Ảnh minh họa: blogspot.com |
Bộ Nội vụ Trung Quốc từng nêu trong báo cáo mới nhất rằng hơn 3,6 triệu cặp vợ chồng ly hôn vào năm 2014 - tăng 3,9% so với năm 2013. Tỷ lệ gia đình tan vỡ trên cả nước là 2,7 phần nghìn, cao hơn một chút so với con số 2,6 phần nghìn trong năm 2013.
"Số vụ ly hôn tăng cho thấy phụ nữ bắt đầu bảo vệ quyền bình đẳng của họ, một biểu hiện của tiến bộ xã hội", Peng Xiaohui, một giáo sư giới tính học của Đại học Sư phạm Trung ương Trung Quốc, nói với Global Times hôm 28/6.
Peng giải thích rằng, hiện tại xã hội Trung Quốc vẫn coi nam giới là đối tượng nắm quyền chi phối trong hôn nhân. Xã hội chỉ tiến bộ khi phụ nữ có thể sống hạnh phúc sau khi ly dị và không cảm thấy cộng đồng phân biệt đối xử khi tự nuôi con.
Tỷ lệ cặp vợ chồng ly hôn ở khu tự trị Tân Cương - nơi phần lớn dân là người Duy Ngô Nhĩ - đạt mức cao nhất trên cả nước (4,61%). Những vị trí tiếp theo thuộc về các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm, theo Mirror. 100.000 trong 260.000 cặp uyên ương tại Tân Cương kết hôn vào năm 2012 đã chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Văn hóa dân tộc có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn ở Tân Cương đạt mức cao nhất cả nước. Li Xiaoxia, một giáo sư của Viện Khoa học Xã hội Tân Cương, giải thích rằng phần lớn cặp vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân là người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc cho phép người đàn ông lấy nhiều vợ.
Ông nói thêm rằng văn hóa ở Tân Cương có xu hướng chấp nhận và ủng hộ những phụ nữ bỏ chồng, và họ cũng có thể tái hôn dễ dàng.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cũng cho biết, tỷ lệ ly hôn ở tỉnh Thiểm Tây là 0,18 phần nghìn, mức thấp nhất cả nước.
"Trước đây người dân Trung Quốc coi ly hôn là một điều đáng xấu hổ. Nhưng các cặp vợ chồng trẻ ngày nay có quan điểm khác với cha, mẹ của họ về hôn nhân. Họ không coi ly hôn là một lựa chọn tệ", một quan chức phụ trách đăng ký kết hôn mang họ Wei ở tỉnh Giang Tô bình luận. Wei nói thêm rằng phần lớn cặp vợ chồng ly dị do xung đột về tính cách, sự can thiệp của phụ huynh và ngoại tình.