Ngay cả với giống ruồi có tuổi thọ cao thì tác động của DR cũng không đồng nhất, nhấn mạnh rằng cơ chế sinh học của mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng đến kết quả của bất kỳ can thiệp nào: trong các thí nghiệm của họ, tuổi thọ dài không đồng nghĩa với sức sống mãnh liệt. Điều đáng sợ chính là chi tiết này.
Bài học rút ra là những hứa hẹn của liệu pháp chống lão hóa được chấp nhận, cũng như tất cả các liệu pháp chăm sóc sức khỏe phức tạp, nằm ở loại “thuốc cá nhân” - liệu pháp được thiết kế riêng cho từng người.
Vậy đến khi nào thì chúng ta, những công dân bình thường, có thể thấy được lợi ích của toàn bộ các nghiên cứu chống lão hóa này? Đây là câu hỏi tôi đặt ra cho Gordon Lithgow, đồng nghiệp của Kapahi tại Viện Buck, người đã đặt ra cụm từ “geroscience - khoa học về lão hóa” vào năm 2006, đồng thời cũng là người theo sát toàn bộ câu chuyện từ khi nó bắt đầu trong các phòng thí nghiệm ở hai bờ Đại Tây Dương.
“Bệnh truyền nhiễm là các ví dụ tôi thường sử dụng,” Lithgow trả lời. “Tôi nghĩ chúng ta đang ở đúng cái khoảnh khắc như khi Fleming tìm ra penicillin. Vậy là, ông khám phá ra nó; ông đến các hội nghị; ông báo cáo về nó; mọi người chỉ nói, ‘Ừm, có vẻ thú vị.’ Và tôi cho rằng phải mất khoảng mười năm từ lúc phát hiện ra cho đến khi penicillin thật sự được đưa vào sản xuất”.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Bước đột phá này đến từ nhận thức rằng tất các các bệnh truyền nhiễm đều có cùng nguyên nhân gây bệnh - vi khuẩn - và có thể chữa trị tất cả chỉ với một phương pháp chung. Lithgow cho rằng đó là khoảnh khắc thay đổi mô hình trong y sinh, “và nó thay đổi tất cả mọi thứ”.
Ngày nay, chúng ta cũng đang ở đó: một “khoảnh khắc Fleming” khác, khi phát hiện ra rằng tất cả các bệnh lão hóa đều có cùng một nguyên nhân, và bản thân quá trình lão hóa không phải là bất biến. Lithgow cho rằng nhiệm vụ của chúng ta giờ đây là thức tỉnh các nhà làm luật, những người trong bộ máy chính phủ, trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe và lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe, trước thực tế này.
“Việc con người mắc bệnh Alzheimer không phải là tất yếu; việc con người bị ung thư hay các bệnh tim mạch cũng không phải là không thể tránh được,” ông khẳng định. “Nếu chúng ta đầu tư vào lĩnh vực khoa học này, chúng ta sẽ có được sự lựa chọn để đi một con đường khác với con đường hiện nay, là xây dựng các trung tâm chăm sóc dài hạn - bạn biết đó, để chữa triệu chứng, vật lộn với các căn bệnh kinh hoàng...”
Ông cho rằng điều này tương tự với việc xây các viện điều dưỡng trang bị máy thở áp lực âm. Những thứ này không còn tồn tại bởi chúng ta không cần đến chúng trong thời đại vaccine và thuốc kháng vi khuẩn. “Và chúng ta có thể đi một con đường khác, không cần máy thở và nhà điều dưỡng cho tuổi già, chúng ta thật sự có cách ngăn được nó.”
Nir Barzilai cũng gửi đi thông điệp tương tự, cũng bằng cách so sánh với bệnh truyền nhiễm. “Ngày nay, khả năng [sống] khỏe hơn và lâu hơn không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa - nó thật sự là khoa học,” ông viết trong bài blog cho TEDMED.
“Các thí nghiệm lâm sàng với metformin sẽ là công cụ, là khung sườn cho các công trình can thiệp quan trọng về mặt y học trong thời đại mới kể từ thời đại kháng sinh - một loại thuốc mới tặng cho chúng ta thêm nhiều năm sống khỏe mạnh khi chúng ta bắt đầu già đi.”
Barzilai kết luận, “Bằng những nỗ lực, tập trung và hợp tác của các tổ chức công, tư và lĩnh vực phi lợi nhuận và nhân đạo, chúng ta sẽ cùng nhau đưa nghiên cứu lão hóa từ phòng thí nghiệm ra cuộc sống.”