Chia sẻ tại một buổi tọa đàm mới đây, ông Nicolò Zanelli, Giám đốc Michael Page Việt Nam, cho biết kể cả trong năm 2022 khi nền kinh tế được cho là có phần ổn định, thống kê của đơn vị vẫn cho thấy tỷ lệ nhân sự chủ động nghỉ việc ở Việt Nam lên đến 19%, gần gấp đôi mức 11% của năm 2019. Suốt giai đoạn 2019-2022, tỷ lệ này đã liên tục tăng vọt.
Theo báo cáo Xu hướng Nhân tài 2023 của công ty tư vấn tuyển dụng này, 56% người được hỏi cho biết đã chủ động tìm kiếm công việc mới hoặc đang lên kế hoạch bắt đầu tìm kiếm công việc mới trong 6 tháng tới. Cứ 3 người thì có 1 người đang tìm kiếm công việc mới.
Đáng nói, 95% trong tổng số lao động tham gia khảo sát tỏ ra cởi mở với các cơ hội nghề nghiệp mới.
Tỷ lệ nhân sự nhảy việc qua các năm tại Việt Nam | |||||
Nguồn: Báo cáo Xu hướng Nhân tài 2023 của Michael Page. | |||||
Nhãn | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
% | 11 | 16 | 14 | 19 |
Khi được hỏi về lý do dẫn đến nhu cầu "nhảy việc" này, 17% người lao động cho biết cần sự linh động về thời gian làm việc. Trong khi chỉ số bình quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ 9%.
“Người lao động đã và đang tìm kiếm những cơ hội cho phép họ có thể làm việc từ xa, có thời gian làm việc linh động và đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các công ty có thể đáp ứng những yêu cầu này thường sẽ giữ chân được nhân tài. Văn hóa làm việc và ứng dụng công nghệ ở nơi làm việc cũng tác động lớn đến quyết định của họ”, ông Nicolò Zanelli nhấn mạnh.
Theo ông Simon Raper, Trưởng bộ phận Tư vấn không gian làm việc, Tư vấn khách thuê xuyên quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Savills Singapore, xu hướng này khiến các doanh nghiệp không còn lựa chọn văn phòng chỉ dựa vào các chỉ số tài chính và diện tích.
Nếu như trước đây, không gian làm việc độc lập lên đến 60-70% diện tích văn phòng, thì nay chỉ còn khoảng 30-50%. Không gian làm việc, hoạt động chung gần như tăng gấp đôi.
Từ phía chủ đầu tư các tòa nhà văn phòng, ông Richard Tay, Giám đốc Saigon Centre (quận 1, TP.HCM), cũng cho biết đang hướng đến những giải pháp cho thuê linh hoạt hơn. Ngoài 85.000 m2 sàn văn phòng truyền thống, dự án này còn có hơn 300 văn phòng "ảo" dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc ở quy mô dự án, cũng như hơn 1.000 m2 không gian cho khách thuê tổ chức hội họp, teambuilding.
Thậm chí, chủ đầu tư này còn mới ra mắt WhatPod - một sản phẩm không gian làm việc cá nhân được đặt tại các địa điểm thuận tiện ở TP.HCM, như bên trong trung tâm thương mại, nhằm đáp ứng nhu cầu làm việc linh động ngày một tăng cao của người dân thành thị.
Ông tiết lộ giai đoạn tiếp theo của dự án sẽ có diện tích 102.000 m2, bao gồm tổ hợp văn phòng, bán lẻ và khách sạn, với mục tiêu là điểm đến "tất cả trong một" cho khách thuê.
Trong báo cáo quý I về thị trường văn phòng, Cushman & Wakefield cũng nhận định khi nhu cầu văn phòng đang dần dịch chuyển ra ngoài khu vực trung tâm, việc tích hợp nhiều dịch vụ cho khách thuê càng trở nên quan trọng.
"Chúng tôi cho rằng khả năng hỗ trợ kinh doanh, thương mại, tiện ích tại khu vực xung quanh một tòa nhà (ví dụ có nhiều khách sạn, ẩm thực, văn phòng dịch vụ...) nên được đánh giá quan trọng hơn vị trí của tòa nhà đó", báo cáo này nhấn mạnh.
Đây cũng là lý do Cushman & Wakefield cập nhật yếu tố này vào tiêu chuẩn đánh giá mới, bên cạnh chất lượng tòa nhà như công nghệ mới và tính bền vững. Với tiêu chuẩn mới, đơn vị này cho biết thị trường TP.HCM đang có 18 tòa nhà hạng A và 59 tòa nhà hạng B. Trong đó, có 5 tòa nhà được nâng cấp do loại bỏ yếu tố vị trí, và một tòa nhà được nâng hạng nhờ nỗ lực cải tạo và nâng cấp tòa nhà.