Hiện trường vụ tấn công vào trạm an ninh ở ở Nội Mông hôm 6/12. Ảnh: CRI |
Theo Đài phát thanh quốc tế CRI của Trung Quốc, vụ việc xảy ra tại trạm kiểm soát an ninh Malianjing, huyện Ejin Banner, Nội Mông lúc 15h30 chiều 6/12.
Chen Tiejun, phó trưởng huyện Ejin Banner, cho biết nhóm người này đeo mặt nạ, mang theo gậy gộc và đá. Chúng xông vào trạm an ninh, cắt đứt nguồn điện, phá hủy nhiều thiết bị và phun hơi cay vào cảnh sát.
Băng nhóm còn bắt cóc một số nhân viên an ninh, trói tay và bỏ họ lại trên sa mạc Gobi trong nhiệt độ dưới 0 độ C. Sau đó, chúng quay lại trạm để lấy điện thoại, quần áo và tiền. Khi rời trạm, chúng cắt đứt mạng lưới thông tin liên lạc, sử dụng hai xe tải để đi phá hủy các phương tiện, xe của cảnh sát trong trạm và các khu cảnh sát gần đó.
13 người bị thương và 11 chiếc xe cảnh sát bị phá hủy sau vụ việc. Cảnh sát đang truy lùng các nghi phạm.
Trong vài năm qua, khu tự trị Nội Mông thường bất ổn do những người chăn thả gia súc phàn nàn về tình trạng khai khoáng và sa mạc hóa đã tàn phá khu đất truyền thống của họ. An ninh được siết chặt tại khu vực này. Nhiều cuộc biểu tình cũng từng xảy ra tại đây.
Hồi tháng 4, một cuộc xung đột dữ dội xảy ra ở Nội Mông nhằm phản đối các nhà máy hóa học gây ô nhiễm. Để bảo vệ nhà máy, chính quyền huy động 2.000 cảnh sát, dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su giải tán biểu tình. Ít nhất 50 người bị bắt, hơn 100 người bị thương và một người thiệt mạng sau vụ việc.
Năm 2011, chính phủ Trung Quốc cũng phải thắt chặt an ninh ở khu tự trị sau hàng loạt bất ổn. Hai công nhân người Hán sát hại hai người Mông Cổ và các cuộc biểu tình bùng lên. Những vụ tấn công bạo lực được cho là có quy mô lớn nhất trong vòng 20 năm, với hàng trăm người dân thuộc sắc tộc Mông Cổ tham gia.
Trong một vụ việc khác, ngày 10/5/2011, người dân ở khu tự trị này giận giữ khi một người Hán lái xe đâm chết một nông dân Mông Cổ khi công cố gắng bảo vệ đất của mình. Các nhà phân tích nhận định, những vụ xung đột gây chết người này làm gia tăng căng thẳng giữa người dân tộc Mông Cổ, chiếm 20% dân số và người Hán (chiếm 80% còn lại).