Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thuận lợi và khó khăn trong cải tổ quân đội Trung Quốc

Kế hoạch cải cách toàn diện quân đội Trung Quốc theo hướng giống với mô hình phương Tây đang được theo dõi sát sao, trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn cùng tồn tại.

a
Binh lính Trung Quốc trong lễ diễu binh ngày 3/9. Ảnh: Reuters

Báo quân đội Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cam kết bước “đột phá” và cải cách quân đội vào năm 2020. Quân ủy Trung ương Trung Quốc nhấn mạnh định hướng chung trong đó có việc sắp xếp lại 4 cơ quan lớn gồm: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Quân bị.

Theo kế hoạch được ông Tập Cận Bình tuyên bố trong lễ duyệt binh ngày 3/9 vừa qua, quân đội Trung Quốc sẽ giảm 300.000 binh lính đến năm 2017. Đây là lần giảm quân số thứ 11 trong lịch sử phát triển quân đội nước này.

Báo chí Trung Quốc ước tính, khoảng 170.000 sĩ quan từ cấp thiếu úy đến đại tá sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là các đơn vị không chiến đấu như văn công, quân y, bộ binh và một số đơn vị gián tiếp khác.

Lực lượng mặt đất sẽ được quy hoạch từ 7 đại quân khu xuống còn 4. Quân đội Trung Quốc sẽ xây dựng mô hình tổ chức và chỉ huy tương tự quân đội Mỹ. Ông Tập nhấn mạnh, kế hoạch cải cách nhằm tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu, trang bị tốt hơn cho quân đội, đáp ứng các thách thức an ninh mới.

a
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 của Trung Quốc. Ảnh: Ausairpower

Thuận lợi

Kể từ khi đảm nhận chức vụ chủ tịch nước kiêm bí thư Quân Ủy Trung ương, ông Tập Cận Bình đích thân tổ chức và giám sát quá trình cải tổ quân đội Trung Quốc. Đầu tiên, ông Tập mạnh tay với nạn tham nhũng trong quân đội. Trong tháng 7, ba tướng lĩnh cấp cao gồm: Quách Bá Hùng, phó bí thư Quân ủy Trung ương, Từ Tài Hậu, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm phó bí thư Quân ủy Trung ương và Cốc Tuấn Sơn, phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần bị kết án về tội tham nhũng.

Ngoài ra, hàng chục tướng lĩnh và quan chức cấp cao khác trong quân đội bị kết án vì tội tham nhũng. Những biện pháp mạnh tay với vấn nạn đã giúp ông Tập củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối với quân đội, theo Reuters.

Yue Gang, đại tá về hưu thuộc Bộ Tổng tham mưu nói với Bloomberg: “Bây giờ, quyền lực của ông Tập trong quân đội đủ vững vàng để tiến hành cải tổ quân đội nhằm cạnh tranh với Mỹ”.

Bên cạnh đó, ngân sách quốc phòng dành cho quân đội duy trì ở mức cao trong nhiều năm. Quân đội Trung Quốc đã đưa vào sử dụng nhiều khí tài hiện đại, sức mạnh quân đội nước này tăng lên rõ rệt.

Báo chí Trung Quốc cho rằng vũ khí và trình độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc được nâng lên đáng kể, nhưng tinh thần, ý chí và sức chiến đấu bị sa sút so với trước đây. Vì vậy, Trung Quốc phải tiến hành cải cách quân đội để tăng thêm sức chiến đấu trong điều kiện hiện đại và kỹ thuật cao theo hướng chung của thế giới.

Kế hoạch tái cơ cấu quân đội theo mô hình phương Tây của ông Tập nhận được sự ủng hộ của phần lớn quan chức cấp cao trong đảng và quân đội. Bên cạnh đó, việc cải cách là cần thiết nhằm đáp ứng các thách thức an ninh mới cũng như tham vọng vươn ra thế giới của Trung Quốc.

Thiếu tướng về hưu Luo Yuan nói với Global Times, một quân đội quá cồng kềnh sẽ dẫn đến kém hiệu quả và thất bại trong các trận đánh. Trong khi đó, Xu Guangyu, nhà tư vấn về kiểm soát vũ khí cho quân đội nhận xét: “Quân đội chúng ta cần phải đi theo con đường hiện đại hóa, giảm quân số là cần thiết để tăng chất lượng chứ không phải tập trung vào số lượng”.

Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Việc cải cách nhằm giúp Quân ủy Trung ương  tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi, tích hợp các đơn vị chức năng, tăng cường giám sát và phối hợp hành động tốt hơn”.

Thách thức

a
Lính tăng thiết giáp của Trung Quốc trong một cuộc tập trận. Ảnh: Mil.cnr

Bên cạnh những thuận lợi, kế hoạch cải cách sẽ đụng chạm đến lợi ích của các sĩ quan và đơn vị. Các hãng tin nước ngoài cho biết, các tướng lĩnh tỏ ra ủng hộ, nhưng “văn hóa ủng hộ” ở Trung Quốc có thể chỉ là bề ngoài. Họ có thể bất bình và phản ứng tiêu cực vì quyền lợi và lợi ích bị ảnh hưởng.

Một nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc nói với Reuters rằng, kế hoạch cải tổ quân đội quá bất ngờ, mọi người đang rất lo lắng, rất nhiều cán bộ sẽ mất việc làm và sinh kế của họ. Asiaone cho biết, Quân ủy Trung ương đã tổ chức 860 hội thảo với sự tham gia của 700 đơn vị nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Phát ngôn viên Dương Vũ Quân cho biết thêm, chính phủ và quân đội sẽ soạn thảo một kế hoạch chi tiết các biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo lợi ích của những quân nhân bị ảnh hưởng. Tuy vậy, báo chí Trung Quốc nhận định, kế hoạch cải tổ quân đội lần này sẽ không hề dễ dàng.

Một số nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc cho rằng, mặc dù có sự chống đối của các đơn vị và các tướng lĩnh, nhưng ông Tập Cận Bình đã nắm được quân quyền, nên sẽ quyết tâm gạt bỏ trở ngại, tiến hành cải cách.

Quân đội Trung Quốc chuyển mô hình giống phương Tây

Trung Quốc đã bắt đầu một trong những đợt cải cách quân đội lớn nhất trong vài thập kỷ qua, với trọng tâm là thay đổi cách thức tổ chức điều hành giống mô hình của phương Tây hơn.

Vì sao quân đội Trung Quốc chuyển đổi theo mô hình Mỹ?

Quân số nghĩa vụ quá lớn, kém chuyên nghiệp, tập trung vào lực lượng mặt đất không phù hợp với tác chiến công nghệ cao là lý do khiến quân đội Trung Quốc chuyển sang mô hình Mỹ.

Quốc Việt (tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm