Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao Đông Á hôm 22/11. Ảnh: Sydney Morning Herald |
Kyodo News cho hay, tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 tại Malaysia hôm 22/11, lãnh đạo các nước châu Á - Thái Bình Dương đồng loạt chỉ trích Trung Quốc về những hoạt động hung hăng gần đây của Bắc Kinh nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Theo các quan chức có mặt tại hội nghị, trong khi nhà lãnh đạo 18 quốc gia, gồm Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Mỹ, thể hiện sự đồng lòng trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, Trung Quốc và các nước khác vẫn bất đồng về phương thức nhằm xoa dịu căng thẳng gần đây liên quan đến tranh chấp trên biển.
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (ASEAN) ở Philippines hôm 19/11, Trung Quốc giữ im lặng trước các tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, tại Kuala Lumpur, trước lãnh đạo trong khu vực, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lớn giọng nói các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết song phương, đồng thời thúc giục các quốc gia đứng ngoài tranh chấp không can dự.
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và hầu hết các nhà lãnh đạo khác dự hội nghị đều bày tỏ lo ngại về tình hình hiện nay ở Biển Đông – tuyến đường giao thương huyết mạch với trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt. Một thành viên giấu tên dự hội nghị cho biết, Trung Quốc bị “tất cả các bên công kích về mặt ngôn từ”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau EAS, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Chủ đề chính tại hội nghị là Biển Đông và nhiều nhà lãnh đạo nói về sự cần thiết của việc duy trì các quy định quốc tế, gồm tự do hàng hải, hàng không và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Theo Thủ tướng Abe, bất kể vì mục đích dân sự hay quân sự, mọi quốc gia phải tránh các hành động thay đổi hiện trạng và chống lại luật pháp.
“Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động bồi lấp quy mô lớn và nhanh chóng, cùng việc thiết lập các căn cứ phục vụ mục đích quân sự vẫn tiếp diễn tại Biển Đông. Tôi đặc biệt lo ngại về tình hình này”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Hiroshige Seko, dẫn lời ông Abe nói.
Theo ông Abe, Nhật Bản đặc biệt chú ý tới lời nói của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông tới thăm Mỹ hồi tháng 9 rằng, Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa các đảo phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây trái phép các đảo nhân tạo này từ vài năm trước. “Lời nói phải đi cùng với các hành động cụ thể”, ông Abe nói.
Cũng tại hội nghị, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino, nói “thế giới đang theo dõi” liệu Trung Quốc có hành xử như một cường quốc có trách nhiệm trong tranh chấp lãnh hải hay không. “Chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tôn trọng lời hứa và tuân thủ các nguyên tắc pháp luật. Thế giới đang theo dõi và kỳ vọng Bắc Kinh sẽ hành xử như một quốc gia hàng đầu có trách nhiệm”, AFP dẫn lời tổng thống Philippines.
Trong khi đó, trả lời phóng viên về phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngang ngược nói việc xây dựng các cơ sở quân sự tại Biển Đông là "cần thiết" nhằm phòng vệ quốc gia.
Ông Lưu còn ngang nhiên nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ tiếp tục hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo. “Việc xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự cần thiết nhằm mục đích phòng thủ và bảo vệ các đảo và đá ngầm”, ông Lưu lý lẽ. Phát biểu của quan chức này có sự mâu thuẫn bởi một mặt thừa nhận xây dựng các cơ sở vì mục đích quân sự, mặt khác ông phủ nhận Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Trong một động thái được cho là thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, cuối tháng 10, Mỹ điều khu trục hạm USS Lassen vào vùng 12 hải lý quanh đá Xu Bi mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu tháng 11, Mỹ điều máy bay ném bom B-52 đến gần quần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Biển Đông. Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiến hành cuộc tuần tra thứ hai vào tháng 12.
Trung Quốc hôm 22/11 lớn giọng gọi động thái của Mỹ "vượt ra ngoài phạm vi tự do hàng hải" và "đang khiêu khích chính trị" bằng cách tuần tra Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông theo yêu sách “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” phi lý, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế và các nước Đông Nam Á.