạn dược trên tàu phát nổ.
Ngược lại, Ukraine cho biết họ bắn trúng tàu Moskva bằng tên lửa Neptune phòng vệ do nước này sản xuất. Tuy nhiên, Nga chưa thừa nhận bất cứ vụ tấn công nào, nhấn mạnh vụ việc xảy ra với con tàu vẫn đang được điều tra.
Bộ Quốc phòng Nga không xác nhận có thương vong, khẳng định thủy thủ đoàn đã được sơ tán đến các tàu khác của hạm đội Biển Đen trong khu vực.
Giới chức Mỹ cho biết họ không có đủ thông tin để xác định liệu tàu Moskva có trúng tên lửa hay không.
Soái hạm Moskva của Hải quân Nga tại cảng Sevastopol, Crimea, ngày 16/11/2021. Ảnh: Reuters. |
Moskva là tàu tuần dương hộ vệ tên lửa, soái hạm của hạm đội biển Đen. Đây là tàu chiến phòng không hạng nặng, mang theo 84 tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm xa, và 16 bệ phóng tên lửa P-1000 Vulkan. Con tàu này từng tham gia vào cuộc đụng độ tại đảo Rắn hồi tháng 2, theo một cố vấn của tổng thống Ukraine.
Theo TASS, Moskva được đưa vào hoạt động từ năm 1983 với tên gọi Slava (tạm dịch: Vinh quang). Năm 1996, tàu tuần dương được đổi tên như hiện tại.
Vụ việc xảy ra khi các thành phố Ukraine ở khu vực Biển Đen liên tục bị bắn phá.
Các hoạt động của Hải quân Nga trên Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động trên bộ ở phía nam và phía đông - khu vực quân nước này đang nỗ lực để giành toàn quyền kiểm soát Mariupol.
Mariupol là thành phố chiến lược nằm trên hành lang nối bán đảo Crimea - lãnh thổ thuộc Ukraine bị Nga sáp nhập năm 2014 - với vùng Donbas hiện do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát.
Nếu kiểm soát hoàn toàn Mariupol, Nga có thể hình thành trận tuyến bao vây lực lượng vũ trang Ukraine ở miền Đông và tiến đánh sâu bên trong Ukraine.