Trong phóng sự được đăng tải ngày 15/12, BBC ghi nhận hoạt động tuần tra, giám sát của Không quân Hoàng gia Australia tại vùng biển Trung Quốc bồi lấp trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên thông tin Australia tuần tra trên Biển Đông được công bố.
Hoạt động bồi lấp phi pháp của Trung Quốc trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Canberra âm thầm tuần tra
Ngày 25/11, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes của BBC tiếp cận các đảo nhân tạo phi pháp Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông bằng cách thuê một chiếc phi cơ dân sự để bay vào khu vực 12 hải lý xung quanh các rạn san hô mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép. Trên đường trở về Philippines, phi hành đoàn bắt được tín hiệu từ một phi cơ của Australia.
“Hải quân Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc. Đây là máy bay Australia đang thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trong không phận quốc tế theo công ước Hàng không Dân dụng Quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Hết!”, đoạn thông điệp vang lên qua thiết bị liên lạc bằng sóng radio.
Sau khi nhận thông tin, tờ Japan Times đã liên lạc với Bộ Quốc phòng Australia và được xác nhận về các chuyến bay tuần tra. “Một máy bay AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Australia thường xuyên tuần tra trên biển trong khuôn khổ Operation Gateway (hoạt động lâu năm của Australia nhằm đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực Đông Nam Á) từ ngày 25/11 đến ngày 4/12”, Bộ Quốc phòng Australia cho biết.
Canberra bắt đầu thực hiện Operation Gateway từ thời Chiến tranh Lạnh. Nó liên quan đến việc tuần tra, giám sát hàng hải trong khu vực Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, trong sự kiện ngày 25/11, BBC chưa thể xác định được chiếc máy bay tuần tra, do thám của Australia có tiến vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo phi pháp của Trung Quốc hay không.
Ở thời điểm hiện tại, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Hơn 5.000 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu được vận chuyển qua vùng biển này mỗi năm. Hiện tại, tranh chấp giữa nhiều quốc gia trong khu vực đang khiến vùng biển này trở nên nóng bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc làm của Canberra khá thầm lặng. Australia cố tình không công khai việc tuần tra đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn của Canberra. Những hoạt động tương tự có thể tạo ra những tác động lớn hơn đối với Trung Quốc nếu thông điệp được truyền đi một cách độc lập nhất có thể.
Giáo sư Nick Bisley của Đại học La Trobe ở Melbourne, Australia, nhận định: “Dường như Australia muốn truyền thông điệp tới Trung Quốc theo cách không làm gia tăng căng thẳng và gây tổn hại tới mối quan hệ song phương”.
Việc làm của Australia trái ngược với những gì Washington đã thực hiện cuối tháng 10 khi Lầu Năm Góc đưa tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tuần tra khu vực 12 hải lý xung quanh đá Xu Bi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp. Bên cạnh việc công khai đưa tàu áp sát đảo phi pháp Trung Quốc, Mỹ còn điều máy bay ném bom chiến lược lướt qua không phận 12 hải lý phía trên nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Các hoạt động xây dựng phi pháp của Bắc Kinh trên rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS |
Tác động đến Nhật Bản
Việc đưa máy bay tới tuần tra Biển Đông nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải của Australia dường như là động thái nhắc nhở Nhật Bản có những hành động phù hợp trong khu vực. Nó cũng có thể khiến cho nhiều nhân vật trong chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ Quốc phòng Nhật Bản thúc giục Tokyo hành động sau khi nhiều lần lên tiếng ủng hộ các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, Japan Times nhận định.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hồi tháng trước ở Manila, Philippines, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Nhật Bản xem xét đưa Lực lượng Phòng vệ Biển tới Biển Đông. Tuy nhiên, đây có thể là quyết định gây nhiều phiền hà cho cả Tokyo và Washington.
Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, nhận định: “Tôi cho rằng Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản không cần thiết phải hiện diện ở Biển Đông, điều mà họ chưa từng làm trước đó. Ngoài ra, việc Nhật Bản chuyển hướng tới Biển Đông có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trong vùng biển Nhật Bản”.
Một số nhà phân tích cho rằng, Australia có thể không hoan nghênh việc Nhật Bản đưa chiến hạm tới Biển Đông. Canberra muốn bày tỏ sự không hài lòng với Bắc Kinh nhưng không làm cho đối tác quan trọng của họ quá tức giận.
Việc các đồng minh của Mỹ cùng phối hợp ở Biển Đông có thể khiến Trung Quốc coi đó là sự khiêu khích và không mang lại thêm hiệu quả. Australia có thể chào đón các quốc gia thực thi các hành động tương tự nhưng không muốn tất cả cùng phối hợp thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 18/12 nhưng các chuyên gia tin rằng vấn đề hợp tác tuần tra ở Biển Đông sẽ không được thảo luận công khai dù hai nhà lãnh đạo có thể sẽ trao đổi riêng.
Trung Quốc cấm xuất bản bản đồ "khác tiêu chuẩn"
Giới chức Trung Quốc ngày 16/12 ban hành các quy định mới về việc phân phối bản đồ trái với lập trường của chính phủ về tranh chấp lãnh thổ.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, việc xuất bản và trưng bày bản đồ không theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ bị cấm. Quy định có hiệu lực tương tự với các bản đồ được mang ra khỏi biên giới Trung Quốc.
“Các nội dung gây nguy hiểm cho chủ quyền, an toàn và lợi ích quốc gia không được đánh dấu trên bản đồ. Thông tin ảnh hưởng tới sự thống nhất dân tộc sẽ bị cấm. Ngoài ra, việc nhận thức về lãnh thổ cần được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học”, Lý Vĩ Bân, quan chức thuộc cơ quan vẽ bản đồ Trung Quốc, cho biết.
Theo Tân Hoa Xã, quy định mới cũng giúp Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ các bản đồ được cho là tiết lộ thông tin an ninh và địa lý nhạy cảm. Quy định bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1 năm sau. Nếu vi phạm, những người chịu trách nhiệm sẽ bị truy tố và chịu các hình phạt.
Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc cũng tịch thu các bản đồ vi phạm quan điểm chính phủ về các vấn đề liên quan tới Đài Loan, các đảo ở Biển Đông và tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ.