Reuters ngày 3/1 đưa tin, Washington chỉ trích Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông và lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng cho mục đích quân sự, dù họ luôn phủ nhận điều này.
Pooja Jhunjhunwala, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói điều cấp thiết hiện nay là các bên cần công khai cam kết ngừng cải tạo đất, xây dựng các cơ sở mới và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.
"Chúng tôi khuyến cáo tất cả các bên giảm căng thẳng bằng cách kiềm chế các hành động đơn phương làm suy hại sự ổn định khu vực, đồng thời thực hiện các bước tạo ra không gian cho giải pháp ngoại giao", người phát ngôn Jhunjhunwala nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 2/1, Việt Nam chính thức phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền và hiệp ước gần đây giữa hai nước về xây dựng lòng tin bằng cách thử nghiệm đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Trung Quốc đã xây dựng trái phép đường băng trên đảo Chữ Thập. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để phản đối và yêu cầu nước này không lặp lại hành động tương tự.
Phía Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng, chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã phản bác vô căn cứ và lớn giọng nói rằng chuyến bay thử nghiệm diễn ra tại đường băng mới xây dựng trên đảo mà Bắc Kinh gọi là Vĩnh Thử Tiêu "hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc", theo Tân Hoa xã.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngang ngược nói Bắc Kinh đã dùng một phi cơ dân sự để bay thử nghiệm xem liệu cơ sở hạ tầng ở đường bằng có đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không.
Trước đó, vào ngày 20/9/2015, tạp chí quốc phòng IHS Jane's đăng ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện việc xây đường băng nhân tạo phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ảnh, bãi đỗ trực thăng và các khu chuyên biệt khác trên đường băng dài 3.125 m.
Việc hoàn thiện đường băng giúp Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ các hoạt động xây dựng hay bắt đầu tuần tra bằng đường hàng không trong khu vực.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông - vùng biển có giá trị thương mại đạt 5.000 tỷ USD mỗi năm. Những năm qua, Bắc Kinh liên tục thực hiện các hoạt động trái phép tại Biển Đông, bất chấp phản ứng từ các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế.