Báo Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc cho biết trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Transformer”, nhân loại đã đánh bại Decepticons trong một trận chiến lịch sử bằng cách sử dụng pháo điện từ và Trung Quốc sắp biến vũ khí viễn tưởng này thành sự thật.
Chen Shuoren, một nhà bình luận quân sự, nói với tờ Science and Technology Daily vào ngày 5/2: “Mỹ đã công khai phát triển pháo điện từ trong nhiều năm nhưng điều đó không có nghĩa Trung Quốc tụt hậu về lĩnh vực này. Bắc Kinh đang giữ im lặng về tiến trình phát triển do lo ngại lộ bí mật”.
Nhận xét của ông Chen được đưa ra sau khi một bức ảnh chụp tàu đổ bộ xe tăng Haiyang Shan 936, Type-072 III có lắp một vũ khí được cho là pháo điện từ công bố vào ngày 30/1. Mẫu vũ khí được ở mũi tàu có kích thước khá lớn và không giống pháo thông thường.
Theo ông Chen, Mỹ hiện là quốc gia mạnh nhất trong việc nghiên cứu vũ khí năng lượng định hướng. Tuy nhiên, quỹ nghiên cứu dành cho nó đang giảm sút đã tạo cho Trung Quốc cơ hội bắt kịp. Ông Chen nói: “Nếu mẫu vũ khí được khẳng định là pháo điện từ, đây sẽ là cột mốc quan trọng cho chương trình nghiên cứu vũ khí năng lượng định hướng của Trung Quốc”.
Vũ khí được cho là pháo điện từ lắp trên tàu đổ bộ xe tăng Type-072 III. Ảnh: Twitter/Xinfengcao. |
Ông Chen cho rằng việc lựa chọn tàu đổ bộ xe tăng Type-072 III để lắp mẫu thử nghiệm có thể là do nhu cầu điện rất cao của pháo điện từ. Tàu chiến này có chiều dài gần 120 m, rộng 16,4 m, mớn nước 2,8 m, lượng choán nước toàn tải 7.000 tấn. Con tàu có không gian đủ rộng để lắp đặt các máy phát điện và thiết bị khác.
“Pháo điện từ có khả năng tương thích với các tàu chiến được trang bị hệ thống động cơ điện tích hợp. Do đó nó có thể phù hợp với tàu khu trục Type-055, lượng choán nước 10.000 tấn đang phát triển. Type-055 có thể cung cấp đủ điện năng cần thiết cho pháo điện từ”, ông Chen nói.
Mẫu pháo điện từ lắp trên tàu Type-072 III có thể không phải là phiên bản cuối cùng của vũ khí công nghệ cao nhưng kích thước của nó phù hợp với tàu khu trục Type-055. Điều này sẽ giúp nó trở thành một tàu chiến bất khả chiến bại, ông Chen cho biết.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc không xác nhận sự suy đoán của báo chí. Tuyên bố chính thức đầu tiên về pháo điện từ được đưa ra vào năm 2015, khi Tổng công ty Khoa học và Công nghệ Hàng không Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra bước đột phá trong công nghệ phóng điện từ.
Trung Quốc đã vượt Mỹ?
Mỹ công bố mẫu thử nghiệm pháo điện từ vào năm 2006, dự định lắp thử nghiệm trên tàu chiến vào năm 2016. Tuy nhiên, đến này chưa thấy hình ảnh nào về pháo điện từ của Mỹ lắp trên chiến hạm được công bố. Mẫu thử nghiệm pháo điện từ do BAE Systems và General Atomics phát triển có công suất 25 MW. Nó cần lượng điện năng rất lớn nên hiện tại vẫn đang thử nghiệm trên mặt đất.
Minh họa cấu tạo của pháo điện từ. Đồ họa: Phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ. |
Pháo điện từ là loại vũ khí ứng dụng nguyên lý đảo chiều từ trường dòng điện để tạo ra lực đẩy điện từ bắn đầu đạn đi với tốc độ cực nhanh. Tốc độ của đầu đạn lên đến 7.920 km/h, nó phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng của vụ va chạm mà không cần dùng thuốc nổ.
Cấu tạo của pháo điện từ gồm 2 ray kim loại đặt song song nhau và kết nối với nguồn cung cấp điện. Đầu đạn là một khối kim loại được đặt giữa 2 thanh ray. Khi dòng điện được đóng nó tạo nên một dòng từ trường chạy dọc theo chiều dài của thanh ray. Khi đó, lực đẩy Lorentz được hình thành giữa 2 thanh ray đẩy đầu đạn ra ngoài mà không cần dùng liều phóng.
Ưu điểm của pháo ray điện từ là không cần dùng liều phóng để đẩy đầu đạn đi như pháo thông thường, hay động cơ tên lửa, nên loại trừ được nguy cơ cháy nổ. Chi phí đầu đạn thấp hơn nhiều so với trước do không cần chế tạo thêm các bộ phận liên quan. Ngoài ra, đầu đạn là một khối kim loại nhỏ nên số lượng mang theo nhiều hơn, thời gian tác chiến lâu hơn.
Việc Trung Quốc lắp nguyên mẫu pháo điện từ trên tàu chiến cho thấy Bắc Kinh dường như đang tiến bộ hơn so với Washington trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, chưa thấy hình ảnh thử nghiệm nào của pháo điện từ Trung Quốc được công bố. Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất bắn thử nghiệm pháo điện từ trong nhiều năm qua.