Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật, Trung ganh đua không khoan nhượng ở thị trường ASEAN

Việc Trung Quốc liên tiếp giành lợi thế trước Nhật Bản trong các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia Đông Nam Á khiến Tokyo phải thay đổi mạnh mẽ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 5 từ trái) chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo ASEAn trong hội nghị cấp cao ở Kuala Lumpur, Malaysia hôm 22/11. Ảnh: AFP

Cạnh tranh thị trường, ganh đua cấp vốn

Bên cạnh những bất đồng về chủ quyền trên biển và quan ngại về tự do đi lại trên những tuyến hàng hải huyết mạch, Nhật Bản và Trung Quốc đang là những đối thủ lớn trong cuộc chiến giành các hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước châu Á, Financial Times đưa tin.

Trong Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nhà lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương cuối tuần trước tại Kuala Lumpur, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ bổ sung 10 tỷ USD vào khoản ngân sách cho các nước ASEAN vay để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là động thái nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy và làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc là nước đầu tư ra nước ngoài lớn thứ ba thế giới. Một trong những lĩnh vực Bắc Kinh đầu tư mạnh mẽ nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong năm 2014, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản xác nhận Trung Quốc là nước viện trợ ra nước ngoài lớn thứ sáu thế giới. Tại ASEAN, Trung Quốc chỉ đứng sau Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Trung Quốc cũng cam kết chi 40 tỷ USD cho Quỹ Con đường Tơ lụa mới nhằm xây dựng hệ thống giao thông vận tải trong và giữa các nước láng giềng. Trong quá khứ, Con đường tơ lụa là vành đai kinh tế kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á bằng đường bộ. Trong thế kỷ 21, Con đường tơ lụa mới trên biển sẽ giúp Trung Quốc vươn xa khắp địa cầu.

Trên thực tế, bên cạnh bất đồng về các vấn đề chủ quyền và quyền tự do hàng hải trên biển, Trung Quốc cũng đang cạnh tranh với Nhật Bản về ảnh hưởng kinh tế. Đáp lại các sách lược của Trung Quốc, phía Nhật Bản tuyên bố họ sẽ rút ngắn một nửa thời gian xét duyệt các hồ sơ vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng của các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đánh bại Nhật Bản trong cuộc chiến tranh giành hợp đồng đường sắt cao tốc trị giá 5 tỷ USD ở Indonesia. Việc tạo điều kiện thuận lợi và không đòi hỏi chính phủ Indonesia thực hiện các hoạt động bảo lãnh giúp Bắc Kinh vượt Tokyo trong lĩnh vực mà Nhật Bản có nhiều thế mạnh.

Nhật Bản thay đổi khi yếu thế

Thất bại trong cuộc cạnh tranh ở Indonesia dường như tác động nhiều tới các chính sách của Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh và Tokyo đang cạnh tranh nhiều dự án đường sắt cao tốc khác tại các nước Đông Nam Á, bao gồm tuyến đường nối liền Kuala Lumpur tới Singapore. Trung Quốc cũng cạnh tranh với Nhật Bản trong các gói thầu xây dựng cảng, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác trong khu vực phát triển mạnh mẽ như ASEAN.

Mới đây Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết các chương trình hỗ trợ phát triển của Nhật Bản cần theo kịp với tốc độ phát triển của châu Á.

“Chúng tôi sẽ rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết để thông qua các thủ tục cho vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) xuống 1,5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ xem xét lại việc thực hiện các khoản vay mà không cần bảo lãnh từ chính phủ”, ông Abe cho biết.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cũng cho rằng Tokyo nên “nhanh chóng” đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á thay vì chỉ tập trung nhấn mạnh vào chất lượng tốt, an toàn, bảo vệ môi trường hơn so với Trung Quốc.

Những thách thức với Trung Quốc

Đối thủ của Trung Quốc ở Đông Nam Á không hề yếu. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là nhà đầu tư lớn thứ hai của ASEAN​. Bên cạnh đó, nhiều nước ASEAN và Nhật Bản đã thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể làm thay đổi phương thức hợp tác giữa các nước thành viên. Trung Quốc không phải một trong 12 quốc gia đàm phán hiệp định.

Bắc Kinh đang ủng hộ thỏa thuận thương mại với các nước Đông Nam Á gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Thế nhưng hy vọng RCEP được thông qua vào cuối năm đã sụp đổ khi lãnh đạo Malaysia khẳng định các vòng đàm phán không thể kết thúc trong năm tới bởi “những thách thức phải đối mặt”.

Ngoài ra, việc Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia đầu tư ra nước ngoài lớn cũng gây ra những rủi ro với chính phủ Trung Quốc và các công ty thuộc sở hữu quốc doanh, công ty tư nhân. Sự thiếu hiểu biết với luật pháp của các nước sở tại cũng như khác biệt trong văn hóa và tư duy gây nhiều khó khăn trong hoạt động của Trung Quốc.

Thông thường, hợp đồng giữa các bên thường mang tính chất tối mật, không thể tiết lộ cho bên thứ ba. Nó gây khó khăn cho Trung Quốc trong việc nhờ tư vấn pháp lý. Khi các công ty Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ra tầm quốc tế, nó trở thành thách thức lớn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt.

Việc thay đổi các mối quan hệ chính trị của Trung Quốc với quốc gia chủ nhà cũng gây tác động tới các khoản đầu tư của công ty Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh từng thất bại trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở Philippines hay Myanmar. Khi chính phủ mới lên nắm quyền, họ xem xét lại các hợp đồng ký kết với Trung Quốc và phát hiện ra những vi phạm. Sau đó họ đình chỉ hoặc hủy các hợp đồng đó, Diplomat đưa tin.

Chủ trương mở rộng ra nước ngoài khiến lợi nhuận từ đầu tư trong nước của Trung Quốc liên tục giảm trong những thập niên qua. Một trong những hậu quả nghiêm trọng là hiện tượng bong bóng bất động sản trên phạm vi toàn quốc.

Ngoài ra, ASEAN là khu vực phát triển mạnh trong khi kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại. Các quốc gia Đông Nam Á cần cân nhắc việc vay vốn của Trung Quốc bởi lo ngại những ảnh hưởng trực tiếp từ những tiêu cực xảy ra với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2014 nhận định, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển là nguồn tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu, nhưng vay vốn nước ngoài để xây dựng cơ sở hạ tầng có thể là chén thuốc độc. Trung Quốc hăm hở cho vay trong khi nhiều nước cần vốn. Thực tế ấy đòi hỏi một cơ chế nhằm đảm bảo bên vay không chấp nhận rủi ro quá mức.

Cơ sở hạ tầng thường mang lại lợi ích trong nhiều thập kỷ. Xây dựng đường giao thông, bến cảng, đường sắt, nhà máy điện, trạm viễn thông giúp GDP tăng trưởng nhanh và có thể trở thành yếu tố để thu hút sự ủng hộ chính trị ngắn hạn. Tuy nhiên, các nước cần đánh giá kỹ lưỡng các dự án vay để đầu tư cơ sở hạ tầng, tính đến phí bảo trì dài hạn và chi phí hoạt động. Chính quyền địa phương và người dân là những đối tượng phải hứng chịu mọi rủi ro từ những khoản đầu tư này.

Nhật cân nhắc đưa Lực lượng Phòng vệ tới Biển Đông

Trong cuộc gặp với tổng thống Mỹ hôm qua, thủ tướng Nhật Bản cho biết ông lo ngại hoạt động bồi lấp của Trung Quốc và Tokyo sẽ cân nhắc triển khai Lực lượng Phòng vệ tới Biển Đông.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm