Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trung Quốc lập lờ về Biển Đông buộc Mỹ hành động'

Biển Đông trở thành vùng nước xoáy hút mọi lực lượng hải quân lớn của khu vực, vị giáo sư Mỹ nói khi đề cập tới mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc khiến các nước phải hành động.

Ảnh: Thành Long/ĐH KHXHNV
Giáo sư David Arase. Ảnh: Thành Long/ĐH KHXHNV

Tại hội thảo Con đường tơ lụa trên biển và Quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và Triển vọng, Giáo sư David Arase thuộc Trung tâm Hopkins-Nanjing, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), phân tích Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nằm trong không gian kinh tế và chiến lược với trọng tâm là Biển Đông. Đáng tiếc, sự quyết đoán của Trung Quốc đã tạo căng thẳng địa chính trị tại vùng biển này.

Theo vị giáo sư người Mỹ, xung đột ở Biển Đông là "phép thử" với các ý định của Trung Quốc và là thách thức đối với tương lai khu vực.

Việc các lực lượng hải quân mạnh ​trong khu vực đang "bao quanh" Biển Đông, theo ông Arase, là nhằm chống lại mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của họ.

"Biển Đông trở thành vùng nước xoáy hút mọi lực lượng hải quân lớn trong khu vực, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ", ông nói.

Riêng với Mỹ, ông Arase phân tích, trong tổng giá trị hàng hóa 5,3 nghìn tỷ USD được chuyển qua vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới này mỗi năm, Mỹ đóng góp 1,2 nghìn tỷ USD. Vì thế, Washington sẽ ngăn chặn bất cứ quốc gia nào có ý định độc chiếm khu vực.

"Việc Trung Quốc cố tình lập lờ trong các tuyên bố ở Biển Đông đã buộc Mỹ phải hành động", đại diện Trung tâm Hopkins-Nanjing giải thích về chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ. 

Ông nhận định, kịch bản tốt nhất cho tương lai ở Biển Đông là duy trì phương cách xử lý đa phương theo luật pháp.

"Chính các nước nằm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ cân bằng Biển Đông và định hình tương lai của khu vực", Giáo sư Arase nói.

Con đường tơ lụa trên biển có là con đường hòa bình?

"Con đường tơ lụa trên biển" trong sáng kiến "một vành đai, một con đường" (OBOR) của Trung Quốc cũng là chủ đề thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Xue Li, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, con đường tơ lụa trên biển" (MSR) là bước đi kinh tế có ảnh hưởng chiến lược tới khu vực Đông và Nam Á. Nó là ưu tiên trong chính sách ngoại giao hiện thời của Trung Quốc.

Đây là một trong những chiến lược hàng đầu để Trung Quốc thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc toàn diện, ông Xue Li cho hay. Thế nhưng, ông phủ nhận quan điểm cho rằng "một vành đai, một con đường" phục vụ chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Theo ông Xue Lie, xây dựng con đường này sẽ thúc đẩy sự tin cậy chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN.

Trong khi đó, nhiều học giả lo ngại về mục đích đằng sau chính sách này của Trung Quốc. Lịch sử cho thấy, các con đường tơ lụa trên biển và bộ của Trung Quốc từ xưa đến nay đều bắt đầu gần như song hành với quá trình bành trướng.

"Nhất đới, nhất lộ' được công bố cùng lúc với thời điểm Trung Quốc tôn tạo phi pháp trên Biển Đông. Đây có lẽ không phải là điều ngẫu nhiên", nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nêu vấn đề. Vì thế, theo ông Dy, rất khó để tin 'nhất đới, nhất lộ' của Trung Quốc là con đường hòa bình. 

Trung Quốc đã nhượng bộ?

Một học giả phương Tây nhấn mạnh "ý nghĩa cực kỳ quan trọng" của Biển Đông trong chiến lược 'nhất đới nhất lộ' của Trung Quốc.

"Nếu kiểm soát được Biển Đông thì sẽ nắm được yết hầu của mọi quốc gia sử dụng con đường này. Chỉ có như vậy, Trung Quốc mới đạt được tham vọng trở thành cường quốc toàn diện như điều ông Xue Li vừa nói", vị học giả này nói. 

Vì thế, vị học giả nghi ngờ phân tích của Tiến sĩ Xue Li khi ông này bao biện rằng Biển Đông không phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và nước này đã nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.

"Tranh chấp ở Biển Đông không quan trọng bằng vấn đề Đài Loan, Tây Tạng hay Thiểm Tây", ông Xue Li nói. Theo ông này, chính phủ Trung Quốc nhận thức được rằng có sự xung đột về chủ quyền ở Biển Đông và Bắc Kinh phải giải quyết bằng cách thỏa hiệp, dù bằng cách nào và kết quả tới đâu.

Khi đề cập tới "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" vô căn cứ, ông Xue Li ngang nhiên cho rằng Trung Quốc đã bỏ 2 đoạn từ 11 đoạn ban đầu bởi "đó là sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc".

Ông này cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không rút lại tuyên bố đường 9 đoạn, bất chấp sự vô căn cứ của nó cũng như sự phản ứng của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế. 

Hội thảo Con đường tơ lụa trên biển và Quan hệ quốc tế ở Biển Đông: Hiện trạng và Triển vọng do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Viện Konrad Adenauer (KAS) của Đức tại Việt Nam đồng tổ chức​. Hội thảo diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 26 và 27/11 với sự tham gia của các nhà lịch sử học, quốc tế học và khoa học chính trị Việt Nam và quốc tế.​

Nhật Bản sẵn sàng điều tàu chiến tuần tra Biển Đông

Truyền thông Nhật Bản hôm 26/11 cho biết, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã “sẵn sàng” điều chiến hạm thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên Biển Đông ngay khi có lệnh.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm