Tình hình Biển Đông năm 2015 có sự thay đổi cơ bản, do việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn. Qua đó, nước này cố gắng tạo ra một nguyên trạng hoàn toàn mới trên Biển Đông và theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Những diễn biến quan trọng về Biển Đông 2015
Ngày 9/4, những ảnh chụp vệ tinh của các cơ quan Mỹ cho thấy sự thay đổi đáng kể từ những hoạt động bồi lấp các bãi đá ngầm của Trung Quốc để biến chúng trở thành đảo nhân tạo. Ngày 14/4, chính phủ Philippines cáo buộc hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã hủy diệt một vùng san hô rộng lớn, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến hệ sinh thái trong khu vực cũng như cuộc sống của người dân ở vùng lân cận.
Ngày 17/4, ảnh vệ tinh cho thấy đường băng bê tông mà Trung Quốc xây dựng sẽ là yếu tố để nước này triển khai máy bay quân sự đến đảo nhân tạo. Đến cuối tháng 5, giới chức Mỹ nói Trung Quốc đã đưa nhiều xe pháo binh di động đến đảo.
Ảnh vệ tinh chụp đá Chữ Thập ngày 22/1/2006 và ngày 28/6/2015. Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, Trung Quốc đã cải tạo gần 3 triệu mét vuông ở đá Chữ Thập. Ảnh vệ tinh cũng cho thấy rõ nước này đang xây một đường băng trên đảo, dự kiến dài khoảng 3.000 m. Các công trình cảng cũng đủ lớn để các tàu chở dầu quân sự neo đậu. Kế hoạch xây dựng của Trung Quốc còn bao gồm nhà máy sản xuất xi măng, tháp radar, hải đăng, bãi đỗ trực thăng... Ảnh: WSJ |
Ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn ngày 24/1/2012 và ngày 10/6/2015. Trung Quốc bắt đầu cải tạo đá Vành Khăn từ đầu năm 2015, đến nay đã hoàn thành vùng diện tích 5,5 triệu mét vuông. AMTI cho rằng đây là nơi Trung Quốc dự kiến thành lập một căn cứ hải quân. Ảnh: WSJ |
Ảnh vệ tinh chụp đá Xu Bi ngày 27/6/2012 và sau khi Trung Quốc cải tạo hôm 5/6/2015. AMTI cho biết, Trung Quốc đã bồi lấp gần 4 triệu mét vuông đất ở đá Xu Bi. Tại đây, nước này đã xây dựng một bãi đỗ trực thăng và một số cơ sở an ninh. Ảnh: WSJ |
Ngày 13/5, báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều máy bay và tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây phi pháp tại quần đảo Trường Sa để thách thức các tuyên bố chủ quyền hung hăng của nước này tại Biển Đông.
Ngày 1/6, đô đốc Tôn Kiến Quốc đe dọa tại Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore rằng Trung Quốc sẽ thành lập vùng phòng không trên Biển Đông; nếu Bắc Kinh cảm thấy các mối đe dọa ngày càng lớn. Việc thiết lập vùng phòng không sẽ củng cố sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ và các nước trong khu vực xem đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng của Bắc Kinh.
Ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố kết thúc quá trình bồi lấp đảo. Trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra rằng đây chỉ là động tác ứng phó với tình hình của Trung Quốc trước sức ép gia tăng của Mỹ và khu vực. Bên cạnh đó, nước này tập trung vào hoàn thiện các công trình trên những đảo nhân tạo.
Ngày 23/9, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố họ không có hành động quân sự hóa trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Tập cũng ngang nhiên khẳng định với Tổng thống Obama rằng lập trường của Bắc Kinh là nước này có "chủ quyền lịch sử không thể chối cãi" đối với những quần đảo trên Biển Đông. Tuyên bố này được cho là sự xác nhận việc không thể dàn xếp bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về tình hình Biển Đông, buộc Washington phải có những phản ứng mạnh mẽ hơn.
Bản đồ về "đường lưỡi bò" phi lý chiếm trọn Biển Đông mà Trung Quốc tự vẽ ra. Đồ họa: NYT |
Ngày 27/10, tàu USS Lassen mang tên lửa của Hải quân Mỹ thực hiện cuộc tuần tra Biển Đông nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải. Tàu đã đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp ở đá Xu Bi và Vành Khăn.
