Chứng khoán Việt Nam chịu chung xu hướng giảm của thị trường thế giới. Ảnh: Nam Khánh. |
Với mức giảm 48,53 điểm (-3,8%), chỉ số VN-Index vừa có lần thứ 10 rơi xuống dưới mốc 1.200 điểm. Đây cũng là biên độ điều chỉnh lớn nhất của chỉ số đại diện sàn HoSE trong gần 4 tháng qua.
Tình trạng cạn kiệt dòng tiền khiến nguồn cung chiếm quyền kiểm soát thị trường và đẩy nhiều cổ phiếu lao dốc. Tổng cộng, đã có 744 mã giảm (gồm 129 mã giảm sàn), 714 mã đứng giá và chỉ 145 mã giữ được đà tăng (gồm 14 mã tăng trần).
Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với những nhận định cho rằng thị trường sẽ hồi phục đầu tuần dựa trên quán tính tăng điểm của phiên 2/8.
Sức ép từ thị trường quốc tế
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bà Lê Thị Ngọc Huyền, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education, cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam không hoạt động tách biệt mà thường chịu ảnh hưởng từ các diễn biến ở khu vực và quốc tế.
“Các nhà đầu tư vẫn còn mang tâm lý lo sợ và chờ vùng mua tốt hơn để bắt đáy. Tình trạng bán tháo ở các thị trường nước ngoài trước lo ngại suy thoái kinh tế cũng tước đi lực đỡ của thị trường trong nước hôm nay”, bà Huyền nhận định.
Kết phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 12,4% xuống 31.458,42 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của chỉ số chứng khoán này kể từ “ngày thứ 2 đen tối” năm 1987.
Xét theo giá trị tuyệt đối, phiên giảm 4.451,28 điểm hôm nay của Nikkei 225 là mức giảm lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Nhật Bản. Tương tự, chỉ số Topix cũng mất 12,2%, đóng cửa ở mức 2.227,15 điểm.
Cây nến giảm gần 50 điểm của VN-Index. Ảnh: TradingView. |
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 8,1% trước khi giao dịch bị ngưng 20 phút do mức giảm quá lớn khiến cơ chế tự ngắt của sàn giao dịch được kích hoạt. Chỉ số Kosdaq đại diện nhóm vốn hóa nhỏ cũng giảm 11,7%.
ASX 200 của Australia đóng cửa đầu tuần với mức giảm 3,7%. Hang Seng của Hong Kong giảm 2,2% và Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục sụt giảm hơn 1,4%.
Vị chuyên gia cho biết ngay khi bước vào tuần mới, thị trường tài chính toàn cầu đã nhận một loạt tin “không vui” như nguy cơ leo thang xung đột ở khu vực Trung Đông, qua đó tác động tiêu cực đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trong và quốc tế.
Thực tế, mỗi quốc gia lại có tin tức riêng tác động trực tiếp lên thị trường.
Đơn cử, chính phủ Nhật đã có đợt tăng lãi suất lần thứ 2 vào cuối tháng 7 vừa qua. Nỗ lực cứu giá đồng yen đã tác động xấu tới những doanh nghiệp đang vay vốn và buộc nhóm này phải bán một phần tài sản từ những nguồn đầu tư khác để trả nợ, một trong số đó có thể đến từ số cổ phiếu mà doanh nghiệp nắm giữ.
Tỷ giá giữa đồng yen Nhật và USD tăng mạnh. Ảnh: Investing.com. |
Bổ sung thêm, chuyên gia phân tích Lê Ngọc Toàn cho rằng những lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái cũng là nguyên nhân đẩy thị trường chứng khoán trong và ngoài nước lao dốc.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ vào cuối tuần trước cho thấy số lượng việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng 114.000 đơn vị trong tháng 7, giảm so với con số đã được điều chỉnh 179.000 việc làm mới của tháng 6. Mức tăng này cũng thấp mức dự báo trước đó là 185.000 việc làm. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại tăng lên 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Sau khi thông tin này được phát ra, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 2,3%, S&P 500 giảm 2,4%, Nasdaq giảm 3% trước khi thu hẹp mức độ thiệt hại vào cuối phiên.
Nguy cơ giảm về ngưỡng 1.100 điểm
Trong ngắn hạn, bà Lê Thị Ngọc Huyền dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tìm đến những điểm hỗ trợ mạnh hơn ở vùng giá 1.165-1.180 điểm.
“Kỳ vọng sẽ có lực bắt đáy mạnh tại đây để giúp thị trường hồi phục lại”, chuyên gia phân tích này đưa quan điểm.
Việc các tin tức về khả năng Fed sớm hạ lãi suất trong tháng 9 tới xuất hiện cũng phần nào tiếp thêm động lực tăng giá cho thị trường thế giới và Việt Nam.
Về dài hạn, triển vọng tăng trưởng của chứng khoán Việt Nam vẫn còn vì một số tin tức tiêu cực liên quan đến chiến tranh vẫn chỉ là phỏng đoán, chưa thể ảnh hưởng lớn đến lộ trình tăng trưởng dài hạn.
Tương tự, ông Toàn tin rằng VN-Index sẽ tiếp tục đà giảm để kiểm định các ngưỡng hỗ trợ, gần nhất là vùng 1.160-1.170 điểm và xa hơn nữa có thể là 1.100 điểm.
Tuy nhiên, việc thị trường giảm về mức 1.100 điểm sẽ phá vỡ đường xu hướng tăng dài hạn từ tháng 11/2022 của VN-Index.
Triển vọng dài hạn của chứng khoán trong nước chưa bị thay đổi bởi các biến động trong ngắn hạn
Ông Lê Ngọc Toàn, chuyên gia phân tích New World Education
Trong giai đoạn nửa cuối năm, kết quả kinh doanh tích cực của hầu hết nhóm ngành niêm yết trên sàn chứng khoán sau thời gian ổn định sản xuất kinh doanh sẽ là điểm tựa cho chỉ số chính.
Với nhà đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị nên tiếp tục theo dõi, chờ phản ứng của dòng tiền tại những vùng hỗ trợ mạnh cũng như quan sát tin tức trong thời gian tới để nhận định thêm. "Không nên bắt đáy, đoán đáy để tránh các quyết định đầu tư rủi ro".
Trong khi đó, chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế bán đuổi trong những phiên giảm điểm mạnh. Hiện tượng giải chấp margin từ nhiều tài khoản gia tăng tác động tiêu cực lên thị trường nhưng VN-Index có thể sớm có nhịp phục hồi khi chạm vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.180 điểm.
Các nhà đầu tư vẫn nên rà soát lại danh mục, chờ đợi những phiên phục hồi kĩ thuật để hạ tỷ trọng những cổ phiếu có xu hướng xấu hơn thị trường hơn là bắt đáy các cổ phiếu vừa mới bước vào pha giảm giá trong giai đoạn này.
Tương tự, chuyên gia tại Công ty Chứng khoán BIDV khuyến cáo nhà đầu tư cẩn trọng khi thị trường có thể giảm tiếp theo quán tính xuống vùng 1.160-1.165 điểm.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.