Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ sử dụng AI trên tàu ngầm hạt nhân để thách thức hải quân Mỹ

Bắc Kinh đang theo đuổi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào tàu ngầm hạt nhân, giúp hỗ trợ khả năng tác chiến và mang lại vị thế mới cho hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đang chạy đua để nâng cấp những hệ thống điều khiển cũ kỹ trên các tàu ngầm hạt nhân của nước này bằng trí tuệ nhân tạo, với kỳ vọng cải thiện năng lực tư duy tác chiến của các sĩ quan chỉ huy.

Một tàu ngầm với trung tâm điều khiển được trang bị trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại lợi thế lớn cho hải quân Trung Quốc dưới lòng đại dương và là cú hích đưa sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo lên một nấc thang mới.

Trợ lý đắc lực cho chỉ huy tàu ngầm

Sự vận hành của tàu ngầm hạt nhân phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của thủy thủ đoàn. Mặc dù vậy, trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, nhiều biến số có thể khiến ngay cả bộ máy thủy thủ đoàn hoạt động trơn tru nhất cũng mắc sai lầm.

Biên chế thủy thủ đoàn tàu ngầm thường dao động từ 100 đến 300 người. Khi có tới 300 thành viên thủy thủ đoàn cùng sinh hoạt trong chiếc "lồng sắt" dưới làn nước sâu, tăm tối suốt nhiều tháng. Căng thẳng và áp lực có thể ảnh hưởng tới khả năng đưa ra quyết định của sĩ quan chỉ huy, thậm chí dẫn tới những phán đoán sai lầm.

Trong bối cảnh ấy, hệ thống trí tuệ nhân tạo, với khả năng tư duy độc lập, hỗ trợ sĩ quan tàu ngầm đưa ra các quyết định tác chiến sẽ giúp giảm tải khối lượng công việc và gánh nặng về tinh thần cho các sĩ quan chỉ huy.

Tau ngam Trung Quoc trang bi tri tue nhan tao anh 1
Áp lực và căng thẳng sau nhiều tháng hoạt động dưới nước có thể gây ảnh hưởng tới các quyết định của chỉ huy tàu ngầm. Ảnh: AFP.

Cho tới hiện tại, chức năng "tư duy" của tàu ngầm, bao gồm phân tích và giải thích các tín hiệu thu thập được từ "sonar", hệ thống định vị vật thể dưới nước bằng sóng âm, được giao phó chủ yếu cho các thành viên thủy thủ đoàn thay vì máy móc.

Nay, nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia có thể xây dựng hệ thống máy tính có khả năng tự học hỏi để giúp các thủy thủ đoàn đưa ra các quyết định tác chiến. Hệ thống này có thể tự bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng và phát triển các chiến thuật tác chiến mới mà không cần tới sự can thiệp của con người. 

Bằng cách bắt trước cách làm việc của não bộ con người, hệ thống có thể xử lý khối lượng lớn dữ liệu. Trong trường hợp được ứng dụng vào tàu ngầm hạt nhân, dữ liệu sẽ đến từ mạng lưới giám sát đang phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, cảm biến riêng của tàu ngầm cũng như thông qua tương tác hàng ngày với thủy thủ đoàn.

Trợ lý trí tuệ nhân tạo cũng sẽ hỗ trợ sĩ quan chỉ huy bằng cách đánh giá môi trường tác chiến, cung cấp phân tích về nồng độ muối cũng như nhiệt độ của nước biển và tác động tới độ chính xác của hệ thống sonar. Trí tuệ nhân tạo cũng có thể nhận biết và đánh dấu mối đe dọa từ đối phương nhanh và chính xác hơn so với con người.

Con người vẫn là trung tâm

Các nhà nghiên cứu cho biết quân đội Trung Quốc muốn công nghệ trí tuệ nhân tạo đáp ứng một số yêu cầu cơ bản nhất định. Một trong các ưu tiên là đảm bảo hệ thống mới có khả năng theo sát và hiểu được các hoạt động tác chiến phức tạp và thường xuyên biến đổi dưới mặt nước.

Hệ thống mới cũng phải có cấu trúc đơn giản để giảm nguy cơ phát sinh lỗi. Và quan trọng là nó phải nhỏ gọn và tương thích với các hệ thống máy tính hiện đã cài đặt sẵn trên các tàu ngầm.

"Nó giống như phải cho cả con voi vào trong chiếc hộp đựng giày vậy", một chuyên gia nói với SCMP khi được hỏi về thách thức của dự án phát triển trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia này cho biết quan tâm lớn nhất của quân đội Trung Quốc không nằm ở những ứng dụng hữu ích của hệ thống trí tuệ nhân tạo mà là đảm bảo hệ thống mới sẽ không làm gián đoạn khả năng hoạt động của các tàu ngầm giữa các cuộc giao tranh.

Giới chức quân sự Trung Quốc hiện chưa có kế hoạch cắt giảm quy mô thủy thủ đoàn của tàu ngầm khi công nghệ trí tuệ nhân tạo sẵn sàng được cài đặt. Dẫu đầu tư lớn cho chương trình trí tuệ nhân tạo trên tàu ngầm, Bắc Kinh vẫn coi con người phải là trung tâm của tàu ngầm.

"Sẽ vẫn phải có bàn tay con người tại những vị trí quan trọng để đảm bảo tính an toàn", một nhà nghiên cứu trong chương trình tàu ngầm trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc nói với SCMP.

