Sắc đỏ bao phủ bảng điện tử đầu tuần. Ảnh: Duy Hiệu. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất trong gần 4 tháng qua.
Chỉ số chính đại diện sàn HoSE lao dốc hơn 25 điểm trong phiên sáng và tiếp tục mở rộng biên độ thiệt hại lên gần 49 điểm trong phiên chiều. Lần cuối cùng VN-Index chứng kiến nhịp lao dốc sâu như vậy là phiên 15/4.
VN-Index rơi gần 50 điểm
Không “phép màu” nào xuất hiện trong những phút giao dịch cuối cùng. Kết phiên, VN-Index giảm 48,53 điểm (-3,92%) xuống 1.188,07 điểm; HNX-Index giảm 8,85 điểm (-3,82%) xuống 222,71 điểm; UPCoM-Index giảm 2,99 điểm (-3,18%) xuống 90,79 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận tổng cộng 744 mã giảm (gồm 129 mã giảm sàn), 714 mã đứng giá và chỉ 145 mã giữ được đà tăng (gồm 14 mã tăng trần).
Trái ngược với phiên 15/4 khi chỉ số giảm mạnh và thanh khoản tăng cao, thanh khoản trên cả 3 sàn hôm nay chỉ dừng ở ngưỡng 26.500 tỷ đồng, phần nào phản ánh tình trạng dư cung cạn cầu.
Tương tự VN-Index, chỉ số đại diện rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng giảm gần 49 điểm (-3,82%) xuống 1.232 điểm khi cả 30 cổ phiếu trong rổ đều suy yếu, riêng GVR giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu trụ gồm VCB (-2%), BID (-3,5%), GVR (giảm sàn), TCB (-5,1%), HPG (-4,8%), CTG (-4,4%), FPT (-3,7%), VHM (-4,2%), GAS (-3%), VPB (-3,2%) đóng góp gần 19 điểm điều chỉnh vào chỉ số chính.
Sắc đỏ len lỏi vào từng nhóm ngành. Bên cạnh cổ phiếu ngân hàng, nhóm tài chính gồm chứng khoán và bảo hiểm cũng ghi nhận tình trạng nhiều mã đầu ngành bị đẩy về giá sàn hoặc sát giá sàn, điển hình như SSI (-5,2%), VCI (-5,9%), VND (giảm sàn), HCM (-6,3%), SHS (-8,4%), BVH (-3,6%), BIC (giảm sàn), MIG (-5,9%), BMI (-4,6%).
Nhóm nguyên vật liệu cũng chứng kiến HPG (-4,7%), DGC (-5,5%), VGC (giảm sàn), DCM (-6,3%), MSR (-6,2%), NKG (giảm sàn).
Khối ngoại không tranh thủ bắt đáy, ngược lại mở rộng quy mô bán ròng lên 838 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu của “vua thép” Hòa Phát bị xả 232 tỷ đồng, FPT (-103 tỷ đồng), MWG (-86 tỷ đồng), STB (-77 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu VNM tiếp tục được ưu ái khi đón 181 tỷ đồng mua ròng từ khối ngoại. Ngoài ra, còn có VCB (+89 tỷ đồng), HVN (+62 tỷ đồng), MSN (+48 tỷ đồng).
Lao dốc cùng thế giới
Trước đó, thị trường chứng khoán trong nước đã có diễn biến tiêu cực từ buổi sáng.
Trái với những dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hồi phục vào đầu tuần dựa trên quán tính tăng điểm nối tiếp cuối tuần trước, sắc đỏ đã bao phủ bảng điện tử ngay từ phiên ATO ngày 5/8. Trong bối cảnh dòng tiền không tham gia nâng đỡ thị trường, VN-Index rơi tự do với biên độ rộng, có thời điểm hơn 25 điểm.
Diễn biến của VN-Index đồng pha với xu hướng chung của thị trường tài chính thế giới hôm nay.
Theo đó, chỉ số Dow Jones tương lai giảm 0,8%; S&P 500 và Nasdaq 100 tương lai giảm lần lượt 1,1% và 1,7%.
Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản dẫn đầu mức giảm trong khu vực khi chỉ số Nikkei 225 và Topix đều giảm 7-9%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 7,2%, trong khi Kosdaq giảm 7%.
Tạm kết phiên sáng, VN-Index giảm 24,38 điểm (-1,97%) xuống 1.212,22 điểm; HNX-Index giảm 4,28 điểm (-1,85%) xuống 227,28 điểm; UPCoM-Index giảm 1,77 điểm (-1,89%) xuống 92 điểm.
Chứng khoán đỏ lửa. Nguồn: Fireant. |
Đến 13h50, trên sàn TP.HCM, chỉ số VN-Index giảm gần 42 điểm (-3,4%), về dưới mốc 1.200 điểm, thấp nhất kể từ tháng 4 đến nay. Cũng diễn biến tiêu cực, trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm gần 8 điểm (-3,3%) về dưới 224 điểm, trong khi chỉ số UPCoM-Index cũng mất 2,6 điểm (-2,8%) giảm về còn hơn 91 điểm.
Trên toàn thị trường, sắc đỏ bao phủ gần hết bảng điện tử.
Trên HoSE, cả 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn này đều đang giao dịch trong sắc đỏ, mức giảm thậm chí đều ở 2-4%.
Tương tự, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 trên sàn này cũng ghi nhận 30/30 mã giảm điểm, trong đó PDR của Phát Đạt giảm sàn kịch biên độ 7%, các cổ phiếu còn lại trong nhóm cũng chịu áp lực giảm mạnh 3-4%.
Áp lực bán tháo lan rộng ra toàn thị trường từ những nhóm ngành chiếm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, sắt thép... cho tới những ngành quy mô nhỏ hơn như cảng biển, phân bón, năng lượng...
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.