Các nhà văn tìm ý tưởng viết truyện ở đâu? Đôi khi chỉ bằng việc mở to mắt và nhìn quanh. Ngay cả những đồ vật và cảnh tượng bình thường hàng ngày cũng có thể thắp sáng trí tưởng tượng của một người.
Lòng say mê kẹo từ thời thơ ấu của Roald Dahl đã trở thành nguồn cảm hứng cho hai cuốn sách kinh điển Những ngày xưa yêu dấu và Charlie và nhà máy sô-cô-la.
Mỗi ngày, khi đi bộ từ nhà đến lớp, cậu bé bảy tuổi Roald Dahl lại bị thu hút tới không thể cưỡng lại tới cửa hiệu kẹo ở số 11 Phố Lớn ở Llandaff, khu vực Nam Wales. Chỉ liếc nhìn thôi, hay chỉ để biết rằng nó nằm đó thôi chưa đủ. Cậu và các bạn còn phải dừng lại và thèm thuồng ngắm những món kẹo ngọt lung linh xếp trong ô cửa kính. Chút tiền tiêu vặt ít ỏi Roald có chẳng mấy chốc đã rời bỏ túi cậu như thể bị một thỏi nam châm vô hình hút mất.
Chuyện Roald cần quyết định chỉ có: Cậu sẽ mua kẹo bạc hà cứng cổ điển, kẹo bạc hà màu vàng nhân bơ dẻo, kẹo Mắt Bò hương hồi có hình như viên đạn hỏa mai hay một viên kẹo trái cây chua xót ruột có tên Giọt Axit?
Rồi có cả loại kẹo chỉ dành cho những khách hàng can đảm nhất. Gobstopper là loại kẹo cứng khổng lồ đổi màu trong khi bạn mút. Và vì phải mất cả tiếng đồng hồ mới xơi xong một viên, chúng cho bạn nhiều cơ hội giải trí trong quá trình ăn.
Về phần món kẹo có mùi kỳ lạ được gọi là Cù Lưỡi Gà, có lẽ càng nói ít thì càng tốt. Một người bạn của Roald đã nghĩ ra một giả thuyết rằng kẹo này được tạo vị bằng một loại hóa chất do người lớn chế ra để làm trẻ con buồn ngủ.
Loại kẹo Roald thích nhất là ống mút nước ngọt - một ống chứa đầy bột đường - và kẹo cam thảo dạng sợi. Mẹo ăn món này là hút hết nước ngọt ra, rồi chốt hạ bằng cam thảo.
“Nước ngọt có ga tê tê trong miệng bạn”, sau này Roald giải thích, “và nếu biết cách, bạn có thể xì bọt trắng ra khỏi lỗ mũi”.
Có lẽ điểm trừ duy nhất của chuyến ghé thăm hàng ngày của Roald đến hàng kẹo, ngoài viễn cảnh sâu răng cả đời, là phải đối phó với bà chủ Katy Morgan cùng hai cô con gái của bà ta. Cả ba đều mặc váy dài cổ lỗ cùng chiếc áo màu kem dơ dáy. Tóc họ rối bù và không hiếm gặp cảnh họ la hét nếu có gì không vừa ý.
Đối với Roald, họ giống một bầy phù thủy già, như trong những truyện ma mà cậu đọc.
Sau này, khi đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, Roald thích phóng đại những sự việc thời thơ ấu. Ông thay đổi tên mọi người để nghe có vẻ thú vị hơn. Ông còn miêu tả sao cho họ có vẻ lập dị hoặc dữ tợn.
Trong cuốn Những ngày xưa yêu dấu, ông gọi Katy Morgan là “bà Pratchett” và miêu tả bà thành “một bà già khẳng khiu có ria trên mép, đôi mắt lợn ti hí và lời nói chua lè như lí gai xanh”. Bà ta mặc một chiếc tạp dề xám xịt, trên quần áo vấy bẩn những mẩu thức ăn thừa từ bữa sáng.
Bà Pratchett khăng khăng đòi thọc sâu những ngón tay đầy dầu mỡ của mình vào lọ để lấy kẹo cho khách. Thay vì cho túi đựng, bà ta bọc kẹo trong một tờ báo cũ bẩn thỉu chất trên quầy.
