Đường băng do Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
- Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử nghiệm tại đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ngày 2/1 và 6/1. Ông nhận định như thế nào về động thái của Trung Quốc?
- Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, Trung Quốc đã thực hiện bay thử nghiệm phi cơ dân sự tại đường băng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa sau khi cơ bản hoàn tất quá trình xây dựng đường băng và các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác.
Họ cũng đang củng cố sự hiện diện dân sự trên các đảo nhân tạo để chứng minh “chủ quyền không thể tranh cãi” do nước này nêu ra. Bắc Kinh luôn dùng các biện pháp dân sự nhằm tăng cường tuyên bố về quyền lãnh thổ.
Theo tôi dự đoán, Trung Quốc sẽ tăng cường các chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airlines cất cánh từ đảo Hải Nam. Điều này sẽ dần trở thành trạng thái "bình thường mới" ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước tương tự trên đá Xu Bi và Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - PV).
Luật pháp quốc tế theo cách diễn giải của Trung Quốc
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông. Ảnh: Getty |
- Động thái mới nhất của Trung Quốc sẽ làm phức tạp tình hình Biển Đông ra sao?
- Bắc Kinh đang thúc đẩy điều mà tôi gọi là “luật pháp quốc tế theo cách diễn giải của Trung Quốc”. Nói cách khác, Trung Quốc muốn đẩy mạnh lợi ích của nước này và bảo vệ hành vi của họ bằng cách đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế.
Luật quốc tế quy định, việc xây và bồi lấp đảo nhân tạo không thay đổi được tính chất ban đầu của thực thể. Ví dụ, đá Chữ Thập không được hưởng quy chế 12 hải lý trên biển hoặc trên không bởi nó nằm dưới mực nước biển khi thủy triều xuống. Bây giờ, khi đá Chữ Thập là một đảo nhân tạo (sau khi Bắc Kinh bồi lấp - PV), nó vẫn không được hưởng quy chế đó và chỉ có vùng an toàn 500 m.
Để củng cố tuyên bố phi lý, Trung Quốc đã không thông báo về đường cơ sở xung quanh đảo nhân tạo. Đường cơ sở là điều kiện rất cần thiết nhằm xác định các vùng biển như vùng lãnh hải 12 hải lý và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Những điều Trung Quốc đang làm là tuyên bố kiểm soát không gian hàng hải và hàng không một cách mơ hồ. Đây là một ví dụ về "luật quốc tế theo cách diễn giải của Trung Quốc".
- Ông đánh giá như thế nào trước lo ngại Trung Quốc có thể không dừng lại ở việc thử nghiệm máy bay dân sự trên các đường băng phi pháp?
- Ban đầu, Bắc Kinh có thể đưa máy bay dân sự tới các đảo nhân tạo và sau đó triển khai phi cơ quân sự vào thời điểm mà họ cho là chín muồi. Những phi cơ quân sự này có thể trở thành máy bay tuần tra hàng hải cơ bản của Trung Quốc.
Bắc Kinh chưa lập căn cứ không quân nhằm đánh dấu việc chuyển đổi các đảo nhân tạo thành cơ sở phục vụ mục đích quân sự. Tuy nhiên, việc nước này triển khai các chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - PV) hồi tháng 10/2015 là dấu hiệu cho thấy những hành động tiếp theo có thể xảy ra trên quần đảo Trường Sa trong tương lai.
Trung Quốc chờ đợi "sự bình thường mới"
- Mỹ từng triển khai các tàu chiến và phi cơ do thám tuần tra Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Washington sẽ phản ứng như thế nào nếu Bắc Kinh hung hăng hơn?
Theo luật hàng hải, tàu thuyền hoặc chiến hạm có thể “đi qua vô hại” trong vùng biển thuộc nước khác hoặc nước khác tuyên bố chủ quyền mà không cần phải thông báo, miễn là không bày tỏ sự thù địch hoặc có hành động gây hấn.
- Năm 2015, Mỹ đã hai lần thực hiện hoạt động đảm bảo quyền tự do hàng hải (FONOP) ở mức giới hạn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhầm lẫn về mục đích của FONOP. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ từng nói tàu của họ đã “đi qua vô hại” (gần đảo nhân tạo trên đá Xu Bi - PV). Nếu Washington điều tàu tới gần, nhưng không vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo, Mỹ sẽ một lần nữa thừa nhận vùng lãnh hải mà đáng lẽ đảo nhân tạo không được hưởng.
Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện FONOP định kỳ, bắt đầu từ tháng 1/2016. Để chiến dịch này có hiệu quả, Washington cần điều tàu vào sâu trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo. Các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây không thể hưởng quy chế 12 hải lý trên biển hoặc trên không theo luật quốc tế. Chúng chỉ được hưởng vùng an toàn 500 m.
Mỹ có thể không đáp trả việc Trung Quốc đưa máy bay đến thử nghiệm ở đường băng trên đảo nhân tạo bởi đây là vấn đề tách biệt, khác chuyện Washington thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
- Giáo sư dự đoán ra sao về tình hình Biển Đông thời gian tới?
- Các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phản đối, một số cường quốc cũng chỉ trích động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay đổi hành vi của Bắc Kinh là không dễ.
Trung Quốc sẽ đợi cho đến khi các nước trong khu vực quen với cái gọi là “sự bình thường mới” và sau đó nước này sẽ tiến hành thêm nhiều hoạt động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và đẩy mạnh kiểm soát quần đảo Trường Sa.
Năm 2016, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với các phán quyết bất lợi từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ phớt lờ mọi quyết định chống lại lợi ích của nước này và tăng cường các hoạt động.
Trung Quốc đang đợi Tòa án Tối cao Philippines ra phán quyết về Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) giữa Manila và Washington. Họ cũng đang mong vị tổng thống tiếp theo của Philippines dễ chịu hơn.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì hoạt động của các tàu cá, tàu thăm dò dầu và tàu bảo vệ bờ biển tại quần đảo Trường Sa trong năm nay. Quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật liên lạc, gồm radar tầm xa và thiết bị tác chiến điện tử, cho các lực lượng này.
Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến qua các nghiên cứu và ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.