Tàu USS Lassen đã đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ngày 27/10. Ảnh: Reuters |
Trang Navy Times cho biết, sau khi di chuyển gần đá Xu Bi và Vành Khăn khoảng 5 tiếng vào ngày 27/10, tàu USS Lassen vẫn hoạt động gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, giới chức Mỹ chưa công bố thời điểm tiến hành thêm một cuộc tuần tra tương tự. “Nó có thể diễn ra vào tối nay, hoặc vài tuần sau đó”, một quan chức Mỹ nói. Vị này cho biết, Hải quân Mỹ hy vọng có thể tuần tra thường xuyên hơn trong khu vực.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Carl Thayer cho rằng chuyến đi của tàu Mỹ vừa qua để khẳng định quyền tự do hàng hải (FON) là “quá ít và quá trễ”. “Mỹ lẽ ra phải hành động ngay từ năm 2014, khi mọi thông tin đã rõ ràng rằng Trung Quốc đang nỗ lực để bồi đắp các đảo nhân tạo”, ông nói.
Theo ông Thayer, Trung Quốc sẽ không cử tàu hải quân đối đầu trực tiếp với chiến hạm Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tích cực hoạt động ở mặt trận truyền thông và pháp lý nhằm gây sức ép buộc Washington dừng việc tuần tra. Các chiến dịch của Trung Quốc sẽ nhắm vào những nước trong khu vực, “bơm” vào họ suy nghĩ lo sợ rằng Mỹ đang gây bất ổn.
Chuyên gia kỳ cựu về tình hình Biển Đông cho rằng, Mỹ nên điều chỉnh quan điểm công khai của nước này. “Washington nên tỏ ra mạnh mẽ trong việc chống thay đổi hiện trạng cũng như các hành động đơn phương có mục đích chiến lược”, ông Thayer chia sẻ với Zing.vn. Một trong những hành động cụ thể mà giáo sư Thayer gợi ý như Mỹ cần tham gia với Philippines để giúp ngư dân nước này có thể quay trở về đánh bắt ở bãi cạn Scarborough.
Đồng tình với một phần quan điểm của giáo sư Thayer, Thượng nghị sĩ kỳ cựu John McCain cũng cho rằng chính quyền Obama đã mất thời gian quá lâu để bật đèn xanh cho việc tuần tra. “Tôi từng thất vọng khi chính phủ tỏ ra bối rối và thiếu quyết đoán trước cả thế giới trong những tháng qua”, vị chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ nói.
Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng Washington cần tuần tra trên Biển Đông thường xuyên hơn. Ảnh: The Hill |
Theo ông McCain, Hải quân Mỹ cần tuần tra trên không và trên biển đều đặn trong những tuần và tháng tới, đồng thời hiện diện mạnh mẽ ở Thái Bình Dương.
Nguy cơ về tính toán sai lầm
Việc Mỹ điều tàu đến gần các nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép không phải lần đầu tiên Washington thách thức các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Trang Slate nhận định, sự việc lần này tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trước đó giữa hai nước. Ngoài những tuyên bố phản đối qua đường ngoại giao, Trung Quốc sẽ không có phản ứng tức thì trước động thái của Mỹ.
Theo Slate, cả hai bên đều không có lợi ích nào nếu chạm trán trực diện. Tuy nhiên, rủi ro do tính toán sai lầm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cuối ngày 27/10 cho biết, cuộc tuần tra đầu tiên của tàu USS Lassen không gặp sự cố nào. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định "các cơ quan liên quan" đã theo sát và cảnh báo tàu Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun cũng cho hay, hải quân nước này đã điều động tàu khu trục Type-052C số hiệu 170 Lan Châu và tàu số hiệu 138 Hải Khẩu (lớp Sovremenny nhập khẩu từ Nga) để cảnh báo tàu chiến Mỹ. Ông cho biết thêm, Bắc Kinh sẽ tiến hành các bước cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.
Trung Quốc có thể đang kiểm soát các phản ứng của mình so với những lần đối đầu trước. Gần đây nhất, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay sát máy bay do thám Mỹ và khoe vùng đặt tên lửa trên phi cơ này.
Tờ Wall Street Journal cho rằng, Washington phải tính toán chặt chẽ trong các hành động của họ để tránh dồn Bắc Kinh đi quá xa. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực không muốn lựa chọn phe cho một cuộc chiến. Dù Mỹ chiếm lợi thế trong mọi xung đột, việc Trung Quốc đang tích cực phát triển đội hải quân viễn chinh và lực lượng tên lửa cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể.