Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung tâm thương mại bán nông sản

Đưa nông sản các vùng miền lên quầy, kệ trong siêu thị đã là bài toán khó, nay một số trung tâm thương mại còn tổ chức gian hàng riêng để các doanh nghiệp bày bán với chi phí thấp.

Chia sẻ với Zing, ông Lương Việt Chương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế Đất Phú cho biết cách đây vài tuần đã mở gian hàng bày bán ở trung tâm thương mại Diamond Plaza (quận 1, TP.HCM) - nơi thường được biết đến với những mặt hàng, thương hiệu cao cấp.

Điều đáng nói, những sản phẩm từ lá sen, hạt sen của Đất Phú cũng đã có gian hàng riêng ở Takashimaya (quận 1) và Aeon Tân Phú khoảng một năm nay.

Chia sẻ doanh thu, ký hợp đồng từng tháng

Theo ông Chương, tại những điểm bán này, thương hiệu chia sẻ doanh thu với trung tâm thương mại (TTTM), thay vì trả tiền thuê mặt bằng. Cụ thể, Đất Phú đang chia sẻ 20% doanh thu với phía Takashimaya, còn Diamond Plaza lấy 22% doanh thu kèm phí quản lý 15 USD/m2.

Trong khi đó, Aeon thu 10 triệu đồng cho mặt bằng 15 m2, đồng thời nếu doanh số đạt 50-100 triệu đồng thì nhận thêm 10% doanh số. Ông Chương cho hay tổng cộng chi phí cũng tương đương mức 20% chia sẻ doanh thu ở Takashimaya.

nong san,  trung tam thuong mai anh 1

Gian hàng của Đất Phú ở Takashimaya. Ảnh: NVCC.

Theo ghi nhận của Zing, hình thức chia sẻ doanh thu thường được các TTTM hoạt động theo mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp (department store) áp dụng. Khi đó, người tiêu dùng không thanh toán ở từng gian hàng mà tại quầy chung của TTTM.

Đối với khách thuê, ông Chương cho rằng hình thức này phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ chưa có ngân sách để thuê mặt bằng cố định hay ký gửi vào các hệ thống siêu thị. Bên cạnh đó, chính việc chia sẻ doanh thu cũng kích thích các bên nỗ lực bán hàng.

Từ phía TTTM, đơn vị quản lý nắm được doanh số hàng ngày của từng doanh nghiệp và gửi báo cáo vào đầu ngày hôm sau. Nhờ đó, doanh nghiệp theo dõi được doanh số mỗi ngày, đạt bao nhiêu phần trăm doanh số của tầng.

Nếu doanh số giảm thì TTTM tung chương trình ưu đãi để kích cầu, chi phí do TTTM chịu. Nếu doanh nghiệp chạy chương trình riêng, đơn vị quản lý cũng hỗ trợ đăng thông tin lên fanpage chung.

Còn từ phía doanh nghiệp, họ không được ký hợp đồng thuê dài hạn mà chỉ ký từng tháng một, và doanh số càng cao càng được xếp ở vị trí đẹp hơn.

"Những tháng đầu tiên, tôi chỉ thuê được vị trí rất 'xấu', nhưng tôi phải tìm mọi cách để ở lại, kể cả khi tôi bán tốt nhưng có đơn vị khác bán tốt hơn thì tôi cũng bị 'đá' đi. Đây là động lực để tôi bán hàng mỗi ngày", ông Chương chia sẻ.

Có lẽ cũng vì vậy mà theo báo cáo quý I của Colliers, trong khi tỷ lệ lấp đầy nói chung ở các TTTM tại TP.HCM dao động khoảng 77-95%, thì những nơi áp dụng hình thức chia sẻ doanh thu như Diamond Plaza, Takashimaya, Aeon, Estella Place đều được lấp đầy 98-100%.

Cần sự chia sẻ từ các hệ thống bán lẻ

Dù vậy, vị đại diện từ Đất Phú cho hay không có nhiều hệ thống áp dụng hình thức này, do đó doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi muốn mở rộng.

Thương hiệu nông sản Phú Yên này từng dùng chung mặt bằng với một quán cà phê ở một TTTM lớn. Ban đầu, giá thuê chỉ 9 triệu đồng/tháng, nhưng sau một năm tăng lên 50 triệu đồng/tháng, khiến công ty ông và thương hiệu cà phê kia phải cùng rời đi.

