Điểm chung giữa Dụng Quang Nho, Trần Hữu Đông Triều và Châu Ngọc Quang là họ đều có thể đá tiền vệ, đều từng khoác áo U23 Việt Nam, khẳng định được năng lực tại V.League. Nhưng không ai trong số này lấy được vị trí tại HAGL.
Mùa này, cả ba người chưa có trận đá chính nào dưới thời HLV Kiatisuk Senamuang. Sự ra đi của họ là tất yếu.
Không thể cạnh tranh ở HAGL, Châu Ngọc Quang phải tới Hải Phòng tìm cơ hội ở giai đoạn hai V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến. |
Ở tuổi 26 của Đông Triều, 25 của Ngọc Quang, rời phố núi lần này coi như là dấu chấm hết cho cơ hội cạnh tranh của họ trong đội hình chính HAGL. Ra đi khi đội bóng đang ở đỉnh cao nghĩa là họ không nằm trong kế hoạch của HAGL, và Kiatisuk tin rằng họ không đủ khả năng đóng góp cho một HAGL giờ đã ở đỉnh bảng V.League.
Người duy nhất có lẽ còn cơ hội trong bộ ba này là Quang Nho. Ở tuổi 21, tiền vệ trẻ này thể hiện ấn tượng trong những lần vào sân thay người. Đưa Quang Nho tới Hải Phòng là cách HAGL cho anh rèn luyện thêm đồng thời giúp tiền vệ này được thi đấu, qua đó củng cố cơ hội và vị trí tại SEA Games kế tiếp.
Nếu bộ ba này không rời phố núi, HAGL sẽ có gần chục cầu thủ có thể đá tiền vệ trung tâm trưởng thành từ lò đào tạo. Chừng đó là quá nhiều nhất là trong bối cảnh HLV Kiatisuk luôn muốn giữ sự ổn định cho đội hình chính.
Triết lý đào tạo của lò HAGL JMG tạo ra hàng loạt tiền vệ chất lượng. Điều đó khiến cuộc cạnh tranh tuyến giữa của CLB này khốc liệt hơn bất kỳ nơi nào khác ở V.League.
Thứ những đội khác khao khát, săn tìm thì HAGL lại có dư tới mức phải liên tục đem cho mượn, thậm chí bán đi. Trước bộ ba này, HAGL cũng phải đẩy Lương Hoàng Nam, Phan Thanh Hậu tới các CLB khác.
Cựu tuyển thủ Olympic Việt Nam Lê Phạm Thành Long thậm chí chưa từng có cơ hội đá cho đội một HAGL và đã chính thức gia nhập Thanh Hoa theo một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm.
HAGL là đội bóng có dàn tiền vệ trung tâm tốt nhất, do đó cũng là nơi có cuộc cạnh tranh giữa sân khốc liệt nhất. Ảnh: Minh Chiến. |
Nhưng ngay cả khi đẩy đi hàng loạt cái tên, tuyến giữa HAGL vẫn còn 4 cầu thủ chất lượng cao là Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Minh Vương và Triệu Việt Hưng. Ngoài Xuân Trường chắc suất, đến cả Minh Vương cũng có nguy cơ trở lại ghế dự bị khi Tuấn Anh hoàn toàn bình phục. Còn Việt Hưng đang nằm trong tầm ngắm của nhiều CLB.
Triết lý đào tạo giúp HAGL sản sinh hàng loạt tiền vệ giỏi. Nhưng đó cũng là điểm hạn chế của lò trẻ này.
Dồn quá nhiều nguồn lực cho tuyến giữa, HAGL dường như không thể đào tạo các cầu thủ phòng ngự hay trung phong chất lượng. Cả bốn cầu thủ phòng ngự của HAGL gồm Huỳnh Tuấn Linh, Damir Memovic, Kim Dong-su và Nguyễn Hữu Tuấn đều là “người ngoài”. HAGL cũng là đội bóng duy nhất ở V.League phải dùng 2 trung vệ ngoại, bằng chứng cho sự thiếu hụt phẩm chất phòng ngự từ lò đào tạo trẻ.
Nhìn ra V.League, những CLB có lò đào tạo mạnh như Hà Nội, Viettel hay SLNA đều có một vài cầu thủ phòng ngự trưởng thành từ tuyến trẻ như Đỗ Duy Mạnh, Trần Đình Trọng (CLB Hà Nội), Bùi Tiến Dũng, Bùi Duy Thường (CLB Viettel) hay Nguyễn Văn Hoàng, Thái Bá Sang (SLNA). Sự cân bằng đó là điều lò đào tạo HAGL chưa có được. Đó là lý do giới chuyên môn vẫn bảo HAGL là đội không biết đào tạo cầu thủ phòng ngự.