Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giải phẫu người qua câu chuyện của một cựu sinh viên Đại học Y Hà Nội

Năm nhất ở trường Y, tất cả sinh viên gật đầu lia lịa cho rằng “Giải phẫu người” là môn khó nhất.

Chúng tôi lên lớp học cùng nhau theo từng tốp 150 sinh viên ngồi trong căn phòng chỉ có gió quạt trần phả xuống. […]

Học lý thuyết nhịp độ nhanh như ăn cướp, nếu bạn ngủ gục tầm hai mươi phút thôi, có thể bài giảng đã sang chương mới. Sách thì được tính bằng kilogram thay vì áng chừng số trang. Đứa nào cũng bị ám ảnh bởi bộ 3 gồm cuốn giải phẫu bìa đỏ - đen, sách thầy Trịnh Văn Minh và tập Atlas hình minh họa.

Những tưởng thi đại học là đã vượt qua ải khó nhất, vào đại học thì học như chơi, nhưng khi vào đây, trường Y như muốn dội một gáo nước lạnh rồi hét thẳng vào mặt chúng tôi rằng: Tụi mày quên hết quá khứ huy hoàng đi! Hãy về với mặt đất và học hành thật đàng hoàng cẩn thận.

Ở đâu nói “đại học là học đại” chứ ở Đại học Y chúng tôi học tối tăm mặt mũi. Nhớ lại ngày đầu vào trường, chị đồng hương đã mang tặng tôi cuốn Atlas Giải phẫu người và không quên kèm theo lời dặn “Ráng học cho giỏi để chị mát mặt chút nhé”.

- Ôi, em cảm ơn chị, em nghe nói giá bìa tận 540.000 lận. Mà chị, Viện Giải phẫu là bệnh viện mà mình phẫu thuật người sống ra để học ạ?

- Bọn mày lại nghe đồn ở đâu ra vậy? Đó là nơi các em sẽ học thực hành với các phòng mô hình, phòng xương và phòng xác. Em nhớ không đùa cợt hay thiếu nghiêm túc khi học ở phòng xác. Họ là những người chúng ta mãi biết ơn vì đã hiến thi thể cho khoa học em ạ.

Cưỡi trên chiếc xe đạp Asama màu bạc, tôi và Hoàng với tổng cân nặng ngót nghét một tạ, mỗi tuần hai buổi đều như vắt tranh chạy bon bon đến học tại Viện Giải phẫu ở số 48 Tăng Bạt Hổ. Chiếc Asama đó là minh chứng cho tình bạn cũng như sự ngố tàu của chúng tôi trong năm đầu ra Hà Nội. Nhớ đêm Trung thu năm 2012, đôi bạn thân chở nhau lên phố cổ dạo chơi.

Những tưởng đứa còn lại đã cầm tiền, ai dè cuối cùng lột hết trong người cũng chỉ có 60.000 đồng. Tiền gửi xe đã hết 10.000 đồng, tính ra còn 50.000 đồng để “xõa”. Hai thanh niên gầy trơ xương đứng chần chừ trước gánh bún dọc mùng, miệng chóp chép mà không dám lên tiếng hỏi. May quá, số tiền trong túi cũng vừa đủ trả hai bát bún phủ đầy móng giò lẫn thịt mọc. Đến tận bây giờ, hai đứa vẫn luôn công nhận rằng có lẽ đó là bát bún ngon nhất, đáng nhớ nhất cuộc đời sinh viên Y Hà Nội.

Những hôm đầu đi học Giải phẫu, Hoàng chở tôi hai chiều đi và về. Nhưng về sau, khi độ ngại ngùng khách sáo giảm xuống, tôi mạnh dạn đề xuất:

- Đứa lượt đi, đứa lượt về nhé?

- Để tôi chở cậu hai chiều cũng được.

- Thế cậu có mệt không? - Tôi chẳng vòng vo gì hỏi luôn.

- Có chứ. Vậy chia với tôi nhé. Có gì ngồi sau tôi rướn chân lên đạp hộ.

Giai phau nguoi anh 1

Sinh viên sẽ chia thành các tổ để lên thực hành. Nguồn: Vietnamnet.

Cung đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch - Đào Duy Anh - Trần Khát Chân - Lò Đúc có lẽ đã in hằn dấu lốp xe của hàng nghìn sinh viên Y Hà Nội chúng tôi. Những hôm học ca 2 thì 17 giờ 30 sinh viên mới tan học, đứa nào chăm chỉ ở lại phòng xác thì tận 18 giờ mới ló mặt ra khỏi viện. Về muộn thì chỉ khổ mỗi bác trông xe. Mỗi lần như thế bác đều hỏi dù biết trước câu trả lời:

- Bọn mày học gì mà chăm vậy, cho bác nghỉ nữa chứ!

- Dạ, cháu học chứ lỡ mai mốt thi trượt và phải lên học lại, bác mất công trông xe vào dịp hè, lại khổ thêm ấy bác nhỉ?.

- Thế định trả bao nhiêu tiền xe nào, quá giờ rồi đấy.

- Dạ "vũ như cẫn" ạ, cháu sinh viên nghèo mà, cháu hứa những buổi sau chắc chắn về sớm hơn ạ.

- Đứa nào cũng hứa nhưng có đứa nào thực hiện đâu. Bác làm ở đây hàng chục năm rồi, không biết có phải thầy chúng mày dạy bọn mày đối đáp không mà đứa nào trả lời cũng giống nhau thế… Lấy xe mau lên!!! Còn đứng đó mà tít mắt.

Cứ thế, lăn lê học mô hình, rồi chạy lên phòng xác, một lũ sinh viên ham mê kiến thức quây quanh và hỏi bài nhau. Ngày đó, đứa nào học giỏi sẽ được cả tổ “làm lễ chay” phong hàm giáo sư, mời đứng giảng:

- Đây là thần kinh giữa này. Thấy chưa Minh? – “Giáo sư” Cầm hỏi tôi.

- Đâu, à thấy rồi, cái sợi trắng trắng ấy hả?

- Trắng cái đầu mày, cái tao đang cầm trên tay này.

- Ừ, ngu thiệt. Mày nói tiếp đi...

- Đây là đoạn cánh tay của thần kinh giữa. Nó đi cạnh động mạch cánh tay. Trước tiên nó nằm ngoài, sau bắt chéo trước rồi vào trong, đi xuống ở trong động mạch tới tận hố khuỷu.

Người nói rất hăng say và hàng chục con mắt trầm trồ thán phục. Khi bạn mình giảng, nếu không biết thì tôi có thể hỏi lại ngay mà không bị ăn chửi. Nhưng lúc thầy giảng, tôi phải tập trung cao độ để nghe vì chỉ cần hỏi một câu, y như rằng bọn trong tổ sẽ gầm rú lên chửi:

- Óc chó thế, về đọc sách đi, để thầy nói tiếp, sắp hết giờ!

Thật tâm mà nói, trao đổi với giáo viên khi không hiểu bài là một thói quen tốt nhưng không phải lúc nào cũng nên áp dụng. Ví dụ bạn không đọc bài trước mà cứ hỏi ngớ ngẩn, hoặc khi thời gian bài giảng sắp hết mà bạn vẫn cứ loanh quanh với câu hỏi thì chỉ mất thời gian của người khác.

Thành ra sau những lần bị nhắc “nhẹ”, tôi chịu khó đọc bài ở nhà hơn, rồi nhờ “giáo sư Cầm, giáo sư Bích” trong tổ giảng bổ túc. Thật may sao tổ tôi năm đó có tới hai “giáo sư” giải phẫu người và những thành phần học chậm như tôi có chỗ bấu víu ở mỗi giờ thực tập.

Một hôm chúng tôi học bài “trung thất”. Đầu buổi thường có màn kiểm tra bài mới, theo thông lệ, tổ trưởng chắc chắn sẽ bị thầy bắn tỉa đầu tiên. Thầy Lê Mạnh Thường, đồng hương Nghệ Tĩnh với tôi, dù mới chào nhau “anh - em” ngoài chỗ gửi xe nhưng khi vào lớp học, thầy quan tâm tôi hết nấc.

- Trung thất là gì bạn tổ trưởng?

Tôi muốn quay sang trái, liếc sang phải, ngả đầu về sau để nhận trợ giúp từ người thân. Nhưng không, thầy cứ nhìn chằm chằm và chờ tôi đáp lại.

- Dạ trung là giữa, thất là gian. Trung thất là một gian ở giữa ngực ạ.

- Anh đọc ở đâu ra đó?

- Dạ, vậy nó là phần trong lồng ngực, trừ hai phổi ạ.

Thực sự nếu lúc đó thầy hỏi câu thứ ba thì tôi tịt ngóm. Đêm hôm trước có liên hoan phòng ký túc xá, tôi dùng một ít “sinh tố nếp ủ” rồi ngủ say sưa, tít mít và chưa đọc bài mới. Bỗng thầy dừng lại và quay người đi:

- Hôm nay chúng ta học bài trung thất.

May quá, tôi thoát!

-------------

* Tên bài viết trong sách: Viện Giải phẫu - Những năm tháng thanh xuân.

BS Thái Doãn Minh / NXB Phụ nữ Việt Nam

SÁCH HAY

Loan 12 su quan hinh anh

Loạn 12 sứ quân

0

Sau khi Ngô Xương Xí chết, họ Ngô hết người kế vị. Trong nước một ngày không thể không có vua, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy tôn hiệu là Vạn Thắng Vương.

Machiavelli hinh anh

Machiavelli

0

Leonardo và Michelangelo - hai nghệ sĩ tài năng - cùng làm việc trong một tòa nhà. Điều đó cho thấy Florence từng quy tụ nhiều ngôi sao sáng.