Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thọ trung bình thế giới chỉ 48 tuổi ở thập niên 50

Tuổi thọ trung bình thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào năm 1955 lên đến hơn 71 tuổi ở hiện tại, tất nhiên là có sự sai khác trong và giữa các nước.

Nhưng sự thật là yếu tố rủi ro duy nhất và lớn nhất đối với một loạt các triệu chứng - từ cứng khớp, loãng xương, kiệt sức cho đến suy tim, ung thư, đột quỵ, mất trí nhớ, lãng tai và mờ mắt - chính là tuổi già.

Thực tế không thể chối cãi này đặt ra nhiệm vụ tìm kiếm các chi tiết giải thích lý do và cách thức cơ thể chúng ta thoái hóa và liệu rằng chúng ta có thể can thiệp vào quá trình đó với nỗ lực tương xứng hay không, bởi sự già đi của dân số thế giới đang tăng cùng với biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21.

Điều này kéo theo hệ lụy ở tất cả khía cạnh xã hội, từ cách quản lý nền kinh tế, việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của mọi người, cho đến đời sống công việc, chính trị, sự kết nối giữa các thế hệ và động lực cho cuộc sống gia đình.

Nhờ từng bước thắng lợi trong cuộc chiến chống lại các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, từng là nguyên nhân tử vong hàng đầu của các thế hệ trước, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã tăng từ 48 tuổi vào năm 1955 lên đến hơn 71 tuổi ở hiện tại, tất nhiên là có sự sai khác trong và giữa các nước.

Nhưng điều thể hiện rõ nhất chính là sự thay đổi về hình dạng của tháp dân số. Giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, số người trên 65 tuổi toàn thế giới đã nhiều hơn số trẻ em dưới năm tuổi, và được ước tính sẽ nhiều gấp đôi so với trẻ nhỏ vào năm 2050.

Gia di anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels.

Đoạn tăng trưởng nhanh nhất trong sự gia tăng dân số thực chất là người rất cao tuổi, với tỷ lệ người từ 85 tuổi trở lên ước tính sẽ tăng hơn 150% trong giai đoạn 2005-2030, so với 104% đối với người trên 65 tuổi và chỉ 25% đối với người dưới 65 tuổi. Đến giữa thế kỷ, số người hơn 100 tuổi được kỳ vọng sẽ nhiều hơn khoảng 10 lần so với năm 2010.

Câu hỏi quan trọng là: cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào khi chúng ta đạt đến độ tuổi đáng kính đó? Cho dù tính tình có tích cực và bình thản đến đâu, ta cũng không thể bỏ qua sự thật rằng đối với rất nhiều người, tuổi già thật khó chịu, tàn bạo và dai dẳng. Một bé gái năm tuổi ở Anh ngày nay có thể hy vọng sống đến hơn 80 tuổi một chút.

Nhưng thực tế cho thấy 19 hoặc 20 năm cuối đời của cô gắn liền với bệnh tật. Đối với một cậu bé cùng độ tuổi, tuổi thọ ước tính chỉ dưới 80 tuổi, nhưng “tuổi khỏe mạnh” thì tận 63 năm.

Trong một tiểu luận đầy khiêu khích viết năm 2014 giải thích lý do vì sao bản thân mong được chết khi 75 tuổi, bác sĩ chuyên khoa ung thư người Mỹ Ezekiel Emanuel nhắc lại bằng chứng nghiên cứu này và nhất trí với nhà lão khoa Eileen Crimmins của Đại học Nam California rằng, “Hơn 50 năm qua, việc chăm sóc sức khỏe không làm chậm quá trình lão hóa nhiều như cách nó làm chậm quá trình chết đi.”

Giờ đây, gần 70 tuổi và vẫn vui tươi bơi theo dòng chảy cuộc đời, tôi liên tục được nhắc nhở về sự nghiệt ngã của tuổi già mỗi khi các khớp kêu răng rắc lúc tôi rời giường mỗi buổi sáng hay ra khỏi xe hơi sau hàng giờ ngồi trước bánh lái.

Trong lúc nán lại để co duỗi tứ chi cứng ngắc, tôi tự nhủ, ôi như thể tra dầu vào bánh răng xe đạp để chúng chạy trơn tru vậy! Tôi xem mẹ mình như hình mẫu cho những gì sẽ xảy đến với bản thân, nếu tôi không bị những căn bệnh đột ngột và thê thảm đè bẹp.

Dù bà vẫn khỏe mạnh, tích cực, linh động và nhanh nhẹn khi bước qua tuổi 90, tôi đã chứng kiến bà mất dần thị giác, thính giác, người bạn đời yêu quý và hầu hết bạn bè, cuối cùng là mất đi sự tỉnh táo, suốt gần hai mươi năm cuối đời.

Và trong vài năm cuối cùng, khi ngồi bên mẹ, chỉ đơn giản là thỉnh thoảng cùng với các chị em ở bên bà, tôi không thể xua đi hình ảnh tâm hồn từng đầy sức sống của bà giống hệt một con chim nhỏ mắc kẹt trong tòa nhà đổ nát, chốc chốc lại vẫy vùng đôi cánh đập vào bức tường vỡ vụn trong đau đớn mà chẳng thể nào tìm được lối thoát.

“Mẹ đã chịu đựng quá đủ rồi; sao mẹ vẫn phải tiếp tục cố gắng cơ chứ?” bà buồn rầu hỏi trong những lúc còn chút ý thức. Đó là câu hỏi đay nghiến chúng ta ngày một gấp rút khi năm tháng dần trôi, và viễn cảnh tuổi già dài đằng đẵng càng trở nên khó lờ đi hơn.

Sue Armstrong/NXB Trẻ

SÁCH HAY