Trong phiên bản của Roald, ông đã trả đũa bà Pratchett bằng cách thả một con chuột chết vào trong lọ kẹo gobstopper - một trò đùa ông đắc thắng gọi là “Âm mưu chuột chết”.
Chuyện này có xảy ra thật không? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết, nhưng chắc chắn là tiền đề cho một câu chuyện hay.
Tòa nhà nơi cửa hiệu kẹo của Katy Morgan tọa lạc vẫn tồn tại, dù kẹo đã không còn. Nếu bạn đến đó, bạn sẽ thấy một tấm biển ghi nhớ địa điểm đã diễn ra “Âm mưu chuột chết”:
Đó không phải lần duy nhất thói hảo ngọt của Roald truyền cảm hứng cho tác phẩm văn chương trứ danh của ông. Nếu từng đọc Charlie và nhà máy sô-cô-la, bạn hẳn đã biết câu chuyện về Willie Wonka cùng nhà máy kẹo của ông. Nhưng bạn có biết rằng câu chuyện hư cấu này dựa trên trải nghiệm sâu sắc của Roald khi làm một người nếm kẹo tuyệt mật hay không?
Khi Roald 13 tuổi, mẹ cậu gửi cậu đến Trường nội trú Repton. Nhìn chung đây là một nơi buồn thảm, có thầy hiệu trưởng tàn ác thường ra những hình phạt khắc nghiệt dù chỉ phạm lỗi nhỏ. Nhưng có một điều khiến trải nghiệm ở đây đáng giá: Ngôi trường này còn giữ vai trò là phòng thử nghiệm bí mật cho một công ty kẹo tên là Cadbury.
Vào thời đó Cadbury và đối thủ lớn nhất là Rowntree’s đang cạnh tranh nhau để giành ưu thế về sản xuất sô-cô-la ở Anh. Hai bên thường cử gián điệp đóng vai nhân viên đến nhà máy đối phương để lấy cắp công thức và bí quyết kinh doanh. Nhưng Cadbury có một lợi thế so với đối thủ: Các nam sinh trường Repton.
Vài tháng một lần, công ty sô-cô-la lại gửi cho Roald cùng các bạn học một hộp bìa màu xám chứa 12 phong sô-cô-la bọc giấy bạc. Mỗi phong chứa một vị khác nhau. Việc của Roald là nếm từng phong và xếp hạng theo thang điểm từ 0 đến 10.
Còn có cả chỗ trống trên phiếu để ghi nhận xét. “Quá nhạt đối với thị hiếu chung”, Roald viết đầy văn vẻ về một phong kẹo có hương vị không đủ đậm. Ngay từ tuổi thiếu niên, cậu đã biết cách dùng ngôn từ uyển chuyển.
Những lúc rảnh rỗi, Roald mơ tưởng về hình ảnh của nhà máy Cadbury: Những phòng phát minh mênh mông, có các nhân viên mặc áo khoác thí nghiệm trắng trộn bột màu nâu quánh, lỏng trong những chiếc nồi đồng khổng lồ để nhằm tìm ra món kẹo tuyệt hảo mới. Cậu tưởng tượng xem làm việc ở đó sẽ như thế nào.
“Những giấc mơ ấy thật đẹp”, nhiều năm sau ông viết, “và tôi không hề nghi ngờ rằng, 35 năm sau, khi tìm kiếm cốt truyện cho cuốn sách thiếu nhi thứ hai, tôi đã nhớ về những hộp bìa nhỏ ấy cùng số sô-cô-la mới phát minh chứa trong đó”.
Cuốn sách được nhắc đến ở trên - Charlie và nhà máy sô-cô-la - trở thành một trong những cuốn sách thiếu nhi bán chạy nhất mọi thời đại. Nó đã giúp Roald Dahl trở thành một trong những nhà văn nổi danh nhất thế giới.
Câu chuyện về một ông trùm kẹo lập dị cùng dây chuyền sản xuất sô-cô-la tinh vi, cùng những nỗ lực của đối thủ nhằm ăn trộm công thức bí mật có vẻ hão huyền vào thời đó, nhưng tất cả đều dựa trên những trải nghiệm có thật của một cậu bé mê kẹo.