Hội nghị G7 tại Hiroshima, Nhật Bản năm nay được các chuyên gia quan tâm, không chỉ bởi địa điểm tổ chức. Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển nhóm họp tại thành phố đầu tiên từng bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, giống như lời nhắc nhở thảm họa hạt nhân có thể xảy ra trong bối cảnh xung đột hiện nay.
Cách Hiroshima không xa là Trung Quốc, quốc gia đang trỗi dậy mạnh mẽ kéo theo những căng thẳng và đối đầu với Mỹ cũng như nhiều quốc gia trong khu vực. Đối phó với Trung Quốc được cho là một trong các chủ đề ưu tiên của G7 lần này, theo CNN.
Bóng ma vũ khí hạt nhân
Hội nghị G7 được tổ chức không xa Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày hàng chục chiếc đồng hồ dừng ở thời điểm 8h16.
Lúc 8h16 ngày 6/8/1945, máy bay cường kích B-29 của không quân Mỹ ném quả bom nguyên tử Little Boy xuống Hiroshima, khiến 70.000 người thiệt mạng ngay trong vụ nổ ban đầu. Hàng chục nghìn người khác sau đó tử vong vì bỏng hoặc các bệnh về phóng xạ.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Reuters. |
80 năm sau vụ ném bom Hiroshima, thế giới hiện có khoảng 12.500 đầu đạn hạt nhân thuộc về 9 quốc gia, nhiều đầu đạn trong đó có sức công phá lớn hơn Little Boy.
2 năm sau vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki, Đồng hồ Ngày tận thế đã được tạo ra để theo dõi hiểm họa hạt nhân đe dọa Trái Đất. Theo Bulletin of Atomic Scientists, tổ chức vận hành Đồng hồ Ngày tận thế, chiếc đồng hồ hiện dừng ở 90 giây trước nửa đêm, mức gần với thảm họa hạt nhân nhất từ trước đến nay.
Có nhiều nguyên nhân mà đồng hồ tiến sát mốc tận thế, như Trung Quốc mở rộng kho đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên đang thử nghiệm tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tốc độ kỷ lục, Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium, hay chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Vấn đề Trung Quốc
Cách Hiroshima 3.000 km về phía tây là Bắc Kinh. Những năm qua, sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc là mối quan ngại lớn của nước chủ nhà Nhật Bản và các đồng minh.
Trước sức ép từ Trung Quốc và Triều Tiên, tháng 12/2022, Thủ tướng Kishida tuyên bố sẽ tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản. Kế hoạch điều chỉnh chi tiêu quân sự sẽ biến Nhật Bản thành nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
Đối phó Trung Quốc là một trong các chủ đề của G7. Ảnh: Reuters. |
Washington hiển nhiên ủng hộ Thủ tướng Kishida. Hồi tháng 1, hai nước ký thỏa thuận củng cố quan hệ quân sự, cho phép quân đội Mỹ tăng cường hiện diện tại Nhật Bản.
Anh cũng đang củng cố quan hệ quốc phòng với Nhật Bản. Hồi tháng 1, London và Tokyo thông báo đạt "thỏa thuận quốc phòng lịch sử", cho phép hai nước triển khai quân đội trên lãnh thổ của nhau.
Một trong các lo ngại lớn nhất của Tokyo là toan tính của Bắc Kinh với Đài Loan. Trước đó, giới lãnh đạo Trung Quốc khẳng định không loại trừ khả năng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực.
Khác với trường hợp của Nga, G7 không đoàn kết trong ứng xử với Trung Quốc.
Sau chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói châu Âu cần hành động độc lập về vấn đề Đài Loan.
"Châu Âu không thể mắc kẹt vào cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta, điều sẽ ngăn châu Âu xây dựng sự tự chủ chiến lược", Tổng thống Macron nói.
Phát biểu của ông chủ Điện Elysee không làm Mỹ và một số đồng minh châu Âu khác hài lòng. Đây sẽ là một trong những chủ đề thảo luận của G7, ít nhất là trong các cuộc họp kín.
Bộ tứ nhóm họp
Theo kế hoạch ban đầu, hội nghị G7 tại Hiroshima sẽ được tiếp nối bởi hội nghị nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ tại Australia trong tuần sau.
Nhưng bởi vấn đề chính trị nội bộ ở Washington, Tổng thống Biden sẽ trở về Mỹ ngay sau khi G7 kết thúc. Do đó, cuộc họp của Bộ tứ được tổ chức ngay ở Hiroshima.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết ông hy vọng các cuộc thảo luận của nhóm Bộ tứ sẽ không phải một sự kiện bên lề của G7.
"Bộ tứ là một sáng kiến quan trọng, chúng tôi muốn bảo đảm hội nghị được tổ chức ở cấp lãnh đạo cao nhất, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra vào cuối tuần", ông Albanese cho biết.
Đây sẽ là lần thứ 3 lãnh đạo các nước Bộ tứ nhóm họp trực tiếp. Dù đã ra đời từ 15 năm trước, Bộ tứ chỉ thực sự có những tương tác tích cực trong vài năm gần đây. Các chuyên gia nhận định nguyên nhân bởi chính sách đối ngoại ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Lãnh đạo các nước Bộ tứ dự kiến thảo luận về hợp tác sâu sắc hơn trong một loạt lĩnh vực từ chính trị, công nghệ mới, biến đổi khí hậu cho đến nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.