Số lượng tập lọt top trending giảm và mức độ thảo luận trên mạng xã hội thấp hơn mùa 1,... format ca sĩ bí ẩn trong bộ mascot từng làm mưa làm gió mùa một nhưng đã giảm phần nhiều sức hút ở mùa hai. Không thể phủ nhận, năm nay The Masked Singer đụng phải nhiều đối thủ nặng ký, từ sự đổ bộ của show truyền hình Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, hay phải đối đầu trực diện với The New Mentor trong cùng khung giờ ngày thứ 6 trong suốt quãng thời gian đầu tiên. Tuy nhiên, phần lớn vấn đề của chương trình đến từ dàn dựng show và chất lượng âm nhạc.
Tách phần lộ diện sang tập khác là một nước cờ sai
Một trong những quyết định nhận tranh cãi từ khán giả của The Masked Singer mùa 2 là việc tách phần lộ diện sang một tập phát sóng khác. Có thể thấy đây không phải là chủ đích từ đầu của chương trình, khi tập 1 Ưng Hoàng Phúc phải lột mascot vẫn được chiếu liền mạch. Chỉ đến tập thứ 2, nhằm tạo sự kích thích cho khán giả về việc một mascot được yêu thích là Cừu Bông phải vào vòng nguy hiểm, chương trình mới có sự thay đổi, bất ngờ không hề báo trước. Điều đó vừa tạo nên sự thiếu nhất quán vừa khiến cho sự chờ đợi của khán giả vào phút cuối chương trình trở nên không còn nhiều ý nghĩa. Và sự thay đổi này đã mang đến hiệu ứng ngược khi lượt người xem từ tập 3 giảm.
Nhiều sai lầm trong khâu dàn dựng khiến The Masked Singer mất nhiệt. |
Khi nhận ra sai lầm, chương trình cũng đã phát liền mạch trở lại từ tập 7, tuy nhiên lúc này khán giả đã bớt sự cuồng nhiệt với chương trình. Những màn lột mặt nạ cũng không có ai đủ sức gây bão truyền thông như Lương Bích Hữu mùa trước để giúp chương trình lật ngược thế cờ. Lương Bích Hữu sở hữu 2 yếu tố quan trọng giúp cô bùng nổ, đó là việc cô biến hóa giọng hát khó lường khiến khán giả không dám chắc và độ “hot” của cô trong quá khứ là rất lớn, gợi nhắc khán giả về một thời kỳ đáng nhớ của Vpop. Trong khi đó, mùa năm nay, người biến hóa giọng hát thì lại không đủ hot, người có sức hút thì lại dễ đoán, thậm chí có những màn lộ diện khá mờ nhạt đến từ những ca sĩ còn xa lạ với đại đa số khán giả, chỉ nổi tiếng trong một cộng đồng nhất định.
Cách đưa gợi ý vào những clip giới thiệu mascot của The Masked Singer mùa 2 cũng khiến khán giả tranh luận nhiều bởi không khác nào đánh đố. Trong tập Cừu Bông Khởi My lộ diện, cô thừa nhận chi tiết năm 1993 nhằm mục đích đánh lừa sang ca sĩ khác chứ không phải hint về cô. Hay bộ đôi cá ngựa Trương Thảo Nhi Phạm Đình Thái Ngân chia sẻ gợi ý số 78 là size giày của 2 người cộng lại, Hoàng Dũng lại lại chọn gợi ý Khoai là biệt danh của người yêu anh. Những thông tin này hoàn toàn không giúp ích gì trong việc đoán ra ca sĩ là ai, thậm chí còn khiến nhiều người cảm thấy mất thời gian khi xem những video giới thiệu.
