Ông quan sát tốt cũng chẳng kém gì thực hành. Ông đã tìm thấy phần mới lạ nhất, hấp dẫn nhất cho học thuyết của mình trong tương lai chính trong những điều đơn giản hàng ngày mà ông quan sát được. Và đây sẽ là một bài học cho chúng ta.
Điều này sẽ nhắc nhở chúng ta rằng năng khiếu là một năng lực tự nhiên có thể bộc lộ ra từ sự quan sát hàng ngày với mọi thứ xung quanh, và đối với khoa học, đây cũng là một hoạt động có nhiều tiềm năng mà ta không nên đánh giá thấp.
Đương nhiên cần phải bổ sung thêm các quy trình khác nữa, nhưng không gì thay thế được vai trò của việc quan sát. Các hình thức giáo dục đào tạo chính thức về khoa học vẫn thường xuyên, nếu không muốn nói là quá thường xuyên, mang nặng tính học thuật. Nó dạy ta cách lập luận nhưng lại làm cho ta quên mất cách quan sát.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: MART PRODUCTION/Pexels. |
Chúng ta cũng có thể đề cập đến điều mà những người khởi xướng “những trường phái mới”, tính từ Rousseau trở đi, đã nhận thức về mối quan hệ giữa hoạt động chân tay và việc quan sát. Một sự đào tạo nhằm phát triển khía cạnh trí tuệ của con người mà loại trừ đi khía cạnh thực tế sẽ có nguy cơ làm thui chột khả năng quan sát, thứ vốn là nền tảng của trí tuệ.
Vì vậy, một lần nữa có lẽ chúng ta phải cảm ơn số phận vì đã cho chúng ta những điều không như ý: chính những điều không như ý đó đã tạo thuận lợi hơn cho việc học hỏi của chúng ta.
Chúng ta có lẽ nên vui mừng chứ không cần tiếc nuối về việc Émile Coué đã phải bỏ ngang mơ ước trở thành một nhà hóa học của mình ở độ tuổi mà lẽ ra nó phải được chắp cánh để vui mừng rằng trong những năm tràn đầy sức sống trong tâm trí đó, ông đã học được nhiều điều qua việc trốn học hơn là bằng cách cố nhét vào đầu chương trình đại học thông thường.
Khoa học của Coué đã từng bước đi sâu vào chính trái tim của cuộc sống. Thật vui khi chúng ta được đi theo ông, bước vào cái bồn tắm thiên nhiên trong lành, tràn đầy sinh lực đó, một thứ khoái lạc mà thực tế đã không còn được những người tự hào về một chủ nghĩa trí tuệ quá cằn cỗi đánh giá cao.
Và thế là Coué tiếp tục quan sát bằng đôi mắt sâu sắc, tinh nghịch và tử tế của mình. Với tinh thần tận dụng tối đa mọi thứ, ông đã tìm thấy trong công việc của mình một cơ hội quan sát không giới hạn. Hiệu quả thất thường của các phương thuốc, tác dụng của một lời nói khéo léo khi đưa bệnh nhân chai thuốc, việc chữa khỏi một số căn bệnh dai dẳng bằng một hợp chất vốn không có tác dụng gì.
Tất cả những điều này với người khác là bình thường, nhưng đều có ý nghĩa đối với người quan sát vĩ đại này. Tất cả những điều quan sát được đó đọng lại trong tâm trí ông trong suốt tuổi trẻ và trong cả phần tiềm thức mà sau này ông đã ca ngợi rất nhiều. Chúng trở thành những viên gạch để dần xây dựng nên luận điểm tương lai của Coué mang tên Tự kỷ ám thị.
Trong khi đó, những ý tưởng của trường phái trị liệu Nancy1 đã lan rộng. Ở Mỹ, những ý tưởng này đang được khai thác và phổ biến qua rất nhiều những nghiên cứu được quảng cáo ầm ĩ nhưng chứa trong đó không ít sự bịp bợm, vô nghĩa. Trong đống tài liệu rất tẻ nhạt đó, Coué nghĩ có lẽ ông sẽ tìm thấy được điều gì đó hữu ích, và công lao của ông nằm ở chỗ là có thể đúc rút ra được một nguyên lý cốt yếu mạnh mẽ từ tất cả những thứ tào lao đó.