Sau này, khi tìm kiếm mặt bằng thay thế, ông thấy một số nơi giá thuê phải chăng cỡ 100 USD/m2 thì yêu cầu mặt bằng tối thiểu 30 m2, còn những nơi cho thuê gian hàng 6 m2 thì đòi giá thuê lên đến 240 USD/m2.

"Một doanh nghiệp làm nông nghiệp còn non trẻ như chúng tôi không thể nào chịu được chi phí cao như vậy", ông Chương nói.

nong san,  trung tam thuong mai anh 2

Không dễ để các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, đặc sản địa phương có thể phân phối tại các hệ thống bán lẻ lớn. Ảnh: Việt Linh.

Trong khi đó, một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ trái dừa sáp cũng cho biết từng đưa hàng phủ khắp các hệ thống siêu thị, nhưng sau đó phải thu hồi hết vì "càng bán càng lỗ".

Bởi lẽ, chiết khấu thường ở mức cao, chưa kể các chương trình khuyến mại, phí cà thẻ..., bào mòn hết lợi nhuận. Đặc biệt, hàng nông sản thường có thời hạn sử dụng ngắn, do đó rủi ro phải thu hồi hay hư hỏng cũng lớn, trong khi áp lực cạnh tranh trong siêu thị rất nặng nề.

Theo bà Vũ Kim Anh - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thuộc Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để một doanh nghiệp đưa nông sản vùng miền vào siêu thị có nhiều khó khăn, từ tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cho đến sản lượng.

“Mỗi siêu thị lại có một bộ hồ sơ riêng, các doanh nghiệp trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy tờ hoạt động của doanh nghiệp, cũng như các quy trình giao nhận hàng hóa”, bà Vũ Kim Anh phân tích thêm.

Cần sự đồng cảm, chia sẻ và trao đổi, hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ để hoạt động kết nối, phân phối các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương đạt kết quả tốt hơn.

Bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc BSA

Do đó, theo bà, cần sự đồng cảm, chia sẻ và trao đổi, hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ để hoạt động kết nối, phân phối các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương đạt kết quả tốt hơn.

Chia sẻ với Zing, ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam cho biết đang muốn đưa nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản vào TTTM hơn.

"Trước đây, siêu thị Giga Market bên trong Gigamall tập trung vào các sản phẩm bình ổn thị trường, nhưng nay chúng tôi muốn kết nối với các doanh nghiệp trẻ từ các vùng miền, quy hoạch thêm các sản phẩm nông sản, đặc biệt sản phẩm OCOP. Hiện những sản phẩm này chiếm 60-70% tổng sản phẩm trong khu vực kinh doanh của Giga Market", ông Huy cho biết.

Theo ông, TTTM đã bố trí sẵn mặt bằng và quầy kệ, thậm chí nhân viên bán hàng, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp hàng hóa.

"Các doanh nghiệp đưa hàng vào Giga Market vẫn đang hợp tác theo mô hình chia sẻ doanh thu chứ không lấy tiền thuê hàng tháng. Các chính sách cũng rất linh động, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc mới khởi nghiệp", ông nói thêm.

Trong khi đó, hệ thống TTTM Go! của Central Retail cũng đang dành khu vực riêng để bày bán hơn 100 sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương. Đơn vị cũng giảm chiết khấu cho nhóm doanh nghiệp này, thậm chí miễn chiết khấu trong thời gian đầu cho các doanh nghiệp nhỏ, mới.

Mời độc giả đón đọc gợi ý về các cuốn sách kinh tế thế giới tại Tủ sách kinh tế thế giới. Các cuốn sách cung cấp các thông tin hấp dẫn về các doanh nhân, triết lý kinh doanh, quy luật kinh tế, khủng hoảng tài chính, tiêu dùng cá nhân...

TP.HCM ghi nhận sức mua ở siêu thị tăng, chợ giảm trong dịp lễ

Trong khi người dân kết hợp mua sắm và vui chơi ở các siêu thị, trung tâm thương mại, kênh bán hàng truyền thống lại ghi nhận lượng khách và sức mua thấp hơn ngày thường.

Doanh nghiệp Việt có thể học cách cao cấp hóa nông sản như Hàn Quốc

Nhân sâm của Hàn Quốc là hàng cao cấp nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là minh chứng cho thấy doanh nghiệp đã thành công trong việc cao cấp hóa sản phẩm.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm