Với nhiều đảo nhỏ, bãi đá và bãi cát, Biển Đông là điểm nóng về tranh chấp lãnh thổ giữa nhiều quốc gia. Đường 9 đoạn của Trung Quốc – vùng biển trải dài về phía nam và phía đông của đảo Hải Nam – tiếp giáp, thậm chí chồng lấn trong một số trường hợp, những vùng biển mà các nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.
Căng thẳng leo thang khi Trung Quốc cải tạo khoảng 8 km2 đất trong một chiến dịch bồi đắp quy mô lớn, biến những bãi cát thành đảo để xây sân bay, cảng và hải đăng.
Các phương tiện của Trung Quốc hút cát từ đáy biển để bồi đắp trái phép ở đá Vành Khăn, Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe |
Đòi hỏi của Trung Quốc trên biển
Trung Quốc bắt đầu chiếm các bãi đá thuộc Trường Sa của Việt Nam trong những năm cuối thập niên 1980. Ngoài ra Bắc Kinh còn chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Năm ngoái họ đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến gần quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài đòi hỏi ở Biển Đông, Trung Quốc cũng tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc ở biển Hoa Đông.
Ảnh vệ tinh quá trình xây dựng trong vòng một năm của Trung Quốc ở bãi Chữ Thập, Trường Sa, Việt Nam. Đồ họa: New York Times |
Hoạt động bồi đắp đảo của Bắc Kinh
Vào năm 2014, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến dịch bồi đắp quy mô lớn ở ba bãi đá, bãi cát chính thuộc Trường Sa của Việt Nam - gồm Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Họ cải tạo một khu vực có diện tích 8 km2 - tương đương 90 sân bóng - trong chưa đầy hai năm.
Các bên liên quan tới vấn đề Biển Đông đều giải thích và đưa ra khái niệm tự do hàng hải. Mọi người đều muốn bảo đảm tự do hàng hải nên tôi không thấy bất kỳ vấn đề gì khi chiến hạm của Hải quân Mỹ di chuyển trong các vùng biển theo đúng luật pháp quốc tế.
Ông Benigno Aquino III, Tổng thống Philippines
Hồi tháng 9, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Song nhiều ảnh từ vệ tinh cho thấy họ đang xây ba đường băng có khả năng phục vụ cả phi cơ ném bom trên những đảo nhân tạo bồi lấp trái phép.
Quy mô và tốc độ bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Trường Sa khiến những nước có lợi ích ở Biển Đông lo lắng. Bắc Kinh từng thông báo hồi tháng 6 rằng quá trình tạo đảo (bằng cách đưa trầm tích từ đáy biển lên bãi đá) sẽ sớm kết thúc. Từ đó tới nay, Trung Quốc tập trung vào xây dựng các công trình. Họ đã xây cảng, các tòa nhà quân sự, sân bay trên vài đảo. Một số ảnh gần đây cho thấy Bắc Kinh đang xây thêm hai đường băng, New York Times nhận định.
Xây dựng của Trung Quốc ở đá Tư Nghĩa. Ảnh: DigitalGlobe |
Việc xây các công trình giúp Trung Quốc củng cố sự kiểm soát của họ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động của Bắc Kinh ở đây là tâm điểm của sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời là chủ đề mà Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thảo luận khi ông Tập thăm Nhà Trắng hồi tháng 9. Sau đó không lâu, hôm 26/10, Mỹ điều một khu trục hạm tuần tra gần các đảo Bắc Kinh bồi đắp.
Loạt đảo nhân tạo mới cho phép Trung Quốc thao túng một vùng biển để phục vụ mục đích của họ. Mặc dù ngư trường cũng như trữ lượng dầu mỏ, khí đốt ở Biển Đông khá lớn, những nỗ lực của Bắc Kinh chủ yếu giúp họ củng cố đòi hỏi đối với lãnh thổ, chứ không hỗ trợ hoạt động khai thác. Đây là nhận định của Mira Rapp-Hooper, cựu giám đốc Quỹ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ.
Dù các đảo nhân tạo không đủ lớn để các đơn vị quân đội lớn có thể đồn trú, chúng sẽ vẫn cho phép Trung Quốc tuần tra trên biển và trên không ở Biển Đông. Giới chức Mỹ từng thông báo họ phát hiện Trung Quốc đưa các cỗ pháo cơ động tới những đảo này. Nhóm đảo nhân tạo cũng cho phép Trung Quốc tăng mức độ kiểm soát đối với hoạt động khai thác hải sản ở Biển Đông.
Quá trình xây dựng của Trung Quốc ở đá Chữ Thập, Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe/Washington Post |
Các phương tiện của Trung Quốc phá nhiều bãi đá để làm nền cho những đảo mới. Quá trình phá các bãi đá gây thiệt hại lớn đối với hệ sinh thái biển quanh nhóm đảo. Frank Muller-Karger, giáo sư bộ môn Sinh học hải dương của Đại học South Florida ở Mỹ, giải thích rằng trầm tích có thể lắng trở lại đáy biển, tạo nên những cột bụi có khả năng gây nên tác động xấu đối với sinh vật biển. Trầm tích cũng có thể mang theo kim loại nặng, dầu và các loại hóa chất khác từ các tàu và những công trình mà Bắc Kinh xây trên đảo. Những cột trầm tích dưới biển đe dọa những bãi đá có mức độ đa dạng sinh học cao thuộc quần đảo Trường Sa.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định các phương tiện của Mỹ sẽ bay, di chuyển và hoạt động ở những nơi mà luật pháp quốc tế cho phép. Nhà Trắng chứng minh tuyên bố của Carter bằng cách điều USS Lassen – khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường – tuần tra trong vùng có bán kính 12 hải lý quanh các đảo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông hôm 26/10. Theo David Shear, quan chức của Lầu Năm Góc phụ trách châu Á và Thái Bình Dương, lần gần nhất Washington từng phái tàu và phi cơ tới gần các đảo mà Trung Quốc chiếm đã diễn ra vào năm 2012.
Những công trình Trung Quốc đã xây trên các đảo
Đối với Trung Quốc, đá Chữ Thập là đảo quan trọng nhất về chiến lược trong số các đảo mới. Họ đã xây một đường băng đủ dài để mọi máy bay – từ chiến đấu cơ tới phi cơ vận tải lớn – có thể cất cánh. Trung Quốc không phải là nước đầu tiên xây đường băng trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một số nước khác cũng xây đường băng ở đây.
Vị trí các đường băng ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: NASA |
Trước khi tốc độ xây dựng tăng vọt, trong nhiều năm Bắc Kinh đã dựng lên những công trình nhỏ hơn trên các bãi đá mà họ chiếm. Nhờ những công trình nhỏ, Trung Quốc có thể tuyên bố họ chỉ mở rộng những cơ sở cũ.
Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã gần hoàn thành hai trong số những dự án xây dựng lớn nhất trên đá Vành Khăn và Xu Bi. Nhiều bức không ảnh cho thấy rất có thể Bắc Kinh đã bắt đầu xây đường băng trên những phần dài và thẳng của hai đảo. Với hai đường băng ấy, Bắc Kinh sẽ có tới 3 đường băng trong khu vực.
Các ảnh được chụp vào ngày 30/3/2014, 7/8/2014 và 30/1/2015 cho thấy tiến trình xây dựng của Trung Quốc trên bãi Gaven thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Quốc phòng Jane's. |
Quan điểm và hành động của Mỹ
Chính phủ Mỹ khẳng định họ không bênh vực bên nào, song kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động bồi đắp đảo ngay lập tức. Nhà Trắng nói phi cơ và tàu của họ sẽ vẫn di chuyển gần các đảo nhân tạo vì hành động đó không trái với luật pháp quốc tế.
Bất chấp sự khác biệt về quan điểm đối với vấn đề Biển Đông, chúng tôi vẫn cho rằng quan hệ Trung - Mỹ có tầm quan trọng sống còn. Mỹ muốn mối quan hệ với Trung Quốc cải thiện và phát triển vì lợi ích của hai nước nói riêng và khu vực nói chung.
Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ
Hồi tháng 5, máy bay của Mỹ xuất hiện gần các đảo khiến những chiến hạm của Hải quân Trung Quốc liên tục phát thông điệp cảnh báo.
Với việc điều tàu USS Lassen tới khu vực có bán kính 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, dường như Washington muốn dư luận quốc tế hiểu rằng họ không tuân thủ luật chơi mà Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào, đưa ra trên Biển Đông.
Gregory Poling, Giám đốc Quỹ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Washington, nói rằng Mỹ từng thực hiện 3 chiến dịch nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của vài nước khác. Một trong những nước đó là Philippines - đồng minh của Mỹ.
Luật pháp quốc tế quy định thế nào?
Theo Poling, luật pháp quốc tế công nhận các đảo tự nhiên có chiều rộng lãnh hải 12 hải lý từ đường cơ sở. Công ước Luật Biển 1982 quy định các bãi đá (hay đảo đá) không hưởng quy chế đảo.
Hải quân Mỹ rất khôn khéo khi chọn vị trí để tuần tra. Những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép là những bãi đá nửa nổi nửa chìm, không được hưởng quy chế đảo theo Công ước Luật Biển 1982.
Trước khi Trung Quốc cải tạo, bãi Xu Bi và Vành Khăn đều chìm dưới nước khi thủy triều dâng cao. "Người ta chỉ thấy một bãi cát của bãi Chữ Thập khi thủy triều dâng. Vì thế vị thế pháp lý của nó trở nên không rõ ràng", Poling lập luận.
Lợi ích tiềm ẩn và nguy cơ chiến tranh
Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông rất dồi dào. Chẳng hạn, theo nhiều nghiên cứu, trữ lượng dầu và khí đốt ở ven bờ biển của Malaysia và Việt Nam lên tới hàng tỷ thùng.
Bản đồ thể hiện trữ lượng dầu và khí đốt ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ảnh: Quỹ Sáng kiến Minh bạch Hải dương châu Á |
Các chuyên gia cũng dự đoán trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, bao gồm dầu, ở khu vực xung quanh quần đảo Trường Sa khá lớn.
Sự đối đầu giữa hai cường quốc kinh tế và quân sự ở Biển Đông khiến ông May Former, cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, lo ngại về nguy cơ xung đột trong tương lai.