Báo quân đội nhân dân Trung Quốc cho biết, các sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc phải cẩn trọng với những phát ngôn trước mối quan tâm về kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc nhằm đảm bảo sự thành công của chương trình.
Bài xã luận được đăng ở trang nhất nêu rõ "thành công hay thất bại của cải cách quân đội phụ thuộc vào những quan chức cấp cao luôn dẫn đầu và phải làm gương".
“Không được nói những điều vô nghĩa hay bình luận vô trách nhiệm. Cần phải giữ quan điểm và nghiêm cấm chỉ làm những gì mình thích hoặc giả vờ tuân thủ”, bài báo nhấn mạnh.
Tờ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng viết, giới tướng lĩnh quân đội cấp cao của Trung Quốc cũng cần phải đặc biệt chú ý tới nguyện vọng của binh sĩ cũng như giải quyết linh hoạt các vấn đề nhạy cảm.
"(Sĩ quan chỉ huy) phải tổ chức và quản lý tốt các ý kiến công khai, đặc biệt trên mạng Internet và phải nỗ lực xây dựng một môi trường tốt để quá trình cải cách diễn ra suôn sẻ", tờ báo viết.
Theo tờ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cuộc cải cách quân đội lần này là “chưa từng có” và tác động tới các nhóm lợi ích liên quan. “Cải cách quân đội sâu rộng là bài kiểm tra lớn không thể tránh khỏi. Chúng ta đã bắt đầu chiến dịch của mình và đang tiến vào vùng nước sâu”, tờ báo nhấn mạnh.
Hồi tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố bản phác thảo mở rộng về chương trình cải cách quân đội. Ông yêu cầu hiện đại hóa cơ cấu chỉ đạo của lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới nhằm xây dựng đội quân có khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh hiện đại.
Kế hoạch cải tổ quân đội của ông Tập nhằm thiết lập một cơ cấu chỉ huy thống nhất vào năm 2020 và tổ chức lại 7 đại quân khu hiện có. Chương trình cải tổ cũng bao gồm nội dung cắt giảm 300.000 người.
Theo Reuters, kế hoạch hiện đại hóa của ông Tập trùng với thời điểm Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hải quân Trung Quốc đã đưa vào hoạt động tàu sân bay đầu tiên, tàu ngầm. Trong khi đó, không quân đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình.