Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tăng gấp 4 lần số đường băng ở Biển Đông

Chiến dịch xây cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm tăng gấp 4 số lượng đường băng của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp, trở thành mối lo của các nước trong vùng.

Đường băng Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh:
Đường băng Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: VOA

AP đưa tin, quá trình bồi lấp đảo bằng cách đổ cát lên phía trên các rạn san hô giờ đây đã tiến sang giai đoạn xây dựng. Các tòa nhà, bến cảng và đường băng đã xuất hiện trong vài tháng trở lại đây.

Hiện tại Trung Quốc đang sử dụng một sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhiều ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang xây thêm 2 hoặc 3 đường băng trên những đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa.

Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy tại Sydney, Australia, nhận định những sân bay trên đảo nhân tạo có tác động lớn đối với sự cân bằng quyền lực trong khu vực bởi chúng hỗ trợ lực lượng Hải cảnh và Hải quân Trung Quốc.

Như mọi khi, Trung Quốc vẫn tỏ ra mập mờ về ý định đối với các đường băng trên đảo nhân tạo. Trong một cuộc họp báo gần đây, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối trả lời về số lượng đường băng mà Bắc Kinh định xây và mục đích của chúng. Ông lặp lại rằng mọi cơ sở hạ tầng quân sự trên đảo nhân tạo "chỉ phục vụ mục đích phòng vệ".

Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo không đe dọa sự ổn định trong khu vực, chiến dịch quân sự hóa Biển Đông khiến các nước tin rằng Bắc Kinh đang thể hiện sự quyết đoán đối với đòi hỏi về lãnh hải.

Sự lo ngại của các nước gia tăng sau khi một số chiến đấu cơ tiên tiến J-11BH của Hải quân Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm. Hình ảnh về chúng xuất hiện trên mạng hồi tháng 10. Quân đội Trung Quốc từ chối bình luận về các ảnh đó.

Đường băng dài 2,4 km trên đảo Phú Lâm sẽ sớm "lép vế" trước đường băng có chiều dài hơn 3 km trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh đang xây một đường băng khác trên hai bãi đá Xu Bi và Vành Khăn.

Những cuộc tuần tra của phi cơ chiến đấu từ những đảo nhân tạo có thể là cách để Trung Quốc răn đe những nước tranh chấp chủ quyền, đồng thời cản trở những hoạt động tuần tra của quân đội Mỹ trên Biển Đông.

"Trong những giai đoạn căng thẳng, các cuộc tuần tra của máy bay từ các đảo có tác dụng răn đe rất mạnh", Graham nhận định.

Han Kristensen, một chuyên gia an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nhận định rằng những đường băng cho phép Trung Quốc tiếp nhiên liệu, sửa chữa và tái cấp vũ khí cho phi cơ mà không phải bay qua hơn 1.000 km để tới căn cứ không quân gần nhất trên đảo Hải Nam. Nhưng chúng cũng trở thành mục tiêu dễ dàng của các chiến dịch ném bom nếu xung đột nổ ra.

Nếu Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không trên một phần hoặc toàn bộ Biển Đông, các đường băng sẽ là điểm xuất phát của các phi cơ thực hiện nhiệm vụ tuần tra hoặc thậm chí không kích.

Khi phóng viên hỏi về việc Bắc Kinh có ý định lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đáp rằng việc đó phụ thuộc vào lợi ích và các mối đe dọa đối với Trung Quốc trong tương lai.

Trung Quốc và tham vọng độc chiếm Biển Đông

Căng thẳng ở Biển Đông phát xuất từ những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ cũng như việc Bắc Kinh bồi lấp các bãi đá với tốc độ rất lớn, tạo ra 7 đảo nhỏ trong khu vực.


Linh Phong

Bạn có thể quan tâm