Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nếu lập vùng đánh cá mới, Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Carl Thayer nhận định các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc sẽ xua đuổi tàu cá nước ngoài trong vùng đánh cá mới sau khi họ tuyên bố.

Ngày 15/12, BBC đăng phóng sự của phóng viên Rupert Wingfield-Hayes về việc ngư dân Trung Quốc tàn phá các rạn san hô trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Getty

Ngày 16/12, Đại tá Lê Thanh Vân, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân Việt Nam nhận định Trung Quốc đang cố tạo vùng đánh cá mới trên Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia, đã có cuộc trao đổi với Zing.vn về những vấn đề này.

- Hành động tàn phá các rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là sự tham lam của ngư dân Trung Quốc hay có mục đích chính trị nào khác?

- Bài báo gần đây của BBC cho thấy các hành động hủy diệt rạn san hô của ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là việc làm diễn ra từ hơn một thập kỷ qua. Ngư dân Trung Quốc săn lùng vỏ sò biển khổng lồ để tạo thành từng cặp làm đồ trang trí. Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, những vỏ sò này có thể giúp tăng cường bản lĩnh phái mạnh, điều khiến chúng trở nên quý giá.

Tuy nhiên, việc tận thu vỏ sò dưới đáy biển sẽ tổn hại trực tiếp tới san hô và các sinh vật sống trên nó. Ngư dân Trung Quốc tận thu sò biển vì sự tham lam của mình. Việc Trung Quốc phá hủy các rạn san hô là một trong những điểm Philippines đưa ra tại Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc phong vụ kiện yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc đã phê chuẩn nêu rõ các nước thành viên phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Thông qua việc phá hủy các rạn san hô, Trung Quốc đang gây nguy hại cho toàn bộ hệ sinh thái biển và các loài thủy sản phụ thuộc. Ngư dân Trung Quốc không chỉ phá hoại an ninh lương thực của chính họ mà còn cả khu vực Đông Nam Á.

- Ngày càng nhiều tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam, làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh muốn thành lập vùng đánh cá mới trên Biển Đông. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Có hai yếu tố rõ ràng. Thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố với thế giới về cái gọi là đường 9 đoạn, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Theo lý luận của người Trung Quốc, ngư dân của họ có thể đánh bắt thủy sản ở bất cứ nơi nào trong khu vực này mà không sợ bị trừng phạt. Trung Quốc đưa các tàu hải giám và hải cảnh ra Biển Đông để bảo vệ các hoạt động đánh bắt của mình.

Thứ hai, việc đánh bắt quá mức kết hợp với ô nhiễm khiến nguồn thủy sản trên khắp Trung Quốc đang dần cạn kiệt. Ngư dân Trung Quốc buộc phải di chuyển xa hơn về phía nam, thậm chí bên ngoài đường 9 đoạn, để tìm kiếm nguồn thủy hải sản. Nếu Trung Quốc tuyên bố một vùng đánh cá mới, nó cũng chỉ là động thái nhằm chính thức hóa những gì đã xảy ra.

Tàu cá Trung Quốc dàn hàng ở biển Hoàng Hải. Ảnh: AFP
Tàu cá Trung Quốc ở biển Hoàng Hải. Ảnh: AFP

Ngoài ra, việc tàu hải cảnh và hải giám Trung Quốc đi theo các tàu cá nhằm chứng minh cái gọi là “chủ quyền không tranh cãi” của Trung Quốc với phần lớn Biển Đông.

Tàu đánh cá của Trung Quốc được trang bị hệ thống thông tin liên lạc vệ tinh Bắc Đẩu, giúp lực lượng thực thi pháp luật biết chính xác vị trí của họ. Các tàu cá cũng có thể gửi tín hiệu cấp cứu trong trường hợp gặp nạn. Một số tàu cá thực sự là một phần của lực lượng dân quân Trung Quốc.

Trên thực tế, tất cả tàu đánh cá của Trung Quốc, dù là dân sự hay bán quân sự, đều là tai mắt của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển Trung Quốc.

- Ông dự đoán như thế nào về tình hình Biển Đông trong trường hợp Trung Quốc tuyên bố vùng đánh cá mới?

- Nếu Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chính thức, nó sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Các tàu hải giám và hải cảnh của Trung Quốc sẽ tham gia xua đuổi tàu cá nước ngoài trong khu vực họ mới tuyên bố.

Ngoài ra, ngư dân Trung Quốc sẽ đóng vai trò tích cực trong việc chống lại tàu cá nước ngoài bằng việc đánh, cướp hay thậm chí đâm chìm tàu. Ngư dân Trung Quốc hung hăng vì họ biết họ có thể thoát tội.

Giáo sư Carl Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á. Ông hiện là chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia.

Ngư dân Trung Quốc tàn phá các rạn san hô trên Biển Đông Phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC tiếp cận một số rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi các ngư dân Trung Quốc ngang nhiên tàn phá đáy biển.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm