1 IS hoành hành khắp thế giới
Từ vụ tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp) đến vụ xả súng ở thành phố San Bernardino (bang California, Mỹ), thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng bố do những phần tử cực đoan ủng hộ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong 12 tháng qua, dù đối mặt với các cuộc không kích dồn dập của nhiều nước, IS vẫn đủ khả năng tác động đến những chiến binh thánh chiến ở các quốc gia trên thế giới nhằm tấn công "kẻ thù phương xa".
Trong năm 2015, IS chứng tỏ chúng có thể phát động tấn công bất cứ đâu, hoặc luôn có mô hình “những con sói đơn độc” ở những nơi chúng không xuất hiện. IS hiện áp dụng hình thức tuyển quân trực tuyến bí mật. Cách này khó bị phát hiện và thậm chí khiến việc ngăn các vụ tấn công đẫm máu trở nên khó khăn hơn.
Thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng và tấn công khủng bố ở Paris hôm 13/11. Ảnh: AFP |
Cú sốc lớn nhất xảy ra vào tháng 11, khi IS thực hiện các vụ tấn công phối hợp tại trung tâm Paris, khiến 130 người chết và làm rúng động thế giới. Kẻ cầm đầu nhóm khủng bố ở Pháp được cho là từng đến Syria và đóng vai trò quan trọng trong bộ máy tuyên truyền của IS.
Tương tự, vụ xả súng cuối năm 2015 ở thành phố San Bernardino do hai vợ chồng sùng bái tư tưởng IS gây ra; dù hàng xóm mô tả họ là những người hiền lành và kín kẽ. Sự việc nghiêm trọng ở chỗ vụ tấn công xảy ra ngay bên trong lãnh thổ Mỹ. Nó phơi bày kẽ hở trong chính sách an ninh nội địa và tình báo của Mỹ khi không cân nhắc đầy đủ mối đe dọa từ IS và những đối tượng nguy hiểm tiềm ẩn do ảnh hưởng từ tư tưởng bạo lực cực đoan của tổ chức này. Sự việc cũng làm dấy lên những tranh cãi giữa các đảng phái ở Mỹ, mà ồn ào nhất là đề xuất của ứng viên tổng thống Donald Trump muốn cấm cửa toàn bộ người Hồi giáo.
Ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận rằng vụ xả súng ở San Bernardino là "hành động khủng bố nhằm vào người vô tội". Ông nói "mối đe dọa từ khủng bố thực sự hiện hữu, chúng ta sẽ vượt qua nó", đồng thời cam kết nỗ lực không ngừng để tiêu diệt IS.
Tháp Eiffel chuyển màu quốc kỳ Pháp để tưởng nhớ các nạn nhân khủng bố. Ảnh: AFP |
Trong năm qua, Mỹ vẫn duy trì chiến lược tấn công lâu dài đối với IS. Mục tiêu không kích của liên quân bắt đầu từ Iraq rồi mở rộng sang Syria, nhưng chủ yếu nhằm vào những cơ sở dầu mỏ mà IS chiếm đóng, qua đó chặn đứng nguồn tài chính đáng kể của tổ chức này. Tuy nhiên, biện pháp trên được cho là không hiệu quả, và còn giúp IS có đủ thời gian "thành lập những mạng lưới xuyên quốc gia".
Từ ngày 30/9, Nga bắt đầu triển khai chiến dịch tiêu diệt IS nhưng hoạt động độc lập, không tham gia liên quân của Mỹ. Máy bay Nga ném bom sâu vào các mục tiêu quan trọng của IS, như tại thành phố Raqqa, các trung tâm liên lạc, trung tâm chỉ huy và trại huấn luyện... Điều này gây ra mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây, khi Mỹ và một số nước châu Âu chỉ trích rằng Nga đang tận dụng danh nghĩa cuộc chiến chống IS, nhưng có thể Moscow đang ngầm hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad để tấn công các nhóm nổi dậy.
Sự bành trướng âm thầm của IS khiến lực lượng an ninh châu Âu phải nỗ lực đối phó. Sau vụ khủng bố Paris, lần đầu tiên trong 10 năm qua, chính phủ Pháp phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn phần tử thánh chiến trà trộn vào dòng người nhập cư. Hoặc nhiều nước như Anh, Bỉ, liên tục phải đặt trong tình trạng báo động cao. Họ dường như không có giải pháp hiệu quả trong vấn đề này. Có lúc, các nước châu Âu từng tính đến chuyện kết thúc khu vực đi lại tự do Schengen.