Thách thức sự thống trị của tàu ngầm Mỹ

Tham vọng về công nghệ trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc khiến các chuyên gia quân sự Mỹ lo ngại. Trong cuộc điều tra năm 2017 được tổ chức bởi Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến, các chuyên gia người Mỹ nhấn mạnh nguy cơ về "những công nghệ phá hoại" có thể được sử dụng chống lại nước Mỹ, đồng thời đề cao giá trị của ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào tàu ngầm.

"Nếu không theo kịp bước tiến của các nước khác về công nghệ tàu ngầm, các sĩ quan chỉ huy của chúng ta sẽ phải đối đầu với đối thủ có khả năng đưa ra quyết định nhanh và chính xác hơn", Joe Marino, giám đốc điều hành của công ty công nghệ Rite-Solutions chuyên cung cấp hỗ trợ cho hải quân Mỹ, nhận định.

Marino tin rằng bên cạnh những bước tiến công nghệ dưới biển gần đây của những đối thủ như Nga và Trung Quốc trong các lĩnh vực như tàng hình, dò tìm, vũ khí, lợi thế về công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đe dọa sự thống trị của hải quân Mỹ dưới đại dương.

Tau ngam Trung Quoc trang bi tri tue nhan tao anh 2
Trí tuệ nhân tạo có thể giúp tàu ngầm Trung Quốc thách thức sự thống trị của Mỹ. Ảnh: SCMP.

Người đứng đầu Rite-Solutions hối thúc hải quân Mỹ chấp nhận ứng dụng trí tuệ nhân tạo và yêu cầu ngành công nghiệp quốc phòng nước này nghiên cứu ứng dụng của công nghệ này lên các tàu ngầm của Mỹ.

"Trong quá khứ, khả năng ứng dụng của trí tuệ nhân tạo nằm ngoài tầm với. Nhưng nay, nhiều bước tiến đã đạt được", Zhu Min, chuyên gia từ Viện Khoa học Công nghệ Trung Quốc, đồng thời là người đứng đầu chương trình khám phá đại dương của nước này, cho biết.

Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo là chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận của cộng đồng nghiên cứu tàu ngầm Trung Quốc. Zhu nhận định trí tuệ nhân tạo có tiềm năng "thay đổi cuộc chơi trên biển", hàm ý mang lại vị thế mới cho hải quân Trung Quốc trước Mỹ, "ông kẹ" trên đại dương từ sau Chiến tranh thế giới 2.

Nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo

AlphaGo, một chương trình trí tuệ nhân tạo được Google xây dựng để chơi cơ vây, ban đầu chạy trên nhiều máy tính công suất lớn. Sau 2 năm, chương trình này cho thấy hiệu suất hoạt động được cải thiện vượt bậc dù chỉ sử dụng 10% số phần cứng theo tính toán.

AlphaGo Zero, phiên bản mới nhất của AlphaGo, đã ngừng việc học hỏi cách chơi từ con người. Chương trình này có thể tự dạy chính nó cách chơi trò chơi mà không cần con người giúp đỡ.

Tau ngam Trung Quoc trang bi tri tue nhan tao anh 3
Chương trình AlphaGo Zero đã ngừng học hỏi từ con người và tự dạy cho chính nó. Ảnh: Linkedin.

Zhu nhận định ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những loại vũ khí chiến lược như tàu ngầm hạt nhân có thể là bước tiến tự nhiên cho sự phát triển của công nghệ. Tuy nhiên, việc để trí tuệ nhân tạo tự do học hỏi mà thiếu đi sự kiểm soát có thể dẫn tới những hậu quả thảm khốc không lường trước được.

"Nếu hệ thống bắt đầu có cách suy nghĩ riêng, chúng ta có thể phải đối mặt với một tàu ngầm hạt nhân bỏ trốn mang theo kho vũ khí hạt nhân đủ để phá hủy cả một lục địa", Zhu nói, liên tưởng nguy cơ ấy với kịch bản của những bộ phim khoa học viễn tưởng.

Tuy nhiên, chuyên gia Deng Zhidong về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo từ Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, lại cho rằng nguy cơ máy móc nổi loạn chống lại con người không tồn tại, ít nhất trong tương lai trước mắt.

"Một cỗ máy với trí tuệ nhân tạo thì vẫn chỉ là một cỗ máy. Người ta có thể tắt nó đi hoặc chuyển nó sang chế độ điều khiển bằng tay bất cứ lúc nào. Tàu ngầm hạt nhân cũng tương tự như vậy", ông Deng nhận định.

Tiêm kích Trung Quốc diễn tập trên tàu sân bay Liêu Ninh Tiêm kích hạm J-15 diễn tập mang mô hình tên lửa đối không và diệt hạm tuần tra quanh khu vực hoạt động của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Sát thủ diệt tàu sân bay của Trung Quốc đe dọa Hải quân Mỹ

Phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D với sức mạnh tăng thêm 30% có thể đe dọa hoạt động của Hải quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.

Nhật Bản lắp thêm radar gần đảo tranh chấp với Trung Quốc

Tokyo đã chi 2,5 triệu USD để lắp radar giám sát trên một số vị trí gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp nhằm phát hiện tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển xung quanh.

Duy Anh

Theo SCMP

Bạn có thể quan tâm