Chỉn chu nhưng chất lượng âm nhạc chưa đồng đều
Yếu tố quan trọng nhất của The Masked Singer là âm nhạc, thì ở mùa thứ 2 cũng đang tỏ ra thua kém so với mùa 1. Nếu như mùa 1, ngay từ tập đầu tiên chương trình đã gây bão với những All by myself, Như những phút ban đầu của Myra Trần, Chân ái của O Sen Ngọc Mai, hay càng vào sâu càng có những tiết mục bùng nổ, được giới chuyên môn đánh giá cao như Nửa thập kỷ của Trần Thu Hà, những sáng tác mới tạo thành hit lớn như Anh chưa thương em đến vậy đâu, thì đến thời điểm hiện tại, mùa 2 mới chỉ có duy nhất Ngày mai người ta lấy chồng của Voi Bản Đôn đạt được hiệu ứng đáng kể, lọt vào top trending. Các ca khúc còn lại có vài tiết mục được sự chú ý, song không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ.
Voi Bản Đôn là mascot hiếm hoi trong mùa 2 tạo được sự chú ý với khán giả. |
Vẫn là ban nhạc Hoài Sa đảm nhận vai trò phối khí cho toàn bộ chương trình, tuy nhiên mùa 2 của The Masked Singer bị đánh giá là thiếu sáng tạo khi số lượng ca khúc ballad chiếm quá nhiều. Nếu so với mùa 1 khi chương trình còn đưa cả những thể loại lạ như triphop/soul (Hoa nở không màu), nhạc kịch (Em dạo này), hay dân ca (Phải lòng người con gái Bến Tre), các ca khúc dance hay R&B thì rất nhiều, thì ở mùa 2 chỉ mở rộng sang dance, rock là đã dừng lại. Các ca khúc mới nhiều hơn hẳn mùa 1, nhưng chất lượng không đảm bảo, và không tạo được cơn sốt lớn như Anh chưa thương em đến vậy đâu của năm ngoái. Chương trình cũng có thêm các sáng tác mới của Trung Ngon, Đạt G hay chính sáng tác của các mascot nhưng đều không thể thành hit. Chỉ khi chương trình sử dụng thêm một sáng tác của Hứa Kim Tuyền, được giới thiệu như phần 2 của Anh chưa thương em đến vậy đâu, tình hình mới khởi sắc, nhưng đó cũng là lúc đã gần đi đến tập cuối cùng.
Những giọng ca của mùa 2 vẫn có chất lượng, tuy nhiên lại không có sự đồng nhất, cũng không có được sự phổ biến lớn với đại chúng như mùa 1. Nhân vật Cú Tây Bắc mang một phong cách khác hẳn với những mascot còn lại, là một nghệ sĩ gạo cội và thuần chất dân ca. Khi đặt giọng ca này vào mạch âm nhạc của chương trình, không gian âm nhạc của cả tập thường đi lạc tông. Khán giả cũng rất thắc mắc nếu như Cú Tây Bắc phải vào vòng nguy hiểm và hát bài đối đầu với mascot khác, liệu nhân vật này có thể thể hiện được những bản ballad khác hoàn toàn với sự thể hiện của cô từ đầu đến giờ hay không. Cún Tóc Lô Ngọc Anh hay Bố Gấu Hoàng Hải cũng là những giọng ca chất lượng, nhưng việc nghỉ đi hát đã quá lâu khiến cho phần lộ diện của các nhân vật này không đạt được hiệu ứng như mong đợi, dù họ đã thể hiện 1 loạt những ca khúc nổi tiếng, làm nên tên tuổi cho mình trước đây.
Sự chỉn chu, sạch sẽ trong việc phối khí là điều không phải bàn vì The Masked Singer sở hữu một ekip làm nhạc hàng đầu trong nước và đã có kinh nghiệm thực hiện một mùa trước đó. Các mascot vẫn giữ được mức độ đầu tư khủng, được thay đổi thêm thắt nhiều chi tiết sau từng vòng thi. Tuy nhiên, chỉ như vậy là chưa đủ để giúp cho The Masked Singer đủ sức cạnh tranh với các show truyền hình khác - cũng được đầu tư nhiều không kém, lại có thêm nhiều yếu tố mới mẻ. Việc sức nóng của chương trình giảm là khá đáng tiếc trong bối cảnh các show âm nhạc tại Việt Nam chưa có nhiều, nhưng hoàn toàn có thể hiểu được.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng thế giới cũng như có thêm góc nhìn mới mẻ, gần gũi về nền âm nhạc cổ điển.