Genre: Hành động, Kịch Tính, Kinh dị
Director: Xavier Gens
Cast: Bérénice Bejo, Nassim Lyes, Léa Léviant...
Rating: 3/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
Cá mập, sinh vật biển từng reo rắc nỗi kinh hoàng cho bao thế hệ khán giả qua loạt tác phẩm kinh điển như Jaws, Deep Blue Sea, The Shallows hay The Meg. Mới đây, Netflix cũng tham gia thị trường cá mập khi trình làng Under Paris (tựa Việt: Phía dưới sông Seine). Bộ phim gây bất ngờ khi độc chiếm ngôi vương tại hơn 70 quốc gia bao gồm Việt Nam trên nền tảng này.
Thế nhưng, Under Paris là một tác phẩm chắp vá, luộm thuộm về nội dung. Nhiều khán giả bày tò sự khó chịu khi phim liên tiếp nhồi nhét thông điệp về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Nói cách khác, Under Paris phục vụ cho mục đích tuyên truyền nhiều hơn là một bộ phim giải trí về cá mập.
Cá mập hung ác bị lấn át
Ngay phút đầu tiên, Under Paris chọn cách tiếp cận thú vị khi dẫn lời nhà bác học Charles Darwin về thuyết tiến hoá: "Giống loài sống sót sau cùng không phải là mạnh hay thông minh nhất mà là giống loài thích nghi tốt nhất với sự thay đổi".
Với thời lượng 104 phút, bộ phim tập trung vào bộ ba Sophia Assalas (Bérénice Bejo), Mika (Léa Léviant) và Adil (Nassim Lyes) trong việc ngăn chặn siêu cá mập thảm sát giữa thủ đô Paris. Về Sophia, cô nghiên cứu những thay đổi ở loài cá mập khi môi trường bị ô nhiễm, cụ thể là con cá mập có tên Lilith. Chứng kiến các thành viên trong nhóm bị Lilith tấn công là cú sốc mà Sophia không bao giờ quên.
Rời xa đại dương, Sophia chọn công việc nhàn hạ tại thủy cung, nơi cô có cơ hội chia sẻ và truyền cảm hứng cho trẻ em về bảo vệ đại dương. Tại đây, cô gặp gỡ Mika, một nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi, bốc đồng. Mika tiết lộ Lilith đang ẩn mình dưới dòng sông Seine, siêu cá mập cần sớm được phát hiện và trả về biển khơi trước khi hiểm họa xảy ra.
Tuy nhiên, Sophia và Mika lại không có đủ trang thiết bị lẫn lực lượng để khống chế con cá mập. Lúc này, viên cảnh sát Adil xuất hiện, đảm nhận công việc nặng nhọc nhất. Bất đồng quan điểm, Mika đăng video lôi kéo người trẻ và chính cái tôi quá lớn khiến cô gái trẻ phải trả giá bằng mạng sống.
Càng về sau, Under Paris giải quyết các vấn đề một cách qua loa, khó thuyết phục. Tác phẩm khép lại với phần kết mở, cả thành phố ngập trong biển nước bao quanh bởi hàng trăm con cá mập.
Hình tượng siêu cá mập trong phim thiếu thuyết phục. |
Là một tác phẩm kinh dị, giật gân về cá mập, song Lilith lại là nỗi thất vọng lớn nhất trong Under Paris. Trước tiên, phần tạo hình cho siêu cá mập không đủ sức khiến người xem phải khiếp sợ. Trong các phân cảnh hành động, Lilith bộc lộ mọi hạn chế về mặt kỹ xảo, lạm dụng chuyển động nhanh để khắc phục.
Chưa kể, siêu cá mập hoàn toàn bị lấn át thời lượng bởi con người. Màn đối thoại giữa các nhân vật xuất hiện dày đặc đã tạo cảm giác mệt mỏi cho khán giả. Chìm đắm trong việc trau chuốt thông điệp khiến cho phần kịch bản rơi vào cảnh chắp vá, thậm chí là phi lý trong một vài tình huống. Cụ thể, đối lập hình tượng chuyên gia sành sỏi, Sophia lại có hành động dại dột khi lao xuống biển bất chấp các thành viên vừa bị cá mập tấn công.
Hạn chế về kịch bản cũng kéo theo màn thể hiện của dàn diễn viên. Theo đó, bộ ba Bérénice Bejo, Nassim Lyes và Léa Léviant điều cho thấy sự khiên cưỡng, thiếu liên kết giữa các nhân vật. Điểm yếu biểu hiện rõ nét mỗi khi nhân vật của Bérénice Bejo và Léa Léviant đối thoại, tranh luận trong phim.
Mất điểm vì nhồi nhét thông điệp
Thực tế, siêu cá mập chỉ sắm vai phụ trong một tác phẩm giàu tính phản biện xã hội. Khi theo dõi Under Paris, người xem sẽ nhớ về Sophia hay Mika trong những phân cảnh rao giảng đạo lý, lên án con người vì gây ô nhiễm môi trường. Bản chất thông điệp là nhân văn, song đạo diễn Xavier Gens đã quá tay trong cách truyền tải.
Với thể loại kinh dị, giật gân liên quan tới cá mập, khán giả thường mong muốn trải nghiệm một tác phẩm giải trí thuần túy. Tới Under Paris, vị đạo diễn người Pháp đã khiến tác phẩm cồng kềnh, nặng nề quá mức cần thiết. Sau khi ra mắt, bộ phim nhận về hàng loạt phản hồi tiêu cực, chê bai từ khán giả lẫn giới chuyên môn.
"Điều làm tôi khó chịu nhất về Under Paris là đoạn kết giống một bộ phim thảm họa hơn là một bộ phim về cá mập", cây viết Alejandro Turdo từ Hoy Sale Cine nhận định. Hay khán giả Maximiliano cho rằng: "Tôi thường thích phim về cá mập, nhưng không thể chấp nhận điều này. Bộ phim mang lại cảm giác nhàm chán, dàn diễn viên tệ, thậm chí tôi không thể xem tới cuối".
Người xem ngán ngẩm vì bội thực thông điệp bảo vệ môi trường. |
Under Paris có thể là một bộ phim về cá mập khát máu, song nạn nhân ở đây lại là khán giả, những người bỏ thời gian trải nghiệm một tác phẩm thảm họa. Hình tượng cá mập trong phim ảnh từ xưa tới nay vẫn luôn bí ẩn, cuốn hút được nhiều khán giản ưa thích. Thế nhưng, không phải góc khai thác nào cũng được người xem đón nhận. Trong trường hợp này, tác phẩm thiếu sự khéo léo khi kết hợp cá mập và vấn đề xã hội.
Nhìn chung, cá mập hung ác tới từ nước Pháp thất bại trong việc chinh phục khán giả. Với một kịch bản chắp vá, diễn xuất khiên cưỡng, nhồi nhét thông điệp quá mức, Under Paris là một bộ phim đáng quên trong loạt phim về cá mập.
Tủ sách Nghệ thuật - Giải trí giới thiệu những cuốn sách hay và mới nhất về nền công nghiệp giải trí và các bộ môn nghệ thuật đại chúng tiêu biểu. Ngoài ra, tủ sách cũng đề xuất loạt tác phẩm đáng đọc về các nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, giúp độc giả hiểu hơn và biết thêm về những câu chuyện hậu trường, chưa từng được tiết lộ.