“Iran có một không phận rất nóng, giao tranh quyết liệt và bận rộn”, Thiếu tướng James Marks nhận định.
“Mọi người đều nâng cao mức độ cảnh giác, lo ngại vì mọi thứ vô cùng hỗn loạn. Và họ vẫn để các chuyến bay thương mại rời khỏi sân bay Tehran. Tôi nghĩ điều này là rất vô trách nhiệm”.
David Soucie, cựu giám sát viên của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), đồng tình với ý kiến của ông Marks và nói rằng các hành khách có thể không biết máy bay đang bay “trực tiếp vào vùng chiến sự”.
“Việc này hoàn toàn vô trách nhiệm”, ông Soucie nói.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đặt nến tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn máy bay ở Iran. Ảnh: Getty. |
Theo CNN, chiếc Boeing 737-800 của Ukraine dường như bay trên đường bay thông thường vào thời điểm gặp nạn hôm 8/1.
Phóng viên của CNN Fred Pleitgen, đóng ở Tehran, cho biết chuyến bay của Ukraine International Airlines bị bắn nhầm dường như đang di chuyển trên tuyến đường thông thường để rời sân bay.
"Tôi đã bay tới, bay lui sân bay Imam Khomeini khoảng 16 hay 17 lần rồi. Và mỗi lần tôi gần như bay đúng tuyến bay đó", ông Pleitgen cho biết.
Các dữ liệu dường như cho thấy một số chuyến bay đã cất cánh từ sân bay này trước khi chuyến bay của Ukraine cất đánh cũng đúng theo tuyến đường đó.
Tuy nhiên, phía Iran nói rằng một phần do đường bay của chiếc máy bay dẫn tới việc ra quyết định mà cuối cùng khiến máy bay bị bắn hạ. Lực lượng vũ trang Iran cho biết trong một tuyên bố hôm 11/1 rằng chiếc máy bay của Ukraine di chuyển gần một trung tâm quân sự nhạy cảm ở độ cao và điều kiện bay giống như mục tiêu thù địch của Iran khi nó bị bắn hạ.
Chiếc Boeing 737-800, mang số hiệu PS752, của hãng Ukraine Interntional Airlines rơi không lâu sau khi cất cánh từ Tehran sáng 8/1, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 63 công dân Canada. Cho đến hôm 10/1, Iran vẫn phủ nhận việc bắn tên lửa làm rơi máy bay, cáo buộc chính phủ các nước phương Tây tiến hành "tâm lý chiến".
Iran ban đầu thông báo chiếc Boeing 737-800 gặp trục trặc kỹ thuật chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở thủ đô Tehran đi Kiev, Ukraine.