Ngày 31/10, Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan tuyên bố cơ quan này có thẩm quyền phân xử vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc từ lâu đã khẳng định lập trường không tham gia vụ kiện tụng kể từ năm 2013. Tuy nhiên, phán quyết của PCA là thất bại pháp lý nặng nề đầu tiên của Trung Quốc.
Ngày 6/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt khi nó nằm cách quần đảo Trường Sa khoảng 320 km về phía nam. Sự hiện diện của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy thái độ bác bỏ mạnh mẽ của Washington với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngày 8 và 9/11, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ bay gần các đạo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Biển Đông. Trước đây, hồi cuối năm 2013, Mỹ cũng từng thể hiện sự phản đối việc Trung Quốc đơn phương thiết lập vùng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông bằng việc điều B-52 bay qua đây.
Ngày 19/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hoạt động quân sự ở Biển Đông, kêu gọi một cơ chế để dàn xếp những bất đồng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Ngày 10/12, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết máy bay B-52 Mỹ tiếp tục áp sát đá Châu Viên, đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông, khi đang thực hiện nhiệm vụ ngày 10/12. Lầu Năm Góc nói đây là một sự cố "vô tình".
Biển Đông "cuồn cuộn sóng ngầm" năm 2015
Phát biểu tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông tổ chức cuối tháng 11 ở Vũng Tàu, Đại sứ Đặng Đình Quý (Giám đốc Học viện Ngoại giao), nhận định: “Biển Đông trong năm 2015 không có những cơn bão lớn nhưng sóng ngầm vẫn cuồn cuộn”. Theo ông, điều đáng lo ngại là tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ trở thành một điểm nóng mới.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ISEAS, Singapore) cho rằng tình hình Biển Đông năm 2015 có sự thay đổi cơ bản về cân bằng lực lượng, do việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo với quy mô rất lớn. Qua đó, nước này cố gắng tạo ra một nguyên trạng hoàn toàn mới trên Biển Đông và theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
“Vụ giàn khoan 2014 gây ra những xáo trộn và bất ổn trong khu vực, nhưng đây chỉ là diễn biến xảy ra một lần rồi kết thúc. Tuy nhiên, chiến lược năm qua của Trung Quốc mang tính lâu dài. Các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp sẽ tồn tại rất lâu. Đây có thể so sánh như sức ép thường trực với tình hình an ninh khu vực”, TS Hiệp nhận định với Zing.vn.
Tàu USS Lassen trong một cuộc tập trận. Ảnh: SCMP |
Theo Giáo sư Zachary Abuza (Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ), tính toán chiến lược của Trung Quốc trong năm 2015 là dồn toàn lực để hoàn thành 6 đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, qua đó tạo ra những nguyên trạng mới trong khu vực. “Với ý đồ xây dựng 3 sân bay ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Trung Quốc rõ ràng đang xây dựng nền tảng cho những hoạt động Chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2AD).
Trung Quốc thay đổi chiến thuật khi bị phản ứng
Theo TS Hiệp, các nước vốn chỉ liên quan gián tiếp đến tình hình Biển Đông (như Mỹ hay Nhật Bản), nay có những phản ứng rất mạnh mẽ. “Washington nhận ra những sức ép này, vì nếu họ không đối diện với Trung Quốc thì các tác hại trong tương lai sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi ích và vị thế của Mỹ trong khu vực. Việc điều tàu USS Lassen đến gần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi lấp là một ví dụ về phản ứng của Mỹ”.
Đồng tình với ý kiến trên, GS Abuza nói cuộc tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải của Mỹ (FON) là một bước đi quan trọng để thách thức cách Trung Quốc diễn giải luật pháp quốc tế, đồng thời để trấn an các đối tác và đồng minh trong khu vực. “Tuy nhiên, tôi nghĩ Mỹ đã mất quá lâu để thực hiện điều này”, ông nói.
Báo chí Mỹ từ lâu đã đưa tin về những bất đồng giữa quân đội và Nhà Trắng trong phản ứng với Trung Quốc. Điều này dẫn đến quá trình điều tàu USS Lassen mất vài tháng từ sau khi Mỹ bày tỏ ý định; hoặc gần đây là việc B-52 bay gần đá Châu Viên ngày 10/12 dù Mỹ đã tuyên bố sẽ không thực hiện thêm cuộc tuần tra ở Biển Đông cho đến đầu năm 2016.
Liên quan đến sự việc của B-52 mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định đây không thể là sự nhầm lẫn như thông báo của Lầu Năm Góc. "Tất cả các hành động của Lầu Năm Góc đều được tính toán cẩn trọng và có sự chấp thuận của Nhà Trắng", ông nói.
