Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Kaman phóng tên lửa chống hạm. Ảnh: Militaryedge> |
Tuần trước, một tên lửa phóng ra từ tàu tấn công nhanh của Iran đã rơi cách hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman chỉ 1,3 km khi tàu sân bay này quá cảnh qua eo biển Hormuz.
Một quan chức Mỹ nói với NBC News rằng, Iran không cố ý nhắm mục tiêu vào tàu sân bay Mỹ nhưng hành động này là “khiêu khích không cần thiết và không an toàn”.
Theo Global Security, Hải quân Iran có hạm đội tàu tấn công nhanh khá hùng hậu. Các tàu này được thiết kế để đột kích biên đội tàu chiến của đối phương ở tốc độ cao nhằm tạo thế bất ngờ. Nổi bật là tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Kaman do Iran cải tiến dựa trên lớp Combattante II của Pháp.
Từ năm 1974 đến 1981, Iran đã nhập khẩu từ Pháp 12 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Combattante II. Tàu có chiều dài 47 m, rộng 8 m, mớn nước 2,1 m, lượng giãn nước toàn tải 265 tấn. Vũ khí bao gồm: Pháo hạm 76 mm hoặc 57 mm, 4 tên lửa chống hạm Exocet hoặc RGM-84 Harpoon.
Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Sina (nâng cấp từ lớp Kaman) của Hải quân Iran. Ảnh: Militaryedge |
Các tàu chuyển giao cho Iran được trang bị pháo hạm 76 mm và tên lửa Harpoon của Mỹ. Những năm 1980, Kaman là một trong những lớp tàu chiến có năng lực nhất của Hải quân Iran.
Đến năm 2003, Iran bắt đầu hiện đại hóa lớp Kaman. Thay thế tên lửa Harpoon bằng Noor (phiên bản của C-802 sản xuất theo giấy phép từ Trung Quốc), nâng cấp radar điều khiển hỏa lực và trang bị hệ thống tác chiến điện tử do Trung Quốc sản xuất. Phiên bản cải tiến được gọi là lớp Sina.
Cũng theo Global Security, tên lửa Noor có tầm bắn khoảng 170 km mang theo đầu đạn nặng 165 kg. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa quán tính và radar chủ động.
Tàu được trang bị 4 động cơ diesel MTU MD 16V 538 TB90, tổng công suất 12.000 mã lực, tốc độ tối đa 37,5 hải lý/giờ (67 km/h).
Điểm mạnh của lớp tàu tấn công nhanh Kaman là sự kết hợp giữa tốc độ cao và uy lực của 4 tên lửa chống hạm Noor. Hải quân Iran có thể dựa vào điều kiện địa lý ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz để áp dụng chiến thuật phục kích tàu chiến đối phương đi qua khu vực.
Sau sự việc tàu tấn công nhanh của Iran nã tên lửa gần hàng không mẫu hạm Mỹ, hãng tin Fars của Iran dẫn lời chuẩn đô đốc Ali Fadavi, Tư lệnh Hải quân nước này, cho biết các tàu chiến Mỹ triển khai ở vịnh Ba Tư đang lo sợ trước sức mạnh đội tàu tên lửa tấn công nhanh của Iran.
“Mỹ vừa tiến vào vịnh Ba Tư với tất cả sức mạnh quân sự của họ và đang tuân thủ luật chơi của các tàu cao tốc Iran. Dù có sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ run sợ các tàu cao tốc Iran vì họ biết rằng những con tàu chỉ dài vài mét này có sức mạnh hủy diệt, có thể tiêu diệt các tàu chiến dài hàng trăm mét của họ”, ông nói.