Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vén màn đời sống chân thực của những bác bác sĩ tương lai

Theo tác giả sách “Ký túc xá - Cá tốc ký” đúng là sinh viên trường Y học nhiều, căng thẳng, nghiêm túc, nhưng tâm hồn của họ cũng rất sống động và đa màu sắc.

Nhung bac si tuong lai anh 1

Ra mắt đầu tháng 10, với cái nhìn cởi mở về sinh viên Đại học Y Hà Nội (trường Y), cuốn sách Ký túc xá - Cá tốc ký của bác sĩ Thái Doãn Minh nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, trong đó có không ít sinh viên mặc áo blouse trắng trong tương lai.

Bằng những mẩu chuyện sống động, hài hước, cuốn sách đã bật mí cuộc sống ở ký túc xá và phác họa nên phần nào đó chân dung của sinh viên trường Y. Bác sĩ Thái Doãn Minh có những chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách, cũng như những điều thú vị về sinh viên của trường đại học này.

"Ghi lại tiểu sử kinh thiên động địa của ký túc xá"

- "Ký túc xá - Cá tốc ký" được anh thai nghén từ khi nào?

- Tôi bắt đầu có niềm tin rằng bản thân có chút “máu văn chương” từ ngày 4/10/2015. Nhớ lúc đó đang ngồi tự học buổi tối ở giảng đường Hồ Đắc Di, tôi bỗng nhớ đến kỷ niệm mối tình gà bông hồi lớp 4. Cũng có thể do thời tiết mùa thu Hà Nội cộng hưởng nữa, thế là tôi gấp hết sách vở và chạy về ký túc xá và mở laptop gõ.

Bài viết đó đăng lên Facebook nhận được phản hồi rất tích cực từ độc giả. Trong số nhiều lời bình, một số bạn nảy ra ý tưởng “hay Minh viết sách đi, tớ thích văn phong của cậu”. Ngày đó tôi chỉ xem đó là lời động viên có cánh, nhưng mãi đến tháng 8/2018, tôi chính thức nghiêm túc với việc viết.

Sau khi hoàn thành kỳ thi bác sĩ nội trú, các bạn trong phòng ký túc xá “đặt hàng” và “yêu cầu” tôi có trách nhiệm ghi lại tiểu sử kinh thiên động địa của phòng. Ban đầu tôi chỉ viết để nhớ và cười, nhưng việc gì đến cũng phải đến, các bạn đẩy tôi lên một mức “mày viết rồi sau này đưa đi in, không ai mua thì bọn tao mua, khỏi lo đi, miễn mày viết mà bọn tao đọc phải cười, phải khóc vì nhớ là được”.

Nhung bac si tuong lai anh 2

Bác sĩ Thái Doãn Minh và chị Nguyễn Thị Hòa Bình, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, người biên tập cuốn sách. Ảnh: NVCC.

- Thời nay, ai cũng từng viết đôi ba dòng trên mạng xã hội. Quá trình từ trang mạng ra trang sách đã diễn ra như thế nào?

- Tháng 4/2019, tôi vào TP.HCM làm việc. Vì đến một vùng đất mới với nhiều thử thách nên tôi có tạm ngưng viết một thời gian. Sau đó, một số “độc giả trung thành” có nhắn tin động viên và muốn tôi viết tiếp. Thế là tôi lại lạch cạch gõ. Tháng 10/2020, Linh Huyền - cô bạn chưa một lần gặp mặt (“fan” của tôi) từ nước Anh xa xôi đã bàn với tôi về việc “cậu có ý định xuất bản không? Tôi thấy nó đáng để lên trang sách lắm”.

Linh Huyền và tôi làm việc qua mail, rồi lại qua zoom để lên khung cuốn sách. Tất nhiên kế hoạch ban đầu cho tới bản duyệt in là một sự lột xác hoàn toàn, tôi rất biết ơn Linh Huyền, nhờ bạn đặt viên gạch đầu mà tôi mới có thể “xây một căn nhà” như hôm nay, đó là cuốn sách 376 trang mà bạn đang cầm trên tay đấy.

Tôi bề ngoài vui vẻ, dễ nói chuyện nhưng thú thật tôi có một khuyết điểm đó là rất hay tự ti và lo lắng thái quá. Ngày đó tôi e dè vì sợ mình còn nhỏ, tuổi nghề ít nhưng in một cuốn sách đưa ra bàn dân thiên hạ thì quá sức và sợ bị nói “làm nghề chẳng lo, ngồi đó mà hoa văn, viết lách”.

Cũng may mắn, khi chia sẻ nỗi lo đó, các bạn tôi đều thống nhất quan điểm rằng “sách này chẳng nói gì về kinh nghiệm chữa bệnh cả, nó đơn thuần là lưu giữ nét thanh xuân 6 năm, mà đã là thanh xuân thì một lần thôi, cậu qua rồi, cậu viết thoải mái”. Cứ thế, cứ thế, tôi hít một hơi thật sâu rồi lại viết. Viết được bài nào, tôi lại gửi Linh Huyền đọc, sau này có thêm cả Hoàng.

Thay đổi góc nhìn về sinh viên trường Y

- Trong cuốn sách này, bằng những mẩu chuyện sống động, hài hước, anh đã vén màn phần nào đó cuộc sống chân thực ở ký túc xá, đồng thời phác họa nên phần nào đó chân dung của sinh viên trường Y. Đây có phải là cách anh muốn giới thiệu hình ảnh những bác bác sĩ tương lai (trong đó có chính mình) đến với nhiều người không?

