Siêu hạm tuần duyên vừa được biên chế cho hải quân Mỹ USS Milwaukee đang trên đường đến Biển Đông thực hiện tuần tra thường kỳ như tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ gần đây. Ảnh: U.S. Navy |
Trong thông cáo chung ASEAN - Trung Quốc ngày 21/11, các câu 13 và 14 nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định cũng như duy trì tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trong toàn bộ của nó: (là) xây dựng, duy trì và tăng cường tin cậy lẫn nhau lẫn niềm tin; kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động; không viện dẫn đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; và đối với các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan là giải quyết các dị biệt và tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, bao gồm cả thông qua tham khảo hữu nghị và đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982)”.
Có thể thấy chiến thuật “đấu võ mồm” hiện thời của Trung Quốc là:
(1) trước công luận thế giới vốn không ủng hộ vũ lực trên Biển Đông (ngoại trừ các báo đài Russia Today, Sputnik, RIA-Novosti... chính thức của Nga duy nhất hậu thuẫn Trung Quốc trên Biển Đông), nên Trung Quốc nay “điềm nhiên” đề cập các vấn đề bức xúc này và cùng đưa ra những hứa hẹn mà phương Tây gọi là “xạo sự”;
(2) thế nhưng trong “rừng” hứa hẹn trên vẫn nổi bật cụm từ phản ánh lập trường bất di bất dịch của Trung Quốc là “các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan”, phủ định mọi viện dẫn đến các định chế đa phương hay quốc tế;
(3) sau đó để một thứ trưởng (ông Lưu Chấn Dân) xé toạc những gì mới cùng tuyên bố chung bằng những lộng ngôn như “xây dựng và duy trì cơ sở quân sự cần thiết nhằm mục đích phòng thủ và bảo vệ đảo cùng các bãi đá đó”!
Trong “Thông cáo chung về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ”, phát đi cùng ngày, giữa các lãnh đạo ASEAN và lãnh đạo Mỹ (Tổng thống Barack Obama) cũng rất ngoại giao nhưng có chi tiết lạ: “Chúng tôi hậu thuẫn các nỗ lực đương thời của ASEAN - Trung Quốc nhằm thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC trong toàn bộ, và nhằm làm việc hướng tới việc nhanh chóng kết thúc một Bộ quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực thực thi”.
Tại sao ASEAN - Mỹ lại phải hậu thuẫn ASEAN - Trung Quốc trong các nỗ lực thực thi DOC và sớm hoàn thành COC? Phải chăng do (1) ASEAN muốn thực thi DOC và sớm kết thúc COC, (2) còn Trung Quốc chưa muốn? (3) nên Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ mới phải “hậu thuẫn các nỗ lực của ASEAN...”?
Chi tiết trên cho thấy trong 10 nước ASEAN vẫn có những nước muốn “đứng ngoài”, không muốn liên quan hay do những lợi ích riêng, nên khi ngồi chung với Trung Quốc thì “nín thinh”. Nhưng cũng những nước ấy, khi ngồi bên cạnh đối tác Mỹ vốn từ 70 năm qua chưa từng thể hiện tham vọng bá chủ Biển Đông và nay bỗng dưng cùng cảnh ngộ có nguy cơ bị “cấm cửa” trên Biển Đông, nên đã hậu thuẫn chính mình qua tuyên bố chung ASEAN - Mỹ!
Trong bối cảnh ASEAN đồng thanh như thế, hôm 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nêu ra vấn đề nóng bỏng hiện nay và của tương lai trước các đồng sự ở Thượng đỉnh Đông Á: “Những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, nhất là các hoạt động bồi đắp và xây dựng quy mô lớn các đảo/đá, đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài, trong đó có nguy cơ quân sự hóa và xảy ra xung đột, ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực”.
Để giải quyết vấn đề, Thủ tướng Việt Nam đề nghị “tập trung vào một số vấn đề quan trọng”, trong đó điều thứ ba là: “Tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực, góp phần định hình một cấu trúc khu vực dựa trên các diễn đàn hiện có của ASEAN, hình thành những cơ chế “cảnh báo sớm” và “phản ứng nhanh” để kịp thời xử lý tình hình khủng hoảng hoặc khẩn cấp ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực”.
Việc đề xuất “tăng cường vai trò các thể chế đa phương” rồi “định hình một cấu trúc khu vực...” tỏ rõ một ý muốn đa phương hóa vấn đề Biển Đông, khác với đòi hỏi “chỉ các nước trực tiếp liên quan”.
Tính đa phương này còn được lặp lại sau đó: “Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, chúng tôi hoan nghênh và trông đợi sự tham gia tích cực và đóng góp xây dựng của các nước để đạt được mục tiêu này”.
Ở Thượng đỉnh Đông Á, không chỉ có những sáo ngữ ngoại giao mà còn có những phát ngôn thẳng thắn, đích thực. Những phát ngôn đó được minh chứng bằng chuyện tàu chiến Trung Quốc vây ép, chĩa súng đe dọa tàu tiếp tế của Việt Nam!