Bộ trưởng Quốc phòng Australia, bà Marise Payne, cho hay, nước này không có kế hoạch ngừng các chuyến tuần tra trên Biển Đông. "Australia sẽ không nản chí sau những cảnh báo từ Trung Quốc", Reuters dẫn lời bà Payne nói.
Theo bà Payne, các chuyến bay của Australia nằm trong kế hoạch thường lệ, giúp duy trì ổn định và an ninh khu vực. “Chúng tôi thường tuần tra theo cách rất tích cực trong khu vực”, bà Payne khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Ảnh: Reuters |
Ngày 15/12, Bộ Quốc phòng Australia xác nhận máy bay quân sự AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia đã thực hiện chuyến bay tuần tra thường lệ trên Biển Đông. Đây là một phần chiến dịch Gateway từ ngày 25/11 tới 4/12.
Phản ứng trước động thái cứng rắn từ Australia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi, ngang ngược nói Australia "gây rắc rối ở Biển Đông".
Trong khi đó, một bài xã luận trên ấn bản tiếng Trung của Thời báo Hoàn cầu, phụ san báo đảng của Trung Quốc, cảnh báo máy bay tuần tra của Australia có thể bị bắn rơi nếu tiếp tục hoạt động trên Biển Đông.
"Máy bay quân sự Australia tốt hơn là không nên thường xuyên tới Biển Đông để tham gia các tranh chấp trong khu vực và đặc biệt không nên thử sự kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách bay gần các đảo nhân tạo", tờ Thời báo Hoàn Cầu viết với giọng khiêu khích.
"Các quốc gia luôn phải cẩn trọng, nhưng nếu một ngày máy bay bị bắn rơi, mà lại là phi cơ Australia, điều đó thật hổ thẹn”, tờ này ngang ngược viết.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, tuyến đường có giá trị thương mại đạt hơn 5 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Bắc Kinh đang bồi lấp trái phép tại 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa, gồm một đường băng dài 3.000 m, bất chấp sự phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Hành động của Trung Quốc làm tăng căng thẳng khu vực. Hồi tháng 10, Mỹ điều khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen tới gần một trong những đảo nhân tạo trái phép do Trung Quốc xây ở Biển Đông.
Ngày 14/12, một quan chức Mỹ nói, hải quân nước này sẽ có thể tuần tra quanh đảo nhân tạo vào tháng 1/2016. Đây sẽ là lần thách thức trực tiếp thứ 2 của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc quanh 7 đảo nhân tạo do nước này bồi lấp ở vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới.