Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới năm 2016: Đầy phong ba và bão tố

2016 được dự báo là năm mà các cuộc khủng hoảng sẽ được đẩy lên một mức cao hơn nữa trên khắp toàn cầu, khi chủ nghĩa khủng bố và sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu vẫn là mối lo.

Các chuyên gia dự đoán năm 2016 thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn bao gồm sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), cuộc khủng hoảng ở Syria, tị nạn tới châu Âu, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hay sự biến động của nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới có thể tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu.

Sự lớn mạnh của IS

Chiến binh thánh chiến của tổ chức khủng bố IS. Ảnh: Reuters

Khi đưa ra những dự báo về tình hình thế giới năm 2016, hầu hết các chuyên gia quốc tế đều chọn nói đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đầu tiên. Năm 2015 chứng kiến IS đánh mất một số vùng lãnh thổ đã chiếm được ở Iraq như thành phố Ramadi, thị trấn Tikrit, thị trấn Sinjar hay nhà máy lọc dầu Baiji. Theo hãng phân tích tình báo Stratfor, IS sẽ tiếp tục suy yếu và đánh mất dần quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ khác ở Syria và Iraq.

Tuy nhiên, IS có sẵn “kế hoạch B” là đại bản doanh mới ở Libya, quốc gia đang chìm trong hỗn loạn. Libya có vị trí địa lý đặc biệt là tâm điểm của các tuyến đường buôn lậu lớn tại châu Phi, đồng thời có thể trở thành cơ sở nền tảng để IS mở các cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu ở khoảng cách rất gần. Stratfor và nhà khoa học chính trị Mỹ George Friedman cũng cảnh báo trong năm 2016, IS sẽ mở rộng hoạt động tại Saudi Arabia, Ai Cập, Yemen, Libya, vùng hạ Sahara và Tây Nam Á.

IS cũng sẽ tăng cường tổ chức các cuộc tấn công khủng bố theo mô hình cuộc tắm máu Paris đêm 13/11. Tham vọng lớn nhất của IS chắc chắn là một cuộc tấn công quy mô lớn tại Mỹ. “Có thể IS không đủ sức lặp lại một vụ 11/9, nhưng chúng có thể tiến hành nhiều vụ Paris và San Bernardino (vụ hai kẻ cực đoan xả súng ở San Bernardino, bang California, Mỹ)”, chuyên gia Michael O’Hanlon của Viện Brookings nhận định.

Nội chiến Syria

Liên quan đến IS, cuộc nội chiến tại Syria được dự báo là sẽ tiếp tục diễn ra dai dẳng, không lối thoát. Nhiều nhà quan sát cho rằng bàn cờ Syria với quá nhiều kỳ thủ nước ngoài nhúng tay là chưa từng thấy trong lịch sử gần đây. Trên thực tế, đang có tới ba liên minh nước ngoài chống khủng bố ở Syria, bao gồm Nga - Iran ủng hộ chính quyền Syria, liên quân do Mỹ lãnh đạo và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Do mâu thuẫn sâu sắc về số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, sẽ rất khó để các bên đạt được một giải pháp hòa bình ở Syria.

Hãng Global Research nhận định tương lai của Syria sau xung đột phụ thuộc vào “cuộc đua đến Raqqa”. Thành phố này là “thủ đô” của IS ở Syria. Global Research cho rằng liên minh nào đẩy được IS ra khỏi Syria thì sẽ nắm ưu thế trong việc xác định đường hướng tương lai của Syria. Chuyên gia Chris Doyle, giám đốc Hội đồng Tăng cường hiểu biết Arab - Anh (CAABU) đánh giá tiến trình hòa bình Vienna thời gian qua chưa tìm được câu trả lời cho những thách thức ở Syria. Bởi một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc ở Syria sẽ đòi hỏi hàng chục thỏa thuận ngừng bắn ở các địa phương.

Tị nạn

Chiến tranh Syria là một trong những nguyên nhân lớn châm ngòi cuộc khủng hoảng di cư và tị nạn châu Âu. Chỉ trong năm 2015, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn từ Trung Đông và châu Phi đã đổ vào các nước Liên minh châu Âu (EU). Một con số tương tự được dự báo cũng sẽ đến châu Âu trong năm 2016. Nhà khoa học chính trị George Friedman cho rằng gánh nặng di cư và tị nạn đang đè lên đôi vai EU sẽ càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.

