Theo Tân Hoa Xã, các tài liệu mà phía Trung Quốc trình lên Liên Hiệp Quốc đề cập tới hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông cùng những tài liệu mà Bắc Kinh rêu rao là bằng chứng về "chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa", tức Hoàng Sa của Việt Nam. Thậm chí tài liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn vu cáo Việt Nam khiêu khích ở Biển Đông.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh: Chinanews |
Cùng với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, Trung Quốc còn vu khống các hoạt động bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa làm gián đoạn hoạt động của giàn khoan Trung Quốc.
Trong khi tàu công vụ và tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc nhiều lần chủ động đâm va, húc các tàu thực thi luật biển và tàu cá của Việt Nam, Wang Min, Phó trưởng ban thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, vẫn mạnh miệng cáo buộc Việt Nam gây ảnh hưởng tới tự do và an toàn hàng hải trên Biển Đông đồng thời gây mất ổn định trong khu vực.
Bất chấp hàng loạt tài liệu lịch sử không thể chối cãi cho thấy Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Thậm chí, đại diện Trung Quốc còn xấc xược cho rằng Việt Nam thừa nhận quần đảo này thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại trong khi các bản đồ cổ của Trung Quốc đều coi đảo Hải Nam điểm cực nam của quốc gia này.
Tàu cá vỏ sắt Trung Quốc tấn công tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Việt Nam. Ảnh: VOV |
Sau hàng loạt hành động gây hấn, đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc vẫn tự nhận Bắc Kinh là lực lượng trung thành trong nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông đồng thời góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác và phát triển giữa các nước trong khu vực. Wang Min còn kêu gọi Việt Nam rút các tàu khỏi khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 nhằm giảm bớt căng thẳng và khôi phục bình yên trên biển.
Song song với hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bắc Kinh gần đây liên tục leo thang các hoạt động trái phép trên các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong những tuần gần đây, Philippines liên tục tố cáo Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp như cải tạo đất để xây sân bay hoặc căn cứ quân sự ở quần đảo Trường Sa. Các khu vực Trung Quốc tiến hành cải tạo đất là Đảo Gạc Ma, Đá Ga Ven, Đá Châu Viên, Đá Én Đất và Đá Chữ Thập.
Sáng 1/5, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố, hơn một tháng qua, Trung Quốc liên tục duy trì sự hiện diện của đội tàu hộ tống hùng hậu nhằm cản trở lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam bảo vệ chủ quyền.
Trong cuộc họp báo ngày 5/6, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, cho biết, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại với Trung Quốc bằng nhiều hình thức, nhiều cấp khác nhau, với trên 30 cuộc trao đổi. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và ứng xử của Việt Nam, lên án Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc không dừng lại mà còn phản ứng tiêu cực, vu cáo Việt Nam.
Trên thực địa, Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan đến vị trí nằm sâu 60 hải lý trong thềm lục địa Việt Nam. Đồng thời, các tàu Trung Quốc có hành vi hung hăng, đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp, ngư dân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ĐNa 90152 của ngư dân Việt Nam.