So với bảng A chỉ có Hàn Quốc và 5 đội Tây Á, bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á hứa hẹn những trải nghiệm đa dạng hơn hẳn. Đây là bảng đấu hiện diện những cái tên của 4 khu vực lớn thuộc Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) gồm Nhật Bản, Trung Quốc của Đông Á, Saudi Arabia, Oman của Tây Á, Việt Nam của Đông Nam Á và Australia từ châu Đại Dương.
Nếu chẳng phải vòng loại thứ ba World Cup, tuyển Việt Nam chắc chẳng bao giờ được trải nghiệm với những đối thủ cấp độ này.
So với bảng A chỉ có đại diện của Đông Á (Hàn Quốc) và 5 đội Tây Á, bảng B của tuyển Việt Nam có sự đa dạng hơn hẳn. Đồ họa: Minh Phúc. |
Trải nghiệm chưa từng có trong lịch sử
Cộng thêm Iran, Iraq ở Asian Cup 2019, UAE tại vòng loại thứ hai cùng Hàn Quốc, Syria ở các cấp độ trẻ, thế hệ Quang Hải sẽ gặp đủ 10 nền bóng đá mạnh nhất châu lục chỉ trong vài năm. Đó là cơ hội trải nghiệm mà chưa đội tuyển Việt Nam nào trong lịch sử từng có. Đó có lẽ mới là chiến quả lớn nhất mà thầy trò ông Park nhận được, chứ không phải cơ hội dự World Cup vốn chỉ tồn tại trên lý thuyết.
Trải nghiệm này đặc biệt bởi lần gần nhất, tuyển Việt Nam được gặp Trung Quốc ở một sự kiện FIFA là năm 2012. Cuộc đối đầu tương tự với Oman đến hồi 2003 trong khi với Saudi Arabia là tròn 20 năm trước. Tuyển Việt Nam thậm chí chưa gặp Australia trong một trận chính thức.
Nhiều chuyên gia từng nhận định thế hệ hiện tại của tuyển Việt Nam đặc biệt không chỉ bởi tài năng. Họ khác biệt các đàn anh bởi liên tục được gặp các đối thủ lớn, điều mà những thế hệ đi trước không hề có. Những ai cho rằng “trải nghiệm với các đối thủ mạnh” chỉ là lời xã giao nên nghĩ lại.
Khi CLB Viettel vô địch V.League mùa trước, lãnh đạo CLB này từng kể chính việc liên tục được gặp đội Hà Nội ở nhiều giải đấu khác nhau đã giúp cầu thủ Viettel trưởng thành nhanh hơn. Cầu thủ Viettel từng coi nhóm tuyển thủ quốc gia của CLB Hà Nội là cái gì đó không thể với tới. Nhưng những lần chạm trán liên tiếp giữa đôi bên đã thay đổi điều đó. Từ không hiểu tới hiểu rõ, từ sợ sệt tới tự tin, từ thua tới hòa và thắng, trải nghiệm đã giúp những Đức Chiến, Hoàng Đức, Duy Thường tiến gần hơn tới đẳng cấp của đối thủ.
Điều tương tự đã diễn ra với tuyển Việt Nam. Những chiến tích liên tiếp ở châu lục giúp các tuyển thủ tự tin hơn trước biển lớn. Họ không còn bị giới hạn bởi bức tường Đông Nam Á chật hẹp. Hiểu biết về đối thủ giúp họ không còn sợ hãi, các kết quả tích cực giúp họ có niềm tin Việt Nam đủ sức chiến thắng.
Thay đổi trong tư duy của tuyển Việt Nam có sự hỗ trợ từ việc mở rộng hệ thống bóng đá châu Á trong một thập niên qua. Asian Cup kéo từ 16 lên 24 đội, giải U23 châu Á ra đời, hệ thống cúp các CLB mở rộng giúp những nền bóng đá nhỏ có nhiều cơ hội hơn ở châu lục.
Vòng loại thứ ba World Cup hứa hẹn những trải nghiệm đặc biệt. Bảng B của tuyển Việt Nam có 3 cái tên dự World Cup gần nhất và Trung Quốc, đội đã có mặt ở Cúp thế giới 2002.
Chúng ta khoan bàn tới chuyện thắng bại, có đội tuyển Việt Nam nào trong lịch sử từng trải nghiệm những điều này chưa?
Chêch lệch đẳng cấp trước UAE là lời dự báo sớm về kết quả của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba sắp tới. Ảnh: Duy Anh. |
Cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam?
Bàn về cơ hội đi tiếp của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup thực sự là việc khó khăn và kỳ lạ. Khó khăn bởi các đối thủ đều có đẳng cấp vượt trội tuyển Việt Nam như thừa nhận mới đây của HLV Park Hang-seo. Kỳ lạ bởi ngoài Nhật Bản, chúng ta chưa từng gặp họ suốt một thời gian dài, nghĩa là không có cơ sở thực tế để đánh giá khác biệt về thực lực.
Nhưng nếu buộc phải đánh giá, có lẽ thầy Park nên gạch luôn tên Nhật Bản, Australia và Saudi Arabia. Đó là 3 đội dự World Cup gần nhất. Tuyển Việt Nam đã toàn thua 5 trận trong những lần hiếm hoi được gặp họ.
Chia sẻ với Zing, nhà báo Hong Jae-min của Fourfourtwo có quan điểm tương tự: “Không nghi ngờ gì khi Nhật Bản và Australia là những ứng viên nặng ký cho hai suất đầu bảng B bởi họ là những đội hàng đầu châu Á. Tuyển Saudi Arabia đang ngày càng tiến bộ, nên đây sẽ là thử thách rất lớn với đoàn quân của HLV Park Hang-seo”.
Vậy là chỉ còn Trung Quốc và Oman, hai đội chưa ở trình độ World Cup, thuộc nhóm hạt giống gần tuyển Việt Nam.
Năm đội đều mạnh hơn Việt Nam. Chúng tôi sẽ thi đấu với sự khiêm tốn và tinh thần khát khao.
HLV Park Hang-seo
Với Trung Quốc, điểm sáng lớn nhất tuyển Việt Nam từng có là trận thua 1-2 tại Mỹ Đình năm 2010. Trước đó vào năm 2004, đội cũng thua 0-2 trước Oman. Cách biệt vừa phải của những thất bại ấy nói tuyển Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội tại đây.
Dưới thời ông Park, Quang Hải và đồng đội đã nhiều lần chứng minh họ có thể chơi tốt với các đội mạnh của châu lục. Chiến thắng trước Jordan ở Asian Cup hay UAE tại vòng loại World Cup là những ví dụ.
Cây viết Nhật Bản Jun Usami nói với Zing: “Những năm gần đây, tuyển Việt Nam khá mạnh, nên các đội tuyển khác sẽ cảnh giác với các bạn. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ thắng Trung Quốc và Oman để cạnh tranh vị trí thứ ba với Saudi Arabia”.
Bốn năm trước, Thái Lan đã khép lại chiến dịch vòng loại World Cup 2018 với 2 điểm sau 10 trận. Nên mục tiêu đầu tiên của tuyển Việt Nam có lẽ là vượt qua thành tích ấy của đối thủ. Xa hơn, những trải nghiệm mới sẽ là cơ sở để chúng ta hy vọng vào một kỳ tích tại World Cup 2026, giải đấu mà thế hệ này của tuyển Việt Nam vẫn còn sung sức.