“Giải pháp duy nhất là EU ra một chính sách tị nạn chung và thành lập lực lượng chung kiểm soát biên giới EU. Nhưng sẽ có rất nhiều nước thành viên không muốn tham gia sáng kiến này. Và tình trạng này sẽ khiến EU càng thêm chia rẽ. Các nước thành viên sẽ tăng cường sự độc lập và quyền lực của EU sẽ suy giảm mạnh", chuyên gia Friedman nhấn mạnh. Hãng Stratfor dự báo việc tăng cường kiểm soát biên giới sẽ càng làm suy yếu cơ chế đi lại tự do của châu Âu, đồng thời tiếp tục tạo ra “nút cổ chai” ở Tây Balkan, nơi người di cư và tị nạn bị dồn ứ.

Khủng hoảng tị nạn cũng sẽ tiếp tục tiếp lửa cho các phong trào chính trị cực hữu, bài ngoại ở châu Âu, đặc biệt nếu lại xảy ra tấn công khủng bố có sự tham gia của những kẻ cực đoan trà trộn vào dòng người tìm cuộc sống mới ở châu Âu. Ngoài khủng hoảng tị nạn, một vấn đề lớn khác mà châu Âu vẫn phải đối mặt trong năm 2016 là khủng hoảng tài chính. Theo chuyên gia Friedman, “tâm chấn” của khủng hoảng có thể chuyển từ Hy Lạp sang Italy, nền kinh tế đang vật vã đối phó với tình trạng nợ chất chồng và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Căng thẳng trên Biển Đông

Trung Quốc bồi lấp trái phép trên đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS

Nhưng năm 2016 sẽ không chỉ chứng kiến những biến động lớn ở Trung Đông và châu Âu. Ở châu Á - Thái Bình Dương, sự căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang. Vấn đề an ninh đáng lo ngại nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, hãng Stratfor dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các “đòi hỏi chủ quyền” vô lý, tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo đã xây dựng trái phép.

Mới đây chính phủ Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông và tăng cường hợp tác quân sự với các quốc gia khu vực. Theo Stratfor, Nhật sẽ tiếp tục xem xét khả năng tham gia tuần tra trên Biển Đông nhưng sẽ chỉ đưa ra quyết định vào nửa cuối năm 2016 sau cuộc bầu cử Thượng viện. Mỹ sẽ yêu cầu Australia đóng vai trò chủ động hơn để bảo vệ an ninh Biển Đông. Trung Quốc chắc chắn không muốn xung đột vũ trang, nhưng khi các lực lượng quân sự hoạt động gần nhau, khả năng tính toán sai và đụng độ bất ngờ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Do đó, căng thẳng trên Biển Đông sẽ là một mối đe dọa lớn đối với an ninh khu vực và quan hệ quốc tế. Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc sẽ leo thang khi Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) công bố những kết quả ban đầu của vụ kiện Philippines chống lại đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.  Hãng Global Research nhận định có thể một liên minh khu vực nhằm đối phó với mối đe dọa Trung Quốc sẽ hình thành rõ ràng hơn trong năm 2016.

Biến động của kinh tế Trung Quốc

Bên cạnh địa chính trị, một vấn đề rất đáng quan tâm của thế giới năm 2016 sẽ là sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc. Tăng trưởng sụt giảm và nợ doanh nghiệp tăng vọt sẽ là những thách thức kinh tế lớn đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Đã có một số chuyên gia kinh tế bi quan dự báo mức tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2016 có thể giảm xuống dưới 6%. Bất kỳ biến động nào của kinh tế Trung Quốc cũng sẽ có ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu sang nước này. Chuyên gia Friedman cho rằng 2016 sẽ là một năm khó khăn đối với Đông Á.

Một năm đầy thử thách đang chờ đón thế giới.

Toàn cảnh thế giới năm 2015

2015 là năm đầy biến động, với sự hoành hành của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đối đầu Nga - phương Tây, những thảm họa thiên nhiên và thỏa thuận khí hậu lịch sử.




Nhật Minh

Bạn có thể quan tâm