Chiến hạm JDS Kurama của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Tờ Mainichi Shimbun dẫn lời Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, chỉ huy trưởng Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản, cho biết, lực lượng phòng vệ nước này đã chuẩn bị sẵn sàng để tham gia các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Họ chỉ còn đợi lệnh.
Tuyên bố này được đưa ra cùng ngày Mỹ và Nhật khẳng định họ không có kế hoạch thực hiện tuần tra chung trên Biển Đông dù hai nước vừa tiến hành các cuộc tập trận chung trên biển. Cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với sự tham gia của 25 chiến hạm Nhật Bản, 7 tàu chiến Mỹ cùng nhiều chiến đấu cơ, USA Today đưa tin.
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, hai nước chưa có kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có khả năng các hoạt động tương tự sẽ được tiến hành trong tương lai.
Phát biểu về mục đích cuộc tập trận chung Mỹ - Nhật, Phó đô đốc Aucoin khẳng định: “Cuộc tập trận sẽ giúp Nhật và Mỹ có thể giúp đỡ lân nhau khi hoạt động trên biển. Chúng tôi nghĩa rằng, nó là tín hiệu tốt cho tương lai, không chỉ với hai quốc gia mà cả khu vực Tây Thái Bình Dương”.
Dù không phải một bên trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhưng cả Mỹ và Nhật đều cho rằng họ có lợi ích chiến lược ở vùng biển huyết mạch bậc nhất thế giới này. Cả Tokyo và Washington đều lo ngại yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh có thể gây tác động xấu tới tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Nhằm thể hiện quan điểm với tuyên bố lãnh thổ của Trung Quốc, cuối tháng 10 vừa qua, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Hồi trung tuần tháng 11, Lầu Năm Góc tiếp tục điều máy bay ném bom chiến lược B-52 lướt qua vùng không phận sát các khu vực Trung Quốc bồi lấp trái phép. Sự kiện diễn ra ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Manila, Philippines dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tham dự.
Nhiều chuyên gia đánh giá hoạt động bồi lấp lớn chưa từng có của Trung Quốc ở Biển Đông là động thái nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Việc đưa tàu chiến và oanh tạc cơ lướt qua khu vực cho thấy quan điểm rõ ràng của Mỹ đối với những đòi hỏi của Trung Quốc.