Tuy nhiên, điều mấu chốt là chính phủ các nước phương Tây vẫn không thể ngăn chặn hàng trăm công dân bí mật tìm cách đến Syria và Iraq mỗi tháng, thông qua những tuyến đường đi từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chính những đối tượng này là cánh tay đắc lực trong kế hoạch chiêu binh của IS sau khi trở về quê hương, nhằm quy tụ những phần tử bất mãn với xã hội và ủng hộ tư tưởng thánh chiến.
2 Khủng hoảng người di cư châu Âu
Một gia đình người Syria nằm trên đường ray ở Hungary hôm 3/9 vì không muốn tới trại tị nạn. Ảnh: Reuters |
Những người di cư chới với giữa biển khi chiếc thuyền chở họ bị sóng biển nhấn chìm. Ảnh: AP |
Người đàn ông di cư ôm chặt con nhỏ, quỳ trước lực lượng an ninh Macedonia khi cố tìm đường vượt qua biên giới. Ảnh: AP |
Bé trai Aylan Kurdi tử nạn trong hành trình vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos, Hy Lạp. Ảnh: AP |
Thông tin về người di cư chạy trốn nghèo đói, bạo lực ở các nước Trung Đông, châu Phi, tràn ngập các trang báo trong suốt năm 2015. Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng người nhập cư lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 60 triệu người phải tha hương vì chiến tranh, bạo lực và ngược đãi trong năm 2015. Theo báo cáo chính thức từ EU, khoảng một triệu người đã vượt biển để tới châu Âu trong năm 2015. Số người không thể hoàn tất cuộc hành trình và bỏ mạng trên biển chưa được thống kê.
Thảm cảnh của người tị nạn, đặc biệt là bức ảnh bé trai 3 tuổi người Syria, Aylan Kurdi, nằm trên bờ biển khiến cả thế giới rúng động. Hình ảnh tang thương về cái chết của cậu bé giúp thế giới nhận thức rõ hơn về những hiểm nguy mà dòng người di cư phải đối mặt. Nó khiến các nước châu Âu không thể thờ ơ với tình cảnh của dòng người nhập cư.
Theo BBC, cuối tháng 10, Đức là quốc gia tiếp nhận số người di cư lớn nhất. Berlin nhận hơn 315.000 trường hợp nộp đơn xin tị nạn mới. Dù không phải đích đến của dòng người trốn chạy đói nghèo, bạo lực nhưng Hungary đang xếp ở vị trí thứ 2 vì nằm trên hành trình di chuyển của đoàn người. Tính đến cuối tháng 10, quốc gia này nhận được 174.055 đơn xin tị nạn. Theo dự đoán, số người xin tị nạn sẽ tiếp tục gia tăng vì những bất ổn ở Trung Đông, buộc các nước EU phải tìm ra giải pháp để ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất nhiều thập niên.
3 Đối đầu Nga - phương Tây
Su-34 Nga dội bom các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: AP |
Quân nhân Nga chuẩn bị cho các đợt không kích tại sân bay quân sự ở Latakia, Syria. Ảnh: RT |
Su-24 Nga trúng tên lửa khi hoạt động ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty |
Tang lễ phi công điều khiển chiếc Su-24 bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi. Ảnh: Reuters |
Cuối tháng 9, Nga phát động chiến dịch không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria trước sự ngỡ ngàng của Mỹ và các nước phương Tây. Moscow sử dụng chiến dịch không kích để ngăn chặn từ xa nguy cơ nước Nga bị khủng bố. Tuy nhiên, phương Tây cáo buộc chiến dịch của Nga nhằm bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad, đồng minh lâu năm của Moscow.
Ngày 24/11, một chiến đấu cơ Su-24 của Nga bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi khi thực hiện nhiệm vụ không kích phiến quân ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ, khiến một trong hai phi công thiệt mạng và một quân nhân khác hy sinh khi thực hiện chiến dịch giải cứu. Đây là lần đầu tiên một nước thành viên NATO bắn rơi chiến đấu cơ Nga kể từ những năm 1950 và làm leo thang căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Nga tham gia vào chiến dịch không kích ở Syria làm mối quan hệ giữa các bên trở nên rối như tơ vò. Nó cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimir Putin trong việc bảo vệ chính phủ hợp pháp của Syria, đồng minh thân cận của Moscow. Việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 khiến Nga đưa hệ thống phòng không tối tân tới kiểm soát bầu trời Syria và bị phương Tây đánh giá là gây nhiều bất lợi cho châu Âu trong nỗ lực lật đổ chính quyền Assad.
Ngoài ra, ngày 31/10, một phi cơ Nga rơi tại Bán đảo Sinai, Ai Cập làm 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. IS lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công và gọi đó là hành động trả đũa cho việc Nga không kích ở Syria. Tuy nhiên, phía Ai Cập và Nga cho biết chưa có bằng chứng cho thấy chiếc A321 của hãng hàng không Kogalymavia rơi vì khủng bố.
4 Biển Đông dậy sóng
Tàu chiến Trung Quốc theo sau tàu USS Fort Worth khi chiến hạm Mỹ tuần tra Biển Đông trong tháng 6. Ảnh: CNN |
Các hoạt động bồi lấp trái phép của Trung Quốc tại bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc taị bãi đá Xu Bi trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Trong năm 2015, hàng loạt báo cáo cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi lấp phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động bồi lấp và xây dựng diễn ra trên cả 7 thực thể mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp.
Việt Nam, Philippines cùng nhiều quốc gia ở trong và ngoài khu vực Biển Đông lên tiếng chỉ trích hành động phi pháp của Trung Quốc. Nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cùng máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Bắc Kinh bồi lấp các đảo là hành động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Ngoài ra, với những đường băng dài, đủ để tất cả các loại máy bay quân sự có thể cất và hạ cánh, Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo để gia tăng ảnh hưởng trong toàn bộ khu vực.
Bên cạnh sự phản đối của các nước, Trung Quốc còn phải đối mặt với phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc trong vụ kiện của Philippines. Trả lời Zing.vn, chuyên gia luật Hoàng Việt, thành viên Ban nghiên cứu Luật Biển, Liên đoàn luật sư Việt Nam, cho rằng: “Áp lực sẽ buộc Bắc Kinh phải tuân thủ và không thể đi ngược lại so với luật quốc tế”.
Trong những ngày cuối năm, BBC phát phóng sự về hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC đã thuê máy bay dân sự áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng để thấy sự phản ứng của lực lượng hải quân nước này. Ông cũng sử dụng tàu đánh cá tiếp cận khu vực ngư dân Trung Quốc tàn phá các rạn san hô thuộc đảo Trường Sa của Việt Nam để khai thác sò khổng lồ.
5 TPP được 12 nước thông qua
Họp báo công bố 12 quốc gia thành viên đạt được thỏa thuận lịch sử. Ảnh: AFP |
Ngày 5/10, bộ trưởng 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức tuyên bố kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm và đạt được thỏa thuận cuối cùng. Quá trình đàm phán bắt đầu từ tháng 6/2005 giữa 4 nước sáng lập là Brunei, Chile, New Zealand và Singapore và tới cuối năm 2015, TPP có 12 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Là nền kinh tế lớn nhất TPP, Mỹ đi đầu trong các nỗ lực đàm phán nhằm sớm được thỏa thuận được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21. Cuối tháng 6, Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao quyền đàm phán nhanh, yếu tố giúp thúc đẩy quá trình đàm phán. Chính quyền Mỹ cũng nỗ lực thúc đẩy các nước thành viên TPP đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận vào cuối nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama.
Sau khi được thông qua, TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế toàn cầu. Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, TPP mang lại rất nhiều lợi ích cho Việt Nam, trong đó rõ ràng nhất là GDP hàng năm có thể tăng tới 30%. Việc tham gia hiệp định này giúp Việt Nam đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế toàn diện.
TPP sẽ chính thức được ký kết ngày 4/2/2016 và bắt đầu có hiệu lực hai năm sau đó. Theo ước tính, khoảng 18.000 đến 20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế. TPP cũng đưa ra những tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường mà các nước thành viên buộc phải tuân theo. Ngoài ra, một tòa án đặc biệt của TPP cũng được thành lập để buộc các chính phủ đền bù trong trường hợp tranh chấp.