V.League 2014, trong mùa giải thăng hạng đầu của của Than Quảng Ninh, dưới sân bóng Cẩm Phả có hơn chục nghìn người hâm mộ, HLV Phan Thanh Hùng của đội đương kim vô địch Hà Nội T&T (tên cũ của CLB Hà Nội) được hỏi có chạnh lòng không khi đội đá hay mà người hâm mộ vẫn quay lưng.
Ông Hùng bật cười. Ông bảo mình và học trò chẳng cảm thấy gì bởi họ đã “quen rồi”.
Đó từng là một nghịch lý của CLB mạnh nhất kỷ nguyên V.League. Đá hay, chơi đẹp, giành vô số danh hiệu nhưng không kéo nổi người hâm mộ tới sân. Điều đó đã lặp đi lặp lại suốt cả chục năm kể từ thời điểm CLB Hà Nội ra đời năm 2006. Nếu không có sự kiên tâm, nếu không tin tưởng sắt đá vào con đường đã chọn, những người làm bóng đá của CLB Hà Nội đã sớm từ bỏ cuộc chơi.
15 năm sau ngày đó, phần thưởng lớn cho CLB Hà Nội có lẽ không phải những danh hiệu. Đó phải là những khán đài tình yêu, thứ mà họ đã dành hơn một thập kỷ để chinh phục.
Kiên định với con đường
Kiên định cũng là từ được nhắc tới trong bài phát biểu của Chủ tịch Đỗ Vinh Quang nhân kỷ niệm 15 năm thành lập CLB Hà Nội. Đó là một giá trị đặc biệt của đội bóng này, thứ có thể dùng để khái quát lại toàn bộ hành trình bền bỉ của họ từ khi xuất hiện trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Khi CLB Hà Nội ra đời, Đồng Tâm Long An vẫn là CLB số một Việt Nam. Ngày nay, họ đang ngụp lặn tại hạng Nhất.
Khi CLB Hà Nội ra đời, tuyển Việt Nam chưa từng vô địch Đông Nam Á, U23 chưa từng có danh hiệu SEA Games. Cả hai đều đã nằm ở phòng truyền thống VFF.
Khi CLB Hà Nội ra đời, Văn Hậu mới 7 tuổi, Quang Hải đang ở đội trẻ đầu tiên. Ngày nay, họ là những ngôi sao lớn nhất nền bóng đá.
Về thành tích, không CLB nào ở kỷ nguyên V.League so sánh được với CLB Hà Nội. Ảnh: Thế Anh. |
15 năm không quá dài, nhưng trong thế giới V.League đảo điên không ngừng, đi hết 15 năm cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Bao nhiêu CLB, bao nhiêu ông bầu, bao nhiêu doanh nghiệp đã đến, bao nhiêu thế lực đẫ nổi lên và biến mất tại V.League trong khoảng thời gian ấy?
Lấy năm 2006 tới nay làm mốc, chỉ 5 CLB còn duy trì sự hiện diện liên tục tại V.League. Ngoài đội Hà Nội, 4 cái tên còn lại là Bình Dương, HAGL, SLNA, Đà Nẵng. Trong số này, không đội nào đạt được sự ổn định và vị thế như đại diện thủ đô.
Rất dễ để nói về những thành tích của CLB Hà Nội. Họ là đội bóng nhiều danh hiệu nhất lịch sử V.League với 5 lần vô địch quốc nội, 2 Cúp Quốc gia, 4 Siêu cúp Quốc gia. Họ là đội Việt Nam tiến xa nhất ở sân chơi châu Á khi vào chung kết liên khu vực AFC Cup 2019, là đội đóng góp nhiều tuyển thủ nhất trong vinh quang AFF Cup và Asian Cup.
Nhưng đó không phải là giá trị quan trọng nhất của đội bóng này. V.League không hiếm những đội mạnh. Bình Dương từng đạt tới sức mạnh và ảnh hưởng tương tự CLB Hà Nội. Nhưng điểm khác biệt của Hà Nội là sự kiên định với con đường mà họ đã chọn.
Sự kiên định ấy có thể được nhìn thấy ở ba khía cạnh: đào tạo trẻ và chính sách nhân sự; mục tiêu hướng ra châu Á và khát vọng xây dựng đội ngũ cổ động viên tự thân.
Sau sự biến mất của Thể Công ở miền Bắc và Cảng Sài Gòn ở miền Nam, hai đô thị lớn nhất cả nước không còn những đội bóng biểu tượng. Nhiều CLB mạnh đã xuất hiện ở cả hai thành phố. Nhưng không đội nào được người hâm mộ yêu mến, thừa nhận là CLB đại diện cho họ.
Hà Nội T&T từng có cùng một số phận. Càng nhiều danh hiệu, càng chiêu mộ lắm ngôi sao, họ càng bị gắn cái danh “nhà giàu mới nổi”. Sức mạnh giúp họ thành công trên sân cỏ, nhưng không giúp họ lấy được tình yêu từ khán đài. Rất nhiều lần trong những năm qua, Hàng Đẫy trở thành “sân khách” khi CLB Hà Nội phải tiếp các đối thủ như HAGL, SLNA, Thanh Hóa, Hải Phòng...
Làm sao để kéo người hâm mộ tới sân luôn là câu hỏi khiến CLB Hà Nội đau đầu suốt cả thập kỷ. Họ dường như đã làm mọi thứ. Họ có chiến thắng. Họ chơi bóng đẹp. Họ chuyên nghiệp, đầu tư cả ở V.League lẫn đào tạo trẻ. Nhưng mọi thứ vẫn chẳng là đủ để lấp kín những khán đài trống vắng.
Lịch sử V.League từng chứng kiến nhiều ông bầu, doanh nghiệp đầu tư thẳng vào các CLB địa phương để tận dụng bản sắc và đội ngũ CĐV bản địa. CLB Hà Nội không có những điều đó. Khi đã làm mọi thứ mà chưa đạt được gì, họ có lẽ chỉ con một con đường: tiếp tục.
Chủ tịch CLB Hà Nội Đỗ Vinh Quang từng chia sẻ với Zing về tham vọng châu Á của đội bóng. Ảnh: Minh Chiến. |
Những nỗ lực ấy cuối cùng đã mang tới trái ngọt. Chiến tích của U23 Việt Nam ở Thường Châu thường khiến người ta ngộ nhận về lớp CĐV mới tại Hà Nội. Thực tế cho thấy 3 năm sau vinh quang ấy, người hâm mộ vẫn đang tới sân. Hàng Đẫy đã trở thành một trong những điểm nóng của V.League. Nói như Chủ tịch Đỗ Vinh Quang: “Tất cả diện mạo thay đổi ngày càng tốt hơn, tất yếu sẽ đi cùng với sự lấp đầy các khán đài”.
Về lối chơi, CLB Hà Nội là cái tên hiếm hoi duy trì phong cách kiểm soát, bóng ngắn ở V.League suốt cả thập kỷ. Ở một giải đấu mà bóng dài, phòng ngự phản công luôn là xu hướng chủ đạo và dễ dàng, bản sắc của CLB Hà Nội thực sự là điều kỳ lạ. HAGL có lẽ là đội hiếm hoi duy trì được điều này như Hà Nội. Nhưng sự duy trì của HAGL đôi khi lạc hướng trên hành trình dài. Quan trọng hơn, đội bóng phố núi chưa giành được những vinh quang như CLB Hà Nội.
Để duy trì được lối chơi ấy, CLB Hà Nội sở hữu một trong những lò đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam.
Ít người biết rằng đội Hà Nội vốn không có lò đào tạo trẻ. Nhưng lớp cầu thủ đầu tiên của họ, bao gồm cả Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Quang Hải đều là thành quả đào tạo của Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội, hay còn gọi tắt là lớp Gia Lâm. Đội hình CLB Hà Nội một thập kỷ trước vốn có rất nhiều cầu thủ Nghệ An hay thu nhặt từ các lò đào tạo khác.
Nhưng ngày nay, đội hình của họ hầu hết là người Hà Nội. Đội bóng này từng có những cựu HLV trưởng tuyển quốc gia làm giám đốc đào tạo trẻ. Họ cạnh tranh sòng phẳng với PVF, Viettel ở các giải trẻ và từng có giai đoạn thống trị nhóm giải U17 tới U21 trong nước.
Những người tinh ý sẽ thấy CLB Hà Nội gần như không cần thêm nguồn lực từ bên ngoài. Các hoạt động chuyển nhượng của họ chủ yếu tới từ việc kéo về hoặc đẩy đi các cầu thủ trẻ của hệ thống. Vài hợp đồng cá biệt như Bùi Tấn Trường, Lê Tấn Tài, Đinh Tiến Thành chỉ là giải pháp chữa cháy cho cuộc khủng hoảng nhân sự.
Dù gặp sự cố với Giám đốc Kỹ thuật Daniel Enriquez, việc chiêu mộ ông cho thấy CLB Hà Nội thực sự khát khao những nguồn chất xám từ bên ngoài. |
Vươn ra châu Á và những thử thách
Ba năm trước, sau vô số vinh quang quốc nội, đội bóng thủ đô bắt đầu hướng tới sân chơi quốc tế.
Với nòng cốt là nhóm tuyển thủ Việt Nam, CLB Hà Nội đã tiến tới trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019. Ban lãnh đạo đội bóng cũng xác định các giải đấu châu Á là mục tiêu hàng đầu mà họ nhắm tới.
Nói với Zing, ông Quang cho biết: “Trong 5 năm tới, chúng tôi muốn tiến thêm một bước, cạnh tranh sòng phẳng ở Champions League châu Á, không thi đấu để làm rổ đựng bóng dù đối thủ tới từ Nhật Bản hay Hàn Quốc".
Nhưng bước đi mới cũng khiến họ đối diện với những khó khăn mới.
Án phạt cấm CLB Hà Nội dự các giải châu Á mùa 2020 là đòn cực đau với vị chủ tịch trẻ. Nó cũng cho thấy những thiếu sót riêng của đội bóng này và bóng đá Việt Nam trên con đường chuyên nghiệp hóa, hội nhập với châu lục.
Hàng loạt vấn đề khác cũng được bộc lộ khi CLB Hà Nội hướng ra châu Á. Rắc rối của đội bóng với một giám đốc kỹ thuật người Uruguay, khó khăn trong việc đáp ứng với tiêu chuẩn AFC, việc phải cân bằng giữa mặt trận trong nước và quốc tế khiến CLB Hà Nội gặp nhiều khó khăn trên hành trình hướng ra thế giới. Suy cho cùng, khó khăn là điều hợp lý bởi Hà Nội có lẽ mới là CLB Việt Nam thứ hai trong lịch sử thực sự nghiêm túc với sân chơi châu lục (đầu tiên là Bình Dương).
CLB Hà Nội cũng không có nhiều sự hỗ trợ ở một nền bóng đá mà ưu tiên vẫn dành rất lớn cho đội tuyển quốc gia, giải quốc nội chỉ được dùng 3 ngoại binh, các CLB chưa nhận được những động viên thực chất để hướng ra bên ngoài, các cầu thủ chưa dám phá vỡ vùng an toàn để xuất ngoại thi đấu. Nói tóm lại, nền bóng đá chưa cung cấp cho đội bóng này những vũ khí phù hợp với tham vọng của họ.
Và họ một lần nữa phải là kẻ đi đầu trên con đường mới, một con đường cần rất nhiều kiên định như bao năm qua họ từng có.