Ông Liu Guoliang chia sẻ trên CCTV: "Toàn bộ không gian thi đấu tại Olympic Tokyo nhỏ hơn bình thường. Sân đấu tại các giải thế giới thường có diện tích đo được là 7x14 m. Sân bãi tại Olympic lần này tôi thấy chỉ đạt 6x11 m".
Ông Liu Guoliang thừa nhận: "Tôi cảm thấy khá lo lắng khi các VĐV di chuyển. Sân thi đấu quá khác biệt so với trước đây. Điều này có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của VĐV khi tranh tài".
Cùng chung nhận định với ông Liu Guoliang, VĐV Xu Xin của tuyển bóng bàn Trung Quốc khẳng định anh và đồng đội đã tập luyện tại các sân thi đấu này và cảm giác mang lại là không thoải mái.
Fan Zhendong là tay vợt số một thế giới hiện tại. Ảnh: AFP. |
Ông Liu Guoliang cũng phàn nàn về các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Olympic Tokyo tương đối rắc rối. Điều này khiến sự chuẩn bị của đội tuyển bóng bàn Trung Quốc trở nên "cực kỳ khó khăn".
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban Olympic đưa ra một số quy định, trong đó nghiêm cấm VĐV bóng bàn lau mặt bàn hoặc thổi vào quả bóng, điều vốn thường xuất hiện ở các giải đấu trước kia.
Trở lại với tuyển bóng bàn Trung Quốc, họ mang 6 VĐV tới Tokyo lần này. Hai cái tên đáng chú ý là đương kim vô địch Olympic Ma Long và tay vợt số một thế giới Fan Zhendong ở nội dung đơn nam, trong khi nhà vô địch thế giới Liu Shiwen sẽ thi đấu nội dung đồng đội nữ và đôi nam nữ.
Trung Quốc luôn là thế lực ở bộ môn bóng bàn. Ngoài Trung Quốc, các quốc gia từng giành được huy chương vàng tại Olympic ở bộ môn này còn có Hàn Quốc (3 lần) và Thụy Điển (1 lần).
Tuy nhiên, Nhật Bản được dự đoán có thể soán ngôi Trung Quốc tại Olympic này. Ngoài lợi thế sân nhà, họ sở hữu một số tay vợt mạnh.
Đoàn thể thao Trung Quốc gồm 777 VĐV và nhân viên đến Nhật Bản. Đây là kỷ lục của một đoàn thể thao tại thế vận hội mùa hè từ trước tới nay.