- Dạ đúng. Từ ngày chưa vào trường và kể cả giờ đây khi đã tốt nghiệp 4 năm, tôi thấy nhiều ý kiến còn hơi cứng nhắc và “làm quá lên” khi nói về sinh viên Y. Đúng là sinh viên Y học nhiều, căng thẳng, nghiêm túc nhưng không có nghĩa chúng tôi bị đóng khung, dán nhãn với một sự tách biệt xã hội. Người ta hay nói “học, chơi hết mình”, chúng tôi chưa tới mức đó nhưng chắc chắn tâm hồn các sinh viên Y rất sống động, đa màu sắc.

Chỉ là ai sẽ là người ngồi lắng nghe chúng tôi kể? Ai là người sẽ bỏ qua những khoảng cách về “đẳng cấp điểm thi đại học” và cùng chơi với chúng tôi như một sinh viên thông thường. Cá nhân tôi, tôi luôn nhận thấy sinh viên Y thú vị và đáng làm bạn, cùng nhau chia sẻ nhiều vấn đề xã hội, cuộc sống.

- Có thể nói "Ký túc xá - Cá tốc ký" là một cuộc hành trình đẹp đẽ và đầy ắp kỷ niệm của anh và các bạn phòng ký túc xá 110E2 (trong khoảng thời gian 2012-2018). Anh có thể chia sẻ thêm về cuộc sống của các bạn cùng phòng mình sau khi ra trường?

- Phòng tôi yên bề gia thất cũng kha khá rồi. Hoàng - Đạt - Thiết - Tuyên đã lấy vợ và có con. Một số bạn có thể có người yêu hoặc chưa. Về công việc, chúng tôi đã có việc làm (ít nhất là nuôi được bản thân). Tôi không dám nói ai thành công, ai hạnh phúc nhưng tôi thấy mỗi bạn đều đã tìm được hướng đi cho mình và sống thực tế hơn.

Ngày xưa khi còn là sinh viên, chúng tôi mơ mộng là phải làm bệnh viện này, bệnh viện kia. Giờ đây chúng tôi nhận thấy “quan trọng là mình cảm nhận được đang làm gì, nếu tốt nữa thì tương lai có cơ hội ra sao”, còn lại việc buồn - vui, thất vọng - hài lòng, vấp ngã - đứng lên, đó là điều tất yếu rồi. Trước khi kêu than với bạn mình, chúng tôi - mỗi đứa đều cố gắng vượt qua trước đã, nếu cần thiết sẽ gọi nhau hỗ trợ.

Nhung bac si tuong lai anh 3

Kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2018, tổ 8 của tác giả Thái Doãn Minh thi tốt nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: NVCC.

- Thầy Nguyễn Lân Hiếu cho rằng càng đọc cuốn sách này càng thấy tự tin là chúng ta không thiếu người giỏi và nhiệt huyết cống hiến cho y khoa. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi rất hạnh phúc và cảm động khi Thầy Nguyễn Lân Hiếu đã dành hơn một tuần đọc bản thảo và viết lời giới thiệu cho sách của tôi, bạn biết đó thầy rất bận và có nhiều việc phải lo.

Cuốn sách của tôi không đề cập nhiều tới việc học nhưng tôi nghĩ ở mỗi phân cảnh đều có biểu lộ chút ít về tư duy, lập luận và sự sáng tạo khi giải quyết vấn đề. Chúng tôi cũng nghĩ ra nhiều trò - kể cả là cà khịa nhau. Tôi thấy thông qua các vấn đề nhỏ đó, ở góc độ khái quát hoá, tôi vẫn tin như lời Thầy nhận xét: chúng ta không thiếu người giỏi và nhiệt huyết cống hiến cho y khoa.

- Thông qua cuốn sách này, anh muốn nhắn nhủ điều gì đến với các sinh viên mặc áo blouse trắng trong tương lai?

- Tôi thỉnh thoảng vẫn thổn thức khi nhớ về 6 năm sinh viên Y, không phải vì cuộc sống giờ khó khăn mà thực sự là ngày đó chúng tôi học - chơi rất vui và đoàn kết. Tôi nghĩ là sinh viên Y, đầu tiên vẫn phải học đã.

Nói gì nói, học không chỉ cho bản thân mà xa hơn là “không làm được ích gì thì chí ít đừng làm hại bệnh nhân chỉ vì sự thiếu hiểu biết của bác sĩ”. Song song đó, tôi vẫn mong các bạn biết nhìn ngắm cuộc sống, ra ngoài giao lưu với bạn bè, anh chị để gắn kết nhiều hơn. Bởi một số bạn học nhiều quá, mải miết rồi quên rằng “mình nên nói gì với bệnh nhân này đây? Chẳng lẽ mình đọc y hệt trong sách hướng dẫn”.

Tôi nghĩ rằng đầu tư cho bản thân cả về kiến thức lẫn kỹ năng, sẽ giúp chúng ta hiểu bản thân, trọng gia đình và hoà nhập xã hội tốt.

Mảng khiến hầu hết sinh viên trường Y tái mặt mỗi lần nhắc tới

Kỳ thi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 2018, tổ 8 bốc thăm vào bộ môn Nhi. Chỉ mới tưởng tượng thôi đã thấy khó khi thí sinh phải khám bệnh trực tiếp trên bệnh nhi.

Giải phẫu người qua câu chuyện của một cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội

Năm nhất ở trường Y, tất cả sinh viên gật đầu lia lịa cho rằng “Giải phẫu người” là môn khó nhất.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm