Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vai trò hạm đội Nam Hải trong tham vọng của Trung Quốc

Nam Hải được đánh giá là hạm đội mạnh nhất của Hải quân Trung Quốc và là công cụ sức mạnh của Bắc Kinh trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.

a
Lễ bàn giao tàu khu trục mạnh nhất Type-052D lớp Côn Minh, số hiệu 174 Hefei cho hạm đội Nam Hải. Ảnh: China Daily

Tờ China Daily ngày 12/12 đưa tin, hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã tổ chức buổi lễ tiếp nhận tàu khu trục tàng hình Type-052D lớp Côn Minh thứ 3. Con tàu mang số hiệu 174 Hợp Phì có cảng nhà tại khu phức hợp hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam.

Phó đô đốc Wang Dengping, phó chính ủy Hải quân Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Hợp Phì (được đặt theo tên của một thành phố) là tàu khu trục tiên tiến nhất từng được đóng mới tại Trung Quốc.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch đóng mới ít nhất 10 tàu chiến lớp Côn Minh để tăng cường bảo vệ các lợi ích hàng hải quốc gia. Tàu khu trục Type-052D đầu tiên mang số hiệu 172 Côn Minh được đưa vào hoạt động trong tháng 3/2014. Tàu tiếp theo 173 Trường Sa được đưa vào vận hành từ tháng 8 năm nay. Cả 3 tàu chiến mới và hiện đại nhất Trung Quốc đều được biên chế cho hạm đội Nam Hải.

Trung tâm sức mạnh của hải quân

Hạm đội Nam Hải được thành lập vào cuối năm 1949. Căn cứ chính của hạm đội đặt tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Hạm đội Nam Hải có nhiệm vụ phụ trách khu vực Biển Đông.

Theo Global Security, những năm 1980, ưu tiên của PLAN là đầu tư cho hạm đội Đông Hải nhằm đối phó với lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản ở vùng biển Hoàng Hải và và biển Nhật Bản. Đầu những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu tiến hành quá trình hiện đại hóa quân đội trên quy mô lớn, trong đó chú trọng mạnh đến phát triển không quân, hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược.

Bắc Kinh đã mua 4 tàu khu trục lớp Sovremenny từ Nga và biên chế cho hạm đội Đông Hải. Lúc đó chúng là những chiến hạm mạnh nhất của hải quân. Giai đoạn này, kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển ấn tượng tạo điều kiện cho tham vọng xây quân đội hùng mạnh của Bắc Kinh.

a
Tàu hộ vệ tên lửa Type-054A (2 chiếc gần) tiếp đến là tàu khu trục phòng không Type-052C và cuối cùng là tàu đổ bộ lớp Ngọc Chiêu của hạm đội Nam Hải. Ảnh: Navy.81

Từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, hạm đội Đông Hải vẫn là ưu tiên số một của hải quân. Đây cũng là hạm đội mạnh nhất của Trung Quốc giai đoạn này. Tuy nhiên, từ năm 2004 trở đi, tình hình bắt đầu thay đổi. Hạm đội Nam Hải được tiếp nhận gần như toàn bộ những tàu chiến mới nhất do công nghiệp đóng tàu Trung Quốc chế tạo.

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), trong số 8 tàu khu trục phòng không hiện đại nhất đóng mới từ những năm 1990 đến nay, 5 chiếc được biên chế cho hạm đội Nam Hải. Trong số 20 tàu hộ vệ tên lửa Type-054A có đến 8 chiếc bàn giao cho hạm đội này. Đặc biệt, tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc cũng biên chế cho hạm đội phụ trách Biển Đông.

3 tàu đổ bộ lớn nhất Type-071 Ngọc Chiêu cũng thuộc biên chế hạm đội này. ONI nhận định, Trung Quốc đang muốn xây dựng Nam Hải thành hạm đội mạnh nhất của hải quân nước này phục vụ cho tham vọng của họ ở châu Á – Thái Bình Dương mà trước mắt là độc chiếm Biển Đông.

Biển Đông cửa ngõ ra biển

Nhận định về sự thay đổi này, chuyên gia quân sự James C. Bussert, thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng xét về mặt địa lý, Nhật Bản và Hàn Quốc án ngữ phía trước Hoàng Hải và Đông Hải rõ ràng là một trở ngại lớn trong việc vươn ra biển lớn của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có sức mạnh hải quân hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ở khu vực Biển Đông, các quốc gia ASEAN có năng lực quân sự, đặc biệt là hải quân kém hơn nhiều so với Trung Quốc nên thuận lợi hơn trong tham vọng tiến ra đại dương.

a
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Jin tại căn cứ Du Lâm, đảo Hải Nam. Ảnh: USNI News

Ngoài ra, Biển Đông chứa nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Bắc Kinh cũng đang tranh chấp chủ quyền trên biển với một số quốc gia Đông Nam Á. Một vấn đề khác cũng rất quan trọng là tuyến vận tải biển huyết mạch của kinh tế Trung Quốc đi qua khu vực này từ Ấn Độ Dương.

Giới phân tích quân sự nhận định, Biển Đông đang trở thành "cửa ngõ" trong kế hoạch tiến ra biển lớn. Do đó, Bắc Kinh cần đầu tư mạnh cho hạm đội phụ trách khu vực này để cụ thể hóa điều đó.

Đối phó Hải quân Mỹ

Để phục vụ cho chiến lược vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2, Trung Quốc đang biến đảo Hải Nam thành căn cứ quân sự mạnh nhất ở điểm cực nam nước này. Bắc Kinh đã xây dựng ở đây một quân cảng lớn có khả năng tiếp nhận tàu sân bay Liêu Ninh ở vịnh Yolang. Xây căn cứ neo đậu cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược trong lòng núi ở cảng Du Lâm.

ONI cho biết thêm, toàn bộ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094 lớp Jin được triển khai ở căn cứ Du Lâm. Từ tháng 8/2008, các tàu ngầm điện-diesel lớp Yuan (loại hiện đại nhất do Trung Quốc đóng mới) cũng được tăng cường cho hạm đội Nam Hải.

Các tàu ngầm triển khai ở Du Lâm có thể giám sát toàn bộ Biển Đông, tuần tra Ấn Độ Dương và khu vực tây Thái Bình Dương. ONI cho rằng, hạm đội tàu ngầm ở đây có thể đe dọa hoạt động của Hải quân Mỹ ở đảo Guam.

Bên cạnh tăng cường lực lượng, củng cố quân cảng, Trung Quốc đã tiến hành bồi lấp trái phép 7 rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà có thể phục vụ như những tiền đồn trên biển. Các đảo nhân tạo này đều có cảng biển có khả năng tiếp nhận các tàu khu trục cỡ lớn. Chúng sẽ hoạt động với vai trò tiếp tế cho các nhiệm vụ tuần tra xa bờ của PLAN.

David S. McDonough, giám đốc Hiệp hội Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Viện Ottawa, Canada nhận định, các đảo nhân tạo sẽ giúp PLAN khống chế Biển Đông và loại trừ các hoạt động can thiệp sâu vào khu vực của Hải quân Mỹ. Ông cho rằng, hạm đội Nam Hải sẽ là công cụ quyền lực trong các hoạt động “bắt nạt” và yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Ngoài ra, hạm đội này còn có sứ mệnh đối phó với kế hoạch tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, không phải ngẫu nhiên mà những tàu chiến mới và hiện đại nhất đều biên chế cho hạm đội này, ông McDonough lập luận.

Đánh giá về vai trò của hạm đội Nam Hải trong tham vọng của Trung Quốc, tiến sĩ khoa học chính trị Andrey Gubin thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Nga nhận định, Biển Đông đang trở thành đấu trường trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung và hạm đội Nam Hải chính là công cụ để Bắc Kinh khẳng định "quyền lực trên biển".

TQ lập hàng rào tàu ngầm để chống tàu sân bay Mỹ

Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc ngày càng lớn mạnh về quy mô và chất lượng, mang đến những thách thức cho lực lượng tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương

Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất với Mỹ

Các chuyên gia nhận định, dù có một số vấn đề trong nước hay chính sách ở Trung Đông, thách thức lâu dài đối với lợi ích an ninh Mỹ vẫn là kiểm soát mối quan hệ với Trung Quốc.



Quốc Việt

Bạn có thể quan tâm