SCMP dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết một tên lửa được phóng đi từ mặt đất phá hủy thành công tên lửa đạn đạo giả định trong giai đoạn giữa của chuyến bay. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 5/2 tại Trung Quốc nhưng không rõ địa điểm.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng thử nghiệm này không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào. Tuy vậy, cuộc thử nghiệm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên.
Trung Quốc tuy không công bố nhưng đang âm thầm phát triển lá chắn tên lửa. Chương trình phòng thủ tên lửa của Bắc Kinh được tiết lộ vào năm 2007, khi nước này bắn hạ thành công một vệ tinh hết sử dụng ở độ cao 865 km bên ngoài không gian.
Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc phóng tên lửa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Chinamil. |
Vụ việc gây sốc cho cộng đồng quốc tế. Mỹ và một số nước khác lên án Trung Quốc phát triển vũ khí chống vệ tinh đe dọa sự an toàn của các vệ tinh dân sự.
Tên lửa được sử dụng để phá hủy vệ tinh là KT-1. Nó là phiên bản sửa đổi và kết hợp giữa tên lửa đạn đạo DF-31 và DF-21. Theo Global Security, Trung Quốc được cho là đang phát triển một loạt các tên lửa đánh chặn tiên tiến như HQ-19, HQ-26 và HQ-29.
Trong đó, HQ-19 là phiên bản nâng cấp từ tên lửa phòng không HQ-9 được chế tạo cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo và vệ tinh ở quỹ đạo thấp. HQ-19 được cho là tương tự hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
HQ-26 được phát triển để trang bị cho các tàu chiến tương tự tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ. HQ-19 là phiên bản thu nhỏ của HQ-9, nó được cho là tương tự hệ thống phòng không MIM-104F Patriot PAC-3 của Mỹ. Ngoài ra, các hệ thống phòng không HQ-9 do Trung Quốc chế tạo và S-300 PMU2 nhập khẩu từ Nga cũng có khả năng phòng thủ tên lửa.