Một máy bay ném bom B-52H của Mỹ. Ảnh: US Air Force |
Tuy nhiên, Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng: "Bộ Quốc phòng sẽ chỉ luôn thực hiện những điều mà họ được ra lệnh. Khả năng một chỉ huy quân sự ra lệnh cho B-52 bay gần đá Châu Viên, đi ngược lại với những chỉ đạo từ cấp trên, là điều khó có thể xảy ra".
Tiến sĩ Patrick Cronin (Trung tâm An ninh Mỹ mới, CNAS) nói với Zing.vn rằng giới chức Mỹ và Nhà Trắng đã có nhiều tính toán chính trị, gồm khi nào là thời điểm thích hợp nhất, và lúc nào thì chưa nên, để tiến hành những hoạt động khẳng định quyền tự do hàng hải (FON).
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lên trực thăng để ra thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hoạt động ở Biển Đông ngày 6/11. Ảnh: DOD |
Theo ông Cronin, Mỹ cam kết tiến hành các cuộc tuần tra khẳng định FON như một trong rất nhiều cách nhằm bảo đảm sự ổn định ở khu vực, dựa trên những bộ luật lệ bình đẳng mà các nước không phải lo ngại sức ép từ sự lớn mạnh của Trung Quốc. “Tôi tin rằng đây là cam kết mà Mỹ sẽ tuân thủ thực hiện trong những thập kỷ tới. Mỹ muốn thắt chặt quan hệ với các đồng minh, đối tác trong khu vực. Washington cũng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện, như qua việc thực hiện hoạt động khẳng định FON hay sự hiện diện luân phiên ở Philippines”.
Giáo sư Abuza cho rằng hoạt động FON của Mỹ rõ ràng là một thất bại lớn đối với Trung Quốc khi không thể ngăn chặn sự việc xảy ra.
Theo TS Hiệp, phản ứng mạnh của các nước trong khu vực, cũng như của các cường quốc, dẫn tới việc Trung Quốc buộc phải sử dụng ngôn từ, tuyên bố mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, nước này vẫn tiếp tục những việc làm lâu nay trên thực địa, như hoàn thiện đảo nhân tạo, xây lắp trang thiết bị...
Thất bại pháp lý đầu tiên của Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines
Phán quyết về tính thẩm quyền của Toà án Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 31/10 cũng là một thất bại lớn trong năm 2015 đối với Trung Quốc. PCA khẳng định họ có quyền tài phán đối với 7/15 vấn đề Philippines đưa ra, theo đó Manila yêu cầu tòa coi đường 9 đoạn của Trung Quốc là bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS.
Đại diện Philippines trình bày tại phiên điều trần vụ kiện về tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông trước Tòa án Trọng tại Thường trực ở Hà Lan. Ảnh: Rappler |
PCA bác bỏ lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp ở Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ của họ và tòa án nên tổ chức thêm các phiên điều trần để xem xét giá trị đơn kiện mà Philippines trình lên tòa.
Theo GS Abuza, diễn biến này khiến Trung Quốc trở thành một kẻ bắt nạt, và một trong những cách đối phó của Bắc Kinh là cố gắng thanh minh rằng họ mới là người bị bắt nạt.
Từ ngày 24 đến ngày 1/12, Philippines đã trình bày các lập luận củng cố những bằng chứng của họ với những trọng tài viên của PCA về phản bác yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Trong phiên xử lần này, Philippines tập trung phản bác cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như yêu sách đường 9 đoạn, mà Bắc Kinh sử dụng để khẳng định cái gọi là chủ quyền.
Chính phủ Philippines tỏ ra lạc quan về cơ hội thắng kiện. Theo Giáo sư Jay Batongbacal (Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines), nội dung quan trọng nhất trong các điểm mà Philippines khởi kiện có khả năng chiến thắng chính là giá trị pháp lý của đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Nhiều học giả quốc tế cũng nhìn nhận cơ hội về một phán quyết có lợi cho Philippines. Chủ tịch hội đồng cố vấn Philippines cho biết PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc vào tháng 6/2016. Do vậy, các chuyên gia đồng tình rằng, một diễn biến quan trọng về tình hình Biển Đông trong năm tới chính là động thái và sự phản ứng của Trung Quốc trước phán quyết cuối cùng cho vụ kiện của Philippines.