Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Philippines sẽ đối phó Trung Quốc thế nào nếu thắng kiện?

Trao đổi với Zing.vn, GS Jay Batongbacal, chuyên gia luật từ Phillippines, nói nước này sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế phản đối tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh nếu thắng kiện.

Phiên tòa xét xử vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Hà Lan. Ảnh: Rappler

Năm 2015 đánh dấu thất bại pháp lý đầu tiên đối với Trung Quốc trong vụ kiện do Philippines khởi xướng chống lại tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh. Phiên điều trần vụ kiện đã kết thúc vào tháng 12/2015. Tòa án dự kiến sẽ ra phán quyết vào giữa năm 2016. Diễn biến này sẽ tác động đáng kể đến tình hình Biển Đông và các động thái của Trung Quốc.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư luật Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển Philippines (Đại học Philippines), phân tích về những đối sách kế tiếp của nước này sau khi tòa án ra phán quyết.

- Xin ông cho biết những dự đoán về kịch bản hậu vụ kiện của Philippines?

- Kịch bản đầu tiên là Tòa Trọng tài sẽ phán quyết có lợi cho tất cả các điều khoản mà Philippines khởi kiện, bao gồm Trung Quốc không có bất cứ quyền hợp pháp nào với đường 9 đoạn mà họ tự vạch ra, ngoại trừ vùng 200 hải lý kể từ bờ biển phía Nam của nước này, cũng như một số quyền trong 12 hải lý quanh một số đảo và bãi đá rải rác ở Biển Đông.

Một điều khoản nữa là tất cả các hoạt động của Trung Quốc nhằm chống lại Philippines đều vô giá trị và phi pháp. Philippines có toàn quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng tôi, ngoại trừ một số vùng ở các bãi đá còn đang tranh chấp.

Đây là tình huống lý tưởng nhất đối với Philippines, nhưng khả năng xảy ra không cao.

GS Jay Batongbacal tại hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức ở Vũng Tàu hồi cuối tháng 11/2015. Ảnh: Hải An

Kịch bản thứ hai là tòa án sẽ phán quyết ủng hộ một số điều mà Philippines khởi kiện và bác bỏ những nội dung còn lại. Điều này khả thi hơn. Việc một nội dung được tòa phê chuẩn hoặc bác bỏ tùy vào nhiều yếu tố để xem xét, như một thực thể có nằm trong khu vực mà quyền hàng hải của các bên đang chồng lấn hay không; hoặc vị trí của nó có nằm gần các cấu tạo biển hay bên trong vùng biển chủ quyền hay không…

Nội dung khởi kiện của Philippines có hai điều khoản quan trọng không phụ thuộc vào những yếu tố này. Đó là tính pháp lý của đường 9 đoạn và của những hoạt động mà Trung Quốc thực hiện (như bồi lấp và cải tạo, hoặc phá hủy ngư trường) quanh bãi Cỏ Mây và đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi phiên tòa bắt đầu.

Khu vực đầu tiên tùy thuộc vào cách diễn giải và áp dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tòa án chắc chắn sẽ ra phán quyết. Khu vực còn lại tùy thuộc vào những yếu tố như địa điểm và bản chất hoạt động của Trung Quốc.

- Philippines đã chuẩn bị cho phán quyết của tòa án như thế nào, trong cả hai trường hợp nếu tòa ủng hộ hoặc ra phán quyết bất lợi cho Philippines?

- Vào thời điểm này rất khó để đưa ra dự đoán. Chúng tôi sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 5/2016, có thể dẫn đến thay đổi chính quyền và một số chính sách khác. Hiện chưa ứng viên nào tỏ rõ quan điểm về chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, tôi quan sát có một số xu hướng chung khả dĩ.

Nếu tòa ra phán quyết có lợi, Philippines sẽ tiếp tục vận động và phối hợp cùng cộng đồng quốc tế để chống lại những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến một số giải pháp ngoại giao song phương với Trung Quốc, nhưng Philippines sẽ tham gia tự tin hơn.

Những hoạt động khai thác tài nguyên trên Biển Đông mà không nằm trong các vùng chồng lấn sẽ tiếp tục, nhưng chúng tôi không còn lo ngại sự can thiệp của Trung Quốc sau khi có phán quyết của tòa án. Bên cạnh đó, Philippines cũng sẽ tranh thủ các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản.

Đoàn luật sư của Philippines tại buổi điều trần ở Tòa Trọng Tài tại The Hague, Hà Lan, tháng 12/2015. Ảnh: Inquirer

Nếu tòa ra phán quyết bất lợi, Philippines sẽ thúc đẩy nhiều hơn với đồng minh Mỹ để chống lại sự đáp trả từ Trung Quốc, và phối hợp với cộng đồng quốc tế để buộc Bắc Kinh phản ứng ôn hòa hơn. Philippines có thể cân nhắc kêu gọi hòa giải, cũng là một quy trình theo UNCLOS.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo đuổi các diễn đàn đa phương, phối hợp tích cực hơn với các cường quốc khác so với trước đây; đồng thời gắn kết với những đối tác an ninh khác, ngoài Mỹ, để tăng cường các thỏa thuận hợp tác hiện tại.

Nhìn chung, nếu theo hướng này, chúng tôi sẽ phải suy tính lại hoàn toàn giải pháp cho tình hình Biển Đông, rút dần khỏi biện pháp pháp lý để đầu tư hơn cho các giải pháp chính trị.

- Philippines sẽ đối phó với Trung Quốc như thế nào sau vụ kiện để thách thức tính hợp pháp của đường 9 đoạn?

- Khả năng tòa án ra phán quyết về đường 9 đoạn là rất lớn. Nếu họ tuyên bố đường này không có giá trị, Philippines sẽ tiếp tục dựa vào mối quan hệ đối tác đồng minh với Mỹ để duy trì sự ổn định trong khu vực.

Bên cạnh đó, chúng tôi có thể sẽ nối lại các hoạt động tuần tra ở Biển Đông với sự tự tin hơn, cũng như nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí và đánh bắt cá. Chính phủ cũng có thể quay trở lại bàn đàm phán song phương với Trung Quốc về một số vấn đề chứ không chỉ là việc tranh chấp. Tuy nhiên, do Trung Quốc đã thẳng thắn tuyên bố không công nhận phán quyết nên trước mắt vẫn còn nhiều thách thức lớn mà chúng tôi phải đối mặt.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, chia sẻ với Zing.vn về triển vọng vụ kiện của Philippines rằng: Nếu tòa án ra phán quyết ủng hộ các nội dung khởi kiện của Philippines, nước này sẽ tìm cách thúc ép Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết. Philippines cũng buộc phải chấp nhận những phán quyết bất lợi vì họ là nước khởi kiện.

Dù khả năng nào xảy ra, trong năm 2016, Philippines sẽ đối mặt với thách thức khó khăn trong việc buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt sử dụng đe dọa và các biện pháp cưỡng ép trên biển để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền, trong khi không làm ảnh hưởng đến các cơ hội hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử sắp tới của Philippines có thể sẽ bầu ra một vị tổng thống không sẵn sàng hành động mạnh mẽ như Tổng thống Benigno Aquino. Nếu như vậy, Philippines có thể sẽ theo hướng ôn hòa hơn với Trung Quốc.

Philippines quyết đẩy mạnh quân sự giữa căng thẳng Biển Đông

Tổng thống Philippines hôm nay cam kết tăng cường năng lực của các lực lượng vũ trang nhằm đối mặt với thách thức hàng hải ở Biển Đông khi ông chuẩn bị rời nhiệm sở vào năm tới.

Thế giới năm 2016: Đầy phong ba và bão tố

2016 được dự báo là năm mà các cuộc khủng hoảng sẽ được đẩy lên một mức cao hơn nữa trên khắp toàn cầu, khi chủ nghĩa khủng bố và sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu vẫn là mối lo.


Minh Anh (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm