Lịch sử đã gọi tên Đặng Văn Lâm khi anh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên ra sân từ đầu tại AFC Champions League khi thi đấu cho một CLB nước ngoài. Trước Văn Lâm, Lương Xuân Trường từng có 3 trận cho Buriram United ở đấu trường này nhưng đều chỉ vào sân từ ghế dự bị.
Văn Lâm và lần bắt chính đầu tiên ở Champions League châu Á, cột mốc đặc biệt với sự nghiệp cá nhân anh và với bóng đá Việt Nam. Ảnh: Cerezo Osaka. |
90 phút trước Guangzhou (Quảng Châu) cũng là lần thứ hai mùa này, Văn Lâm được bắt chính cho CLB Cerezo Osaka. Trước đó, anh đối đầu Gainare Tottori tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản.
Văn Lâm đương nhiên chưa thể so sánh với thủ môn số một, tuyển thủ Hàn Quốc Kim Jin-Hyeon. Nhưng 2 trận với Cerezo Osaka đã giúp anh tạm thời vượt qua thủ thành người Nhật Bản Kenya Matsui. Matsui mới có một trận cho đội bóng, cũng tại Champions League châu Á. Nghĩa là trong mắt ban huấn luyện, vị thế của Văn Lâm có lẽ không kém Matsui.
Vị trí của Văn Lâm cũng có đặc thù riêng khác với Xuân Trường. Thủ môn được ví như 50% sức mạnh của đội bóng, có ý nghĩa quyết định thành bại. Không đá thì thôi nhưng nếu đã được vào sân, thủ môn thường chơi trọn vẹn cả trận. Hai lần được vào sân từ đầu mùa cho thấy Văn Lâm đã phần nào lấy được niềm tin từ ban huấn luyện. Cần biết, thủ môn dự bị của Văn Lâm ở AFC Champions League thời gian qua là Matsui. Nhưng khi phải chọn một thủ môn khác vào sân trước Quảng Châu, ban huấn luyện vẫn trao cơ hội cho Văn Lâm.
So với Kim Jin-Hyeon (34 tuổi) và Kenya Matsui (36 tuổi), Văn Lâm mới 28, trẻ hơn và còn khá nhiều thời gian. Giới chuyên môn Nhật Bản từng nhận định Văn Lâm là sự đầu tư cho tương lai của Cerezo Osaka. Bản thân Lâm và người đại diện cũng hiểu điều đó và không quá nôn nóng với những bước tiến này. Trong mùa giải đầu tiên, anh hiểu rằng được ra sân, có cơ hội thể hiện đã là thành công.
Những cơ hội của Văn Lâm có thể xuất hiện tiếp khi Cerezo Osaka vẫn đối mặt lịch thi đấu dày đặc. Sau khi trở lại Nhật Bản, đội bóng này vẫn thi đấu với cường độ 3 tới 4 ngày mỗi trận tại cả J1 League, Cúp Hoàng đế Nhật Bản và AFC Champions League. Những mặt trận cúp ấy sẽ là cơ hội cho Văn Lâm.
Văn Lâm cần tìm kiếm cơ hội từ những giải đấu cúp như Cúp Hoàng đế Nhật Bản hay AFC Champions League. Ảnh: Cerezo Osaka. |
Ngoài Văn Lâm, các trận AFC Champions League vừa qua cũng chứng kiến những điểm sáng từ CLB Viettel. Đương kim vô địch V.League chỉ thua sát nút “Nhà vua” Ulsan Hyundai, đè bẹp Kaya-Iloilo. Tuy thua BG Pathum nhưng CLB Viettel đã chứng minh họ có thể chơi sòng phẳng với đối thủ. Hạn chế của đội bóng này chỉ nằm ở việc thiếu hụt kinh nghiệm quốc tế trong lần đầu dự giải và chất lượng ngoại binh, những vấn đề khách quan liên quan tới cả chất lượng V.League.
Dù vậy, sự thể hiện của Văn Lâm và dàn nội binh CLB Viettel cho thấy Champions League châu Á không còn là điều xa vời với các đại diện Việt Nam. Họ đủ sức chơi tốt, thậm chí có thể và đã chiến thắng ở mặt trận số một cấp CLB châu Á. Thông qua cánh cửa Champions League, những cơ hội mới có thể mở ra với họ như từng mở ra cho Chanathip Songkrasin và dàn cầu thủ Thái Lan.
Những người yêu mến Văn Lâm cũng nên chú ý tới vị thế hiện tại của Cerezo Osaka. Đội bóng Nhật Bản đang dẫn đầu với 13 điểm sau 5 trận, là đội có điểm số cao thứ ba trong 10 bảng đấu AFC Champions League. Không quá khi nói, Cerezo Osaka là một trong những CLB đầu châu Á ở thời điểm này. Mỗi bước tiến nhỏ của Văn Lâm ở đội bóng hùng mạnh này đều rất có ý nghĩa.
Nếu Văn Lâm có thể nhìn thấy ánh sáng tại đây, những cầu thủ Việt Nam khác cũng có thể mơ về AFC Champions League trong